A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nơi tận tâm, tận tình chăm sóc nạn nhân da cam

Đã 47 năm đất nước hoàn toàn giải phóng (30/4/1975 - 30/4/2022), song, những nỗi mất mát, đau thương do chiến tranh để lại vẫn hiển hiện đâu đó, rõ nhất là trong những gia đình, những người bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin. Góp phần xoa dịu nỗi đau da cam, trên địa bàn Hà Nội có những địa chỉ, những tấm lòng tận tâm, tận tình chăm sóc nạn nhân da cam.

Nhận được sự quan tâm, chăm sóc về nhiều mặt, sức khỏe của các nạn sống tại Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin thành phố Hà Nội chuyển biến tích cực.

Những ngôi nhà chung ấm áp

Ngoài việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách theo quy định, bảo đảm nạn nhân được chăm sóc tốt tại gia đình, cộng đồng, hiện nay, trên địa bàn Hà Nội những địa chỉ là ngôi nhà chung của nạn nhân da cam.

Nổi bật là Trung tâm Bảo trợ xã hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam thuộc Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, địa chỉ tại xã Yên Bình (huyện Thạch Thất) và Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin thành phố Hà Nội (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội), địa chỉ tại xã Yên Bài (huyện Ba Vì).

Bác sĩ Nguyễn Tiến Ninh, Phó giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cho biết, trung bình mỗi năm, trung tâm tổ chức xông hơi giải độc cho khoảng 350-500 người, chủ yếu là các cựu chiến binh, nạn nhân da cam đến từ nhiều tỉnh, thành phố. Phương pháp tẩy độc cho nạn nhân là phương pháp Hubbard, dựa trên nguyên lý giải độc không đặc hiệu thông qua đường mồ hôi, tiêu hóa và tiết niệu bằng cách sử dụng các vitamin, khoáng chất hàm lượng cao, dầu thực vật, kết hợp chế độ ăn ngủ đầy đủ, luyện tập thể dục, xông hơi khoảng 3-4 giờ/ngày. Mỗi nạn nhân tham gia quy trình giải độc khép kín trong 21 ngày. Nhờ phương pháp hỗ trợ điều trị hiện đại, sức khỏe của nạn nhân được cải thiện đáng kể. 

Ngoài việc tẩy độc, Trung tâm Bảo trợ xã hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam còn nuôi dưỡng thường xuyên từ 15 đến 20 người, chăm sóc bán trú, mở các lớp đào tạo nghề phù hợp với khả năng nhận thức của nạn nhân. Sau khi hoàn thành các khóa đào tạo nghề, mộ số nạn nhân có thể hoà nhập xã hội. Có thể kể đến là trường hợp chị Phan Thị Nấm, xã Phúc Sơn, huyện Lâm Bình (tỉnh Tuyên Quang) đã mở cửa hàng sửa chữa quần áo nhỏ tại quê nhà.

Còn Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin thành phố Hà Nội là ngôi nhà thứ hai của hơn 100 nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn. Với những nạn nhân có thể đi lại, có khả năng nhận biết, họ được hướng dẫn luyện tập thể dục hoặc làm những công việc giản đơn như quét sân, lau nhà, trồng cây, chăn nuôi... để nâng cao sức khỏe, rèn luyện kỹ năng cơ bản. Những người sức khỏe yếu luôn có lực lượng cán bộ theo dõi, thay ca chăm sóc 24/24 giờ ở khu vực riêng thông thoáng, khang trang.

Hết lòng vì nạn nhân

Bị ảnh hưởng bởi thứ chất độc có tính chất “hủy diệt”, sức khỏe của đa số nạn nhân da cam sống tại những “ngôi nhà chung” rất yếu, khả năng nhận thức kém, thậm chí có biểu hiện của bệnh tâm thần, không làm chủ được hành vi. Do đó, việc chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị cho họ gặp nhiều khó khăn. Vượt lên tất cả, những cán bộ, nhân viên làm việc tại các trung tâm nuôi dưỡng, điều trị cho nạn nhân da cam luôn hết lòng vì người bệnh. 

Làm nhiệm vụ tại Phòng Y tế - Tẩy độc, Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin thành phố Hà Nội, Nguyễn Thanh Bình thường xuyên tự trau dồi, rèn luyện chuyên môn để có thể chăm sóc bệnh nhân tốt hơn.

“Hằng ngày gắn bó với nạn nhân, hơn ai hết tôi hiểu những nỗi đau mà nạn nhân và gia đình gánh chịu. Do đó, tôi muốn chia sẻ, xoa dịu nỗi đau của nạn nhân bằng cách giúp họ cải thiện sức khỏe, sống vui vẻ, lạc quan”, anh Bình nói.

Cũng tại Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin thành phố Hà Nội, anh Nguyễn Văn Thuấn, Phòng Nuôi dưỡng và Phục hồi chức năng, thường xuyên “ba cùng” (ăn, ở, sinh hoạt) với nạn nhân để có thể hiểu rõ từng người. Chỉ cần quan sát cử chỉ, nét mặt anh Thuấn biết được nạn nhân đang cần gì, tình trạng sức khỏe ra sao và có cách thức chăm sóc phù hợp.

Giúp nạn nhân có thể học nghề, chị Nghiêm Thị Ngân, giáo viên dạy nghề may tại Trung tâm Bảo trợ xã hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam kiên trì hướng dẫn học viên từng chi tiết, thao tác nhỏ, mỗi thao tác phải làm đi làm lại nhiều lần. Dần dần, những học trò đặc biệt cũng có thể trở thành thợ may... 

Tin vui hơn đến với nạn nhân da cam sống trong những ngôi nhà chung là họ nhận được sự quan tâm ngày càng nhiều của các cơ quan chức năng và cộng đồng. Chia sẻ niềm vui này, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin thành phố Hà Nội Trần Đăng Khoa cho hay, ngoài cơ sở chính tại xã Yên Bài, cơ sở khác của trung tâm đóng tại phường Xuân Khanh (thị xã Sơn Tây) đang được UBND thành phố đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp, sẵng sàng thực hiện chức năng tẩy độc cho nạn nhân.

Tương tự, Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tiếp tục huy động nguồn lực để nâng cao chất lượng hoạt động về mọi mặt cho Trung tâm Bảo trợ xã hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.


Tác giả: Mai Phương Thảo
Nguồn:https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xa-hoi/1030323/noi-tan-tam-tan-tinh-cham-soc-nan-nhan-da-cam?fbclid=IwAR2CYiz8Nl4ErzcrWRM_Hjv1gMbGOtovHixsThzMGmrG3X_WpFIQei-1A7c Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...