Bài 2: Phát triển KTTT, HTX thời kỳ mới phải phù hợp với đường lối, chủ trương, bối cảnh mới
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, ở nước ta, kinh tế tập thể (KTTT) mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX) có nhiều hình thức hợp tác đa dạng (HTX, tổ hợp tác, liên hiệp HTX...) dựa trên sở hữu của các thành viên và sở hữu tập thể, liên kết và hợp tác rộng rãi những người lao động, hộ sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên đưa lý luận phát triển HTX vào nước ta và thường xuyên quan tâm chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể, HTX. Trong “Thư gửi điền chủ nông gia Việt Nam” ngày 11/4/1946, Người viết: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh. Nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh, thì cần phải có HTX. Nói tóm lại, HTX là hợp vốn, hợp sức với nhau. Vốn nhiều, sức mạnh, thì khó nhọc ít mà ích lợi nhiều”. Ngày 11/4/1964, trong Thư gửi Đại hội HTX và đội sản xuất nông nghiệp tiên tiến miền núi và trung du, Người dặn dò: “HTX phải được củng cố, tức là làm cho xã viên có tinh thần làm chủ, làm cho ban quản trị được vững vàng và có năng lực, phải thực hành dân chủ, chống tham ô, lãng phí, quan liêu, phải đoàn kết chặt chẽ trong HTX, làm tốt công tác cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật và không ngừng nâng cao trình độ chính trị và văn hóa cho cán bộ và xã viên”.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (Ảnh: PV) |
Với nước ta, KTTT, HTX đã hình thành và phát triển hơn 70 năm qua, đóng góp quan trọng sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của đất nước ta. Cụ thể, thời kỳ 1955-1986, HTX phát triển nhanh về số lượng ở cả địa bàn nông thôn và thành thị; thời kỳ 1986-2002, khu vực nông nghiệp, nông thôn thực hiện khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động và cơ chế quản lý HTX chưa được đổi mới, số lượng và hiệu quả kinh tế HTX giảm thấp do phải củng cố và tổ chức lại phù hợp; thời kỳ 2002-2021, KTTT, HTX có bước phát triển về số lượng, chất lượng và hiệu quả hoạt động.
Trải qua các thời kỳ phát triển, bản chất, giá trị và các nguyên tắc hoạt động, vai trò của KTTT, HTX phù hợp với chủ trương của Đảng về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở nước ta và quy định của Hiến pháp: "Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật".
Căn cứ đường lối của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước, thực tiễn phát triển KTTT, HTX ở Việt Nam và các nước khác, có thể khẳng định phát triển KTTT, HTX là tất yếu khách quan, có ý nghĩa chiến lược và lâu dài trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta.
Phát triển KTTT, HTX là tất yếu khách quan, có ý nghĩa chiến lược và lâu dài trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta (Ảnh: PV) |
Qua 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, chúng ta đạt được kết quả: KTTT, HTX có bước phát triển cả số lượng và chất lượng, khắc phục tình trạng yếu kém kéo dài (cuối năm 2021, cả nước có 26.823 HTX, 120.319 tổ hợp tác và 106 liên hiệp HTX, thu hút 33% tổng số hộ gia đình ở địa bàn nông thôn tham gia, gần 60% HTX hoạt động có hiệu quả); bộ phận lớn HTX cung ứng dịch vụ đầu vào, đầu ra cho thành viên, giảm chi phí sản xuất và ổn định hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; kinh tế tập thể, HTX đã đóng góp tăng trưởng kinh tế bền vững, kiềm chế lạm phát, tăng kim ngạch xuất khẩu, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là kinh tế nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm, thích ứng biến đổi khí hậu, hướng đến phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn.
Có nhiều nguyên nhân và kinh nghiệm được rút ra, trong đó nhận thức của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về bản chất, cơ chế và lợi ích của HTX mang lại cho người dân và nền kinh tế được nâng lên, sự chủ động và tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương trong triển khai Nghị quyết phù hợp với thực tiễn như Tiền Giang, Đồng Tháp. An Giang, Đồng Nai, TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Ninh Bình, Sơn La...; các địa phương đều có nhiều mô hình HTX hoạt động hiệu quả với vai trò tư vấn và hỗ trợ nòng cốt của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam, tác động lan tỏa như HTX Sinh Dược - Ninh Bình, HTX Mỹ Đông - Đồng Tháp, HTX Mỹ Tịnh An - Tiền Giang, HTX Xuyên Việt - Hải Dương, HTX Ái Nghĩa - Quảng Nam...
Tuy vậy, KTTT, HTX ở nước ta phát triển chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, đang có những tồn tại, bất cập, hạn chế cần được quan tâm, giải quyết: Tỷ lệ lớn hộ cá thể ở địa bàn nông thôn chưa tham gia HTX, tổ hợp tác; một bộ phận lớn HTX có quy mô nhỏ, vốn ít, năng lực quản trị hạn chế, liên kết thành viên còn thấp, chưa có uy tín và thương hiệu trên thị trường; đóng góp cho phát triển nền kinh tế - xã hội còn hạn chế; đang có một số "điểm nghẽn" trong nhận thức và hiểu biết chưa đúng về cơ chế hoạt động và vai trò của HTX, pháp luật và chính sách hỗ trợ cho KTTT, năng lực quản trị của HTX còn yếu kém. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương, bộ, ngành chưa thực sự quan tâm đến kinh tế hợp tác và HTX.
Định hướng phát triển KTTT, HTX trong thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn 2045 được cho là phải phù hợp với đường lối, chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, khắc phục các "điểm nghẽn" đang kìm hãm sự phát triển trong bối cảnh và điều kiện mới.
Cụ thể, khẳng định lại lần nữa phát triển KTTT, HTX là tất yếu khách quan, có ý nghĩa chiến lược, lâu dài, là chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng và Nhà nước, là thành phần kinh tế quan trọng, phù hợp với cơ chế thị trường định hướng XHCN, cùng với kinh tế nhà nước giữ vai trò nền tảng trong nền kinh tế-xã hội ở nước ta, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với các tầng lớp nhân dân; tiếp tục phát triển KTTT, HTX trong các ngành, lĩnh vực, địa bàn nông thôn và thành thị, theo phương châm tích cực và vững chắc, xuất phát từ thực tiễn, tránh duy ý chí, nóng vội, kinh tế tập thể, HTX giữ vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế nông nghiệp; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, Nhà nước tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật và chính sách hỗ trợ phát triển KTTT, HTX, phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam, các tổ chức đoàn thể, trong đó có vai trò nòng cốt của hệ thống Liên minh hợp tác xã Việt Nam.
Trên cơ sở đó, xác định, KTTT, HTX phát triển nhanh, bền vững, là phương thức tổ chức sản xuất, kinh doanh quan trọng, đóng vai trò nền tảng trong nền kinh tế quốc dân, nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác, mang lại lợi ích kinh tế và phúc lợi xã hội ngày càng cao cho thành viên, thu hút hầu hết hộ cá thể ở địa bàn nông thôn và thành phần kinh tế khác tham gia kinh tế tập thể HTX.
Ngày 18/5/2022, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam sẽ tổ chức Diễn đàn kinh tế tập thể, hợp tác xã khu vực miền Trung Tây Nguyên lần thứ nhất - 2022 tại Quảng Nam với chủ đề "KTTT, HTX với chuyển đổi số để phục hồi và phát triển bền vững trong bối cảnh dịch COVID-19". Mục đích chính nhằm thúc đẩy khu vực KTTT, HTX phát triển nhanh, mạnh mẽ, đóng góp xứng đáng cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn tới, tương xứng với vị trí, vai trò nền tảng trong xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, thích ứng với quá trình chuyển đổi số, công nghệ và phương thức sản xuất, kinh doanh mới; hướng tới chào mừng kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2022) và Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII... |