A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Các chương trình tín dụng chính sách cụ thể hóa phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”

Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” trong hệ thống Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) đã thực sự trở thành động lực, khơi dậy tinh thần nội lực, chủ động, sáng tạo trong mỗi cán bộ, viên chức, người lao động trong toàn hệ thống.

 

Bà Lê Thị Đức Hạnh, Phó Bí thư Đảng ủy NHCSXH Trung ương - Phó Tổng Giám đốc báo cáo kết quả hoạt động. Ảnh: NĐ

Nhận thức được ý nghĩa quan trọng và nhân văn sâu sắc của phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, NHCSXH các cấp đã chủ động, tích cực trong việc tuyên truyền, phổ biến đến toàn thể đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động trong hệ thống NHCSXH về chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về công tác giảm nghèo bền vững.

Đồng thời, luôn nỗ lực bám sát cơ sở, chuyển tải vốn kịp thời cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội tại mỗi địa phương trong toàn quốc.

Cùng với đó tích cực phối hợp với bộ, ban, ngành nghiên cứu, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung, ban hành các chính sách tín dụng phù hợp với yêu cầu thực tiễn về cho vay hộ mới thoát nghèo, học sinh sinh viên, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; phát triển và quản lý nhà ở xã hội; hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; giảm lãi suất cho vay các chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH nhằm hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách khác chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Đặc biệt, NHCSXH luôn chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các nghị định, quyết định để triển khai các chính sách cho vay ưu đãi theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Để đảm bảo có đủ nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương các cấp đã luôn quan tâm đến việc huy động và tập trung các nguồn lực tài chính, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Đến 28/2/2025, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 415.374 tỷ đồng, tăng 177.001 tỷ đồng (tăng 74,25% so với năm 2020).

Đặc biệt, sau 10 năm triến khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 và gần 1 năm thực hiện Chỉ thị số 39- CT/TW ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tín dụng chính sách xã hội đã phát huy hiệu lực, hiệu quả trên phạm vi toàn quốc, có tác động tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Nguồn vốn ủy thác địa phương đến 28/2/2025 đạt 58.486 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 14,1% tổng nguồn vốn. Hiện nay 100% đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện đã cân đối, ủy thác vốn ngân sách địa phương sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay.

Tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt 374.238 tỷ đồng, tăng 148.041 tỷ đồng so với năm 2020, bình quân tăng trưởng dư nợ hằng năm đạt 10,72%, với gần 6,9 triệu khách hàng còn dư nợ.

Đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách. Ảnh: IT

Trong giai đoạn 2021 - 2025, đã có hơn 9 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ NHCSXH với tổng doanh số cho vay đạt 432.263 tỷ đồng, vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp thu hút, tạo việc làm cho trên 3,1 triệu lao động (trong đó trên 29 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; hơn 9 nghìn lao động là người chấp hành xong án phạt tù vay vốn tự tạo việc làm).

Cùng với đó, giúp gần 300 nghìn lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 6,3 triệu công trình nước sạch, vệ sinh ở nông thôn; gần 40 nghìn căn nhà ở xã hội và trên 5,5 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

Các chương trình tín dụng chính sách được thiết kế thành hệ thống chính sách đồng bộ, hỗ trợ đa chiều, giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu trong cuộc sống của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.

Các tập thể đã có thành tích hoàn thành xuất sắc trong triển khai thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Ảnh: NĐ

NHCSXH cho biết, việc triển khai tín dụng chính sách xã hội đã khắc phục hạn chế của các chính sách hỗ trợ cho không; giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước, tập trung đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế, việc làm; làm quen với dịch vụ tài chính, ngân hàng; từng bước nâng cao trình độ sản xuất, kinh doanh, trình độ quản lý vốn; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Chất lượng tín dụng tiếp tục được giữ vững trên cơ sở kiên trì, quyết liệt thực hiện các giải pháp đồng bộ như: Phân tích, đánh giá chất lượng tín dụng từng khu vực, từng chi nhánh; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động, xác định đối tượng vay vốn, hướng dẫn sử dụng vốn vay, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn/nợ quá hạn, rà soát, thống kê, quản lý khách hàng đi khỏi nơi cư trú để có biện pháp xử lý phù hợp;

Tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, thực hiện trách nhiệm trả nợ, trả lãi đầy đủ, đúng hạn...; kịp thời rà soát, xử lý nợ bị rủi ro đảm bảo đúng quy định, hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống.

Đến 28/2/2025, nợ quá hạn và nợ khoanh là 2.059 tỷ đồng, chiếm 0,55%/tổng dư nợ, trong đó, nợ quá hạn 667 tỷ đồng, chiếm 0,18%/tổng dư nợ, khoảng cách về chất lượng tín dụng ở một số vùng miền, địa phương, đơn vị từng bước thu hẹp.

Cũng trong giai đoạn từ 2021 đến 28/2/2025, bên cạnh việc hỗ trợ vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo của các địa phương, NHCSXH thực hiện công tác an sinh xã hội, thiện nguyện với tổng số tiền 287.204 triệu đồng, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả đến các đối tượng yếu thế trong xã hội; giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách được động viên kịp thời nhân các dịp lễ, tết;...

NHCSXH cũng thực hiện tốt các chương trình chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước thông qua các phong trào thi đua, đảm bảo 100% vốn tín dụng chính sách đến được với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên khắp cả nước, góp phần quan trọng trong việc thúc đấy phát triến kinh tế - xã hội theo định hướng của Đảng và Nhà nước; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ tại vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiếu số và miền núi; góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các vùng trong cả nước và thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016 - 2021 từ 9,88% xuống 2,23%, giai đoạn 2022 - 2025 từ 5,2% năm 2022 xuống 4,03% năm 2023 và tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2024 còn 1,93%...

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...