Vĩnh Long: Chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2025
Công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực tại tỉnh Vĩnh Long trong 6 tháng đầu năm 2025 đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Báo cáo trước kỳ họp giữa năm 2025 của Hội đồng Nhân dân (HĐND) tỉnh, UBND tỉnh Vĩnh Long đã nêu bật những thành tựu, hạn chế và xác định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm.
Hội nghị về công tác PCTN của UBND tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Đình Thuyết
UBND tỉnh Vĩnh Long đã thể hiện vai trò lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ trong việc triển khai các quy định pháp luật về PCTN, tiêu cực. Các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy và Thanh tra Chính phủ được cụ thể hóa kịp thời thông qua các kế hoạch như Quyết định số 2729/QĐ-UBND ngày 30/12/2024 về kế hoạch PCTN, tiêu cực năm 2025, Quyết định số 2789/QĐ-UBND ngày 31/12/2024 về kiểm soát quyền lực và xung đột lợi ích, cùng nhiều kế hoạch khác. Các cơ quan, đơn vị đã xây dựng kế hoạch PCTN, tiêu cực phù hợp với đặc thù, đảm bảo bám sát tình hình thực tiễn địa phương.
Tỉnh đã hoàn thành tự đánh giá công tác PCTN năm 2024 theo Kế hoạch số 2613/KH-TTCP của Thanh tra Chính phủ, gửi báo cáo đúng hạn, thể hiện sự nghiêm túc trong thực hiện chỉ đạo của cấp trên. Công tác kiểm soát tài sản, thu nhập (TSTN) được triển khai đồng bộ, với 5.782 bản kê khai TSTN, đạt tỷ lệ công khai 100%. Kết quả xác minh 76 trường hợp, đã ban hành 74 kết luận, đề nghị kiểm điểm trách nhiệm và rút kinh nghiệm 44 cá nhân, góp phần tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, Vĩnh Long đã tổ chức 2.519 cuộc tuyên truyền với 120.089 lượt người tham dự, sử dụng đa dạng các hình thức như hội nghị, sinh hoạt Đảng, đăng tải trên cổng thông tin điện tử, báo chí, đài phát thanh - truyền hình và hệ thống mạng nội bộ. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật về PCTN, tiêu cực, công khai, minh bạch, cải cách hành chính và nêu gương người tốt, việc tốt.
Đặc biệt, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã lồng ghép nội dung PCTN, tiêu cực vào chương trình giảng dạy tại các trường học theo Chỉ thị 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các buổi sinh hoạt dưới cờ, ngoại khóa và tiết học môn Giáo dục kinh tế và pháp luật đã giúp học sinh nâng cao ý thức trách nhiệm, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, phê phán các hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, ngành Thanh tra tỉnh đã triển khai 25 cuộc thanh tra trách nhiệm tại 29 đơn vị, ban hành 22 kết luận thanh tra. Kết quả cho thấy hầu hết các đơn vị chấp hành tốt các quy định, một số ít đơn vị còn hạn chế đã được kiến nghị xử lý kịp thời.
Trong kỳ, toàn tỉnh đã phát hiện 3 vụ việc liên quan đến tham nhũng: Thanh tra Công an tỉnh Trà Vinh (cũ) phát hiện 1 vụ/7 bị can; Thanh tra tỉnh Bến Tre (cũ) phát hiện 2 vụ với tổng số tiền 1,88 tỷ đồng, đã chuyển cơ quan điều tra xử lý. Qua điều tra, truy tố, tại Vĩnh Long (trước sáp nhập) phát hiện 3 vụ, hiện đang được tiếp tục điều tra. Tổng tài sản tham nhũng phát hiện là 4,03 tỷ đồng, đã được thu hồi 100%, thể hiện quyết tâm xử lý nghiêm minh và triệt để.
Các cơ quan, đơn vị công khai đầy đủ thông tin về nhiệm vụ chuyên môn, ngân sách, công tác cán bộ và thủ tục hành chính trên cổng thông tin điện tử và Cổng Dịch vụ công quốc gia. Số điện thoại đường dây nóng được công khai để tiếp nhận phản ánh của người dân và doanh nghiệp.
Về xây dựng định mức, tiêu chuẩn, chế độ, các cơ quan, đơn vị đã ban hành mới 156 quy chế, sửa đổi 12 quy chế chi tiêu nội bộ. Về chuyển đổi vị trí công tác, toàn tỉnh đã thực hiện 62 trường hợp chuyển đổi theo quy định của Luật PCTN. Ngoài ra, ứng dụng công nghệ thông tin, cơ chế một cửa và thanh toán không dùng tiền mặt đã hạn chế tối đa nhũng nhiễu, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Về phương hướng, nhiệm vụ những tháng cuối năm, UBND tỉnh đề ra một số nội dung trong tâm cần thực hiện, đó là: Tăng cường kiểm tra nội bộ để chủ động phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng, tiêu cực (nếu có); thực hiện tốt công tác tiếp công dân, kịp thời giải quyết các nội dung tố cáo có dấu hiệu, hành vi tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật; tăng cường thực hiện quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phát hiện, xử lý các vụ việc tham nhũng.
Tiếp tục thực hiện tốt việc phối hợp giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng nhằm đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, được dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo tỉnh theo dõi, chỉ đạo.
Nâng cao chất lượng hiệu quả trong việc nắm bắt tình hình, phát hiện tham nhũng, tập trung vào các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao như quản lý, sử dụng tài chính ngân sách, quản lý, sử dụng đất đai và xây dựng cơ bản… để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có chức năng PCTN, lãng phí, tiêu cực…