Trung tướng Nguyễn Phúc Thanh: Từ chiến sĩ liên lạc đến vị tướng anh hùng
Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Phúc Thanh (1944-2019), nguyên Phó chủ tịch Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần (nay là Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật), là vị tướng trận mạc với nhiều chiến tích đã được ghi vào lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam. Những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông đã cùng đồng đội liên tục lập công, là tấm gương quả cảm dù bị thương cũng không lùi bước, được đồng đội tin tưởng, học tập.
Trong ký ức của nhiều người cùng thời, nguyên Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phúc Thanh luôn phát huy tốt những phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong cuộc sống và trong công việc với đức tính giản dị, khiêm tốn, cầu thị. Còn chúng tôi may mắn được nhiều lần trò chuyện với Trung tướng Nguyễn Phúc Thanh lúc sinh thời tại nhà riêng ở phố Nguyễn Tri Phương, Hà Nội.
Những năm cuối đời, sức khỏe của ông đã giảm sút nhiều do căn bệnh ung thư, hậu quả của việc bị nhiễm chất độc da cam/dioxin trong kháng chiến chống Mỹ. Là vị tướng hiền hậu và nhiệt huyết, nhiều hôm vì đã nhận lời tiếp chúng tôi trong khi bệnh tật đang hành hạ, nhưng ông vẫn nén những cơn đau, sẵn sàng dành nhiều thời gian chia sẻ kỷ niệm thời thanh xuân sôi nổi của ông và đồng đội. Ông bảo: “Ai cũng có công việc cả, không thể vì việc cá nhân mà làm lỡ dở việc chung. Mình còn đủ sức làm việc, mình sẽ cố hết sức có thể!”.
![]() |
Trung tướng Nguyễn Phúc Thanh (bên phải) trao kỷ vật kháng chiến tặng Bảo tàng Hậu cần Quân đội, tháng 7-2017. Ảnh: THANH HÀ |
Trung tướng Nguyễn Phúc Thanh có hơn 11 năm ở chiến trường. Với nhiệt huyết và tinh thần của tuổi trẻ, ông đã không ngừng rèn luyện, phấn đấu trưởng thành từ chiến sĩ, cán bộ chỉ huy cấp trung đội, đại đội... cho đến khi là tướng lĩnh của Quân đội ta. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông từng tham gia 138 trận đánh lớn, nhỏ, góp phần tiêu diệt 176 tên địch, bắn cháy 3 xe tăng và 1 máy bay của Mỹ.
Theo lời kể của Trung tướng Nguyễn Phúc Thanh, tháng 11-1964, đang học cấp 3, ông quyết định rời quê hương lên đường nhập ngũ. Ông nhớ mãi trận đánh đầu tiên của mình trên chiến trường là ngày 7-3-1965, trên cương vị là tổ trưởng tổ liên lạc của Đại đội 7, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 9, Sư đoàn 304.
“Lúc ấy, mình cũng run lắm chứ, nhất là khi nghe tiếng đạn chiu chíu bên tai. Nhưng khi thấy xung quanh, đồng đội ai ở vị trí nào tác chiến kỷ luật và dũng cảm ở vị trí ấy, mình vững dạ hẳn. Dần dần cũng quen với không khí chiến trường. Tổ liên lạc của mình chạy chân là chính. Có lệnh của chỉ huy là lên đường truyền đạt mệnh lệnh ngay, trong đầu tâm niệm phải hoàn thành nhiệm vụ mà không hề lo lắng đến việc bản thân có thể trúng đạn bị thương, thậm chí là hy sinh”, Trung tướng Nguyễn Phúc Thanh nhớ lại.
Tinh thần không ngại gian khổ, hy sinh ấy đã trở thành lý tưởng hành động của người lính Nguyễn Phúc Thanh và đồng đội trong suốt những năm tháng chiến đấu dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù. Đi qua bao mùa chiến dịch, vết thương này chưa khỏi, vết thương khác đã đến, nhưng ông không hề lùi bước. Tấm gương chiến đấu quả cảm của ông đã truyền lửa cho đồng đội, để họ vững dạ sát cánh bên nhau thi đua giết giặc, lập công. Nhất là khi bước vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, Đại đội trưởng Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 9, Quân khu Trị Thiên Nguyễn Phúc Thanh có nhiệm vụ chỉ huy đơn vị đánh dinh tỉnh trưởng, giải phóng nhà lao Thừa Phủ, rồi phát triển xuống xây dựng trận địa chốt tại cầu Bến Ngự. “Hôm đó trời rét đậm, nhưng chúng tôi vẫn hạ quyết tâm vượt sông. Kết hợp nghi binh với tiến công đột phá, Đại đội 6 chúng tôi đã tiêu diệt và bắt sống gần 700 tên địch, góp phần giải phóng Huế. Khi chuyển sang phòng ngự tiến công địch, suốt 25 ngày đêm, chúng tôi đã bám trụ vị trí cho đến khi có lệnh của trên cho phép rút ra ngoại thành”, Trung tướng Nguyễn Phúc Thanh nhớ lại.
Về tấm gương chiến đấu dũng cảm của đồng chí Nguyễn Phúc Thanh, trên Báo Quân giải phóng số đặc biệt ngày 25-1-1969 có đăng bài viết, trong đó có đoạn: “Năm qua, Nguyễn Phúc Thanh đã chỉ huy đơn vị đánh 36 trận, riêng anh diệt 117 tên địch, 1 xe tăng, được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Trong chiến đấu, anh là một cán bộ chỉ huy có bản lĩnh, nắm chắc thời cơ, biết phán đoán địch, táo bạo xử lý xoay chuyển tình thế trong tình huống hiểm nghèo, quyết giành thắng lợi. Nguyễn Phúc Thanh là tấm gương tiêu biểu cho tinh thần dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, bình tĩnh, quyết đoán của một người cán bộ chỉ huy giỏi”.
Trải qua nhiều cương vị công tác, đến khoảng đầu tháng 3-1975, ông được trên điều động rời cương vị Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1, Sư đoàn 324 về nhận nhiệm vụ mới là Phó tham mưu trưởng Sư đoàn và ngay lập tức tổ chức lực lượng nghiên cứu chuẩn bị chiến trường và phương án Chiến dịch Trị Thiên - Huế. Hướng tiến công của Sư đoàn 324 được trên giao là tấn công địch trên hướng Tây Nam Huế theo Đường 14, chia cắt bằng được đường số 1 nối Huế với Đà Nẵng, ngăn chặn không cho địch tăng viện.
Về trận đánh hôm đó, Thiếu tướng Lê Huy Mai, nguyên Phó chánh thanh tra Bộ Quốc phòng, hiện là Trưởng ban liên lạc cựu chiến binh Sư đoàn 324 kể: “Bấy giờ tôi là Trưởng ban Trinh sát - Đặc công Sư đoàn 324. Đúng 5 giờ 45 phút ngày 8-3-1975, các đơn vị của Sư đoàn đồng loạt nổ súng tấn công. Trên hướng thứ yếu, Trung đoàn 1 phát triển thuận lợi. Phần lớn quân địch bị tiêu diệt, một số sống sót tìm cách bỏ chạy nhưng đã bị ta kịp thời truy kích, tiêu diệt gọn”.
![]() |
Trung tướng Nguyễn Phúc Thanh kể chuyện chiến đấu, tháng 4-2015. Ảnh: TUẤN TÚ |
Tuy nhiên, trên hướng chủ yếu của Trung đoàn 2, ta gặp khó khăn do đơn vị tổ chức trinh sát không kỹ, quá trình chiến đấu hiệp đồng chưa chặt chẽ, do vậy, có mũi vào không đúng mục tiêu, mở cửa chậm nên bị địch phát hiện. Chúng kịp thời chống trả, bịt được cửa mở. Ta không đưa được lực lượng vào trong căn cứ, đành phải tạm dừng tiến công, trở về tuyến sau củng cố lực lượng. Vì vậy, đêm 8-3-1975, Ban chỉ huy Sư đoàn 324 lệnh cho Phó tham mưu trưởng Nguyễn Phúc Thanh xuống trực tiếp chỉ huy Trung đoàn 2 chiến đấu, tổ chức đánh chiếm các điểm cao 303, 224… “Nhận nhiệm vụ, ngay trong đêm tôi xuống họp bàn cùng Ban chỉ huy Trung đoàn 2 tổ chức trinh sát lại, nắm chắc tình hình địch và cho chuẩn bị sa bàn chi tiết để các đơn vị và cá nhân thảo luận công khai. Tại hội nghị rút kinh nghiệm, xác định quyết tâm, tất cả các thành phần tham dự đều sôi nổi thảo luận, bàn kỹ lại cách đánh, cách sử dụng hỏa lực để mở cửa. Đặc biệt là tổ chức tuyến hỏa lực bắn thẳng chi viện cho lực lượng mở cửa”, Trung tướng Nguyễn Phúc Thanh nhớ lại.
Khoảng 4 giờ chiều ngày 10-3-1975, Trung đoàn 2 trở lại tiếp tục chiến đấu. Nhờ tập trung hỏa lực, hiệp đồng chặt chẽ tiến công địch, nên đơn vị nhanh chóng đánh chiếm được các mục tiêu, hoàn thành nhiệm vụ đánh chiếm các điểm cao 303, 224. Ta tiêu diệt hơn 200 địch, bắt 57 tên. Sau đó, ông trở lại tiếp tục cùng Bộ tư lệnh Sư đoàn chỉ huy đơn vị đánh cắt đường số 1, tiến xuống đánh chiếm cửa biển Thuận An và hợp vây, giải phóng thành phố Huế vào trưa ngày 25-3-1975.
Về phía địch, sau khi để mất Tây Nguyên và hai tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, Tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu kêu gọi “tử thủ Đà Nẵng”. Lúc này, quân địch thất trận dồn về Đà Nẵng rất đông. Tuy nhiên lúc này, lực lượng của địch dù đông nhưng là quân ô hợp đang trong trạng thái hoang mang, rệu rã cao độ. Chấp hành mệnh lệnh: “Tập trung lực lượng tiến công tiêu diệt sinh lực lớn của địch tại Đà Nẵng. Quyết giành thắng lợi lớn trong trận quyết chiến chiến lược này. Tạo thời cơ lớn, kết thúc chiến tranh sớm” của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, quân và dân ta từ các hướng ào ạt mở nhiều đợt tiến công giải phóng Đà Nẵng. Trong đó, Quân đoàn 2 tiến công từ hướng Bắc và Tây theo trục đường số 1 và đường 14.
Đến ngày 29-3-1975, Đà Nẵng và Quảng Nam được giải phóng. Chiến dịch giải phóng Đà Nẵng kết thúc thắng lợi. Toàn bộ đội hình chiến đấu của Quân đoàn 2, trong đó có Sư đoàn 324 nhanh chóng củng cố lực lượng, bổ sung vật chất hậu cần, sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới. Khi tâm sự với chúng tôi, Trung tướng Nguyễn Phúc Thanh không giấu nổi niềm xúc động, bồi hồi khi được tham gia vào sự kiện lịch sử của cả dân tộc. Ông tự hào chia sẻ: “Ngày 22-4-1975, chúng tôi vui mừng khi biết sẽ được cùng Quân đoàn 2 trong đội hình Cánh quân Duyên Hải do Trung tướng Lê Trọng Tấn chỉ huy, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh tiến vào giải phóng Sài Gòn - Gia Định, dinh lũy cuối cùng của địch, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.
BÍCH TRANG