A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kon Tum: Chủ động, quyết tâm hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, dột nát

Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực trong xóa nhà tạm, nhà dột nát nhưng tỉnh Kon Tum vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cần tháo gỡ, đặc biệt tại các khu vực đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Kon Tum quyết tâm hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát theo kế hoạch đề ra. Ảnh: ITN

Xóa nhà tạm, nhà dột nát đạt trên 97%

Tính đến ngày 28/5, toàn tỉnh Kon Tum đã thực hiện hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 2.678 hộ (xây mới 2.132 căn, sửa chữa 547 căn), đạt tỷ lệ 97,31%, trong đó đã hoàn thành 1.954 căn.

Đặc biệt, có 2/9 huyện (Kon Rẫy và Đăk Hà) đã hoàn thành chỉ tiêu xoá nhà tạm, nhà dột nát; có 2/9 huyện (Tu Mơ Rông, Đăk Tô) đã khởi công đạt 100% theo kế hoạch được giao.

Tuy nhiên, sau khi rà soát, tổng số hộ cần xóa nhà tạm giảm 12 hộ (còn 2.740 hộ). Nguyên nhân do thời gian thu thập, tổng hợp số liệu ban đầu được thực hiện trong thời gian ngắn dẫn đến có sự sai sót về số liệu; một số hộ không còn có nhu cầu sửa chữa, xây mới; hộ dân thay đổi nhu cầu từ sửa chữa sang xây mới và ngược lại…

Đồng thời, các huyện, thành phố đề xuất phê duyệt bổ sung 1.312 hộ (xây mới 1.034 hộ, sửa chữa 278 hộ), gồm: Người có công cách mạng; hộ nghèo, cận nghèo không thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia và hộ nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin; đối tượng khác.

Việc phát sinh, bổ sung do ban đầu nhà ở được xác định đạt tiêu chuẩn nhưng do ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ nên chất lượng nhà ở bị hư hỏng, xuống cấp không bảo đảm an toàn; rà soát lại theo tiêu chí của Bộ Xây dựng ban hành thì phát sinh thêm số hộ được hỗ trợ theo quy định; tổng hợp số liệu ban đầu bị sót đối tượng thụ hưởng…

Vì vậy, UBND tỉnh Kon Tum cần quyết liệt, chủ động, quyết tâm hơn nữa để triển khai và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh trước ngày 30/6/2025 như kế hoạch đã đề ra cũng như cam kết của tỉnh Kon Tum với Trung ương.

Sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Cùng với những kết quả đạt được, công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Kon Tum vẫn đối mặt với những khó khăn, thách thức cần giải quyết, như: Nguồn lực tài chính hạn chế; nhiều địa phương chưa cân đối được nguồn ngân sách, trong khi nguồn hỗ trợ từ Trung ương và các tổ chức còn phụ thuộc vào tiến độ giải ngân hoặc tài trợ không thường xuyên; thiếu nguồn nhân công để tạo mặt bằng và xây mới nhà ở; một số trường hợp còn vướng, chưa đảm bảo điều kiện về đất ở (chưa làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc chưa làm thủ tục sang nhượng, cho tặng)…

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Sở Dân tộc và Tôn giáo Kon Tum (cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh) đề xuất UBND tỉnh tham mưu Đảng uỷ UBND tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Sở Xây dựng hướng dẫn các địa phương ứng kinh phí từ ngân sách địa phương để triển khai thực hiện. Sau khi được Trung ương phân bổ cho địa phương thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát cho đối tượng hộ gia đình có công với cách mạng thì sẽ hoàn ứng đảm trên cơ sở nguyên tắc không vượt quá số nhà, số tiền đã được phê duyệt.

Đối với khó khăn về nguồn nhân lực, cần tăng cường vận động, tuyên truyền, phát huy nội lực và trách nhiệm của hộ gia đình, cộng đồng dân cư; tiếp tục đề cao tinh thần tự lực, tự cường của các địa phương trong huy động nguồn lực. Trong đó, nguồn lực Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, nguồn lực của xã hội là quan trọng với nguyên tắc Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tự tổ chức xây dựng nhà ở.

Mặt khác, huy động lực lượng cán bộ, chiến sỹ của Công an tỉnh, Sư Đoàn 10 phối hợp với lực lượng công an xã, dân quân, đoàn thể địa phương giúp đỡ ngày công làm nhà cho hộ gia đình, nhất là các hộ gia đình neo đơn, gia đình người có công, người già.

Về thủ tục đất ở, Sở Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai tạo điều kiện giải quyết thủ tục về tặng cho, thừa kế, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với các trường hợp là cá nhân để đảm bảo về đất ở, đủ điều kiện xây dựng đối với các đối tượng được thụ hưởng chính sách xóa nhà tạm.

Xóa nhà tạm, nhà dột nát không chỉ là mục tiêu an sinh mà còn là nền tảng để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, góp phần phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Kon Tum. Đây là giai đoạn nước rút, cần sự chung tay của toàn xã hội và quyết tâm mạnh mẽ của các cấp chính quyền để tỉnh hoàn thành mục tiêu đề ra.

Ngày 8/6/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 84/CĐ-TTg về việc tập trung hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trước ngày 31/8/2025.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức công bố hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát; tập trung toàn lực, triển khai thần tốc, thần tốc hơn nữa công tác xóa nhà tạm nhà dột nát trên địa bàn.

Đối với số nhà đã khởi công thì tập trung đôn đốc, huy động lực lượng hỗ trợ để hoàn thành trong thời gian sớm nhất; số nhà còn lại chưa khởi công thì đồng loạt khởi công trước ngày 20/6/2025 để kịp hoàn thành tiến độ theo yêu cầu trước ngày 31/8/2025.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...