A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Môi trường Internet mang lại nhiều lợi ích và cơ hội cho trẻ em tuy nhiên cũng có những cạm bẫy khó lường có thể xảy ra bất cứ khi nào, với nhiều hình thức khác nhau đối với trẻ. Do đó, bài toán bảo vệ trẻ em trên không gian mạng không chỉ là nhiệm vụ riêng của các cơ quan quản lý mà đó là sự chung tay, phối kết hợp giữa các tổ chức, doanh nghiệp và phụ huynh học sinh.

Trang bị “vắc xin số” tạo an toàn cho trẻ

Công nghệ số đã tạo ra những thay đổi đáng kể cho trẻ em, mang lại cho các em những cơ hội mới để học tập, giao lưu xã hội và để người khác lắng nghe tiếng nói của các em. Tuy nhiên, Internet cũng có nhiều cạm bẫy khó lường đối với trẻ em bởi các em vốn chưa có đầy đủ nhận thức và kỹ năng để tự bảo vệ bản thân trên môi trường mạng. Trẻ phải đối mặt với việc bị mất thông tin cá nhân, bị lừa đảo trên mạng, thậm chí là bị quấy rối, hay bị xâm hại trên môi trường mạng. Những rủi ro này vô cùng đa dạng, phức tạp có thể ảnh hưởng tới thể chất, tinh thần và sự phát triển toàn diện của trẻ.

Từ thực trạng đó, thời gian qua các Bộ, ngành, cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã tập trung triển khai những chính sách, giải pháp để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Trong đó việc trang bị cho trẻ những kỹ năng thông qua các bài giảng từ nhà trường... là cần thiết.

Từ năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới trong đó đặc biệt quan tâm tới tin học, qua đó trang bị cho học sinh những kiến thức liên quan đến an toàn thông tin, giúp các em tăng thêm các kỹ năng về an toàn thông tin mạng, để tự bảo vệ mình trên không gian mạng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành Thông tư 06/2019/TT-BGDĐT ngày 12/4/2019 về quy định quy tắc ứng xử trong nhà trường, phụ huynh và học sinh, bao gồm quy tắc ứng xử trên không gian mạng. Ngoài ra, Bộ triển khai các hoạt động lồng ghép bồi dưỡng kiến thức kỹ năng an toàn thông tin cho học sinh vào các môn học Giáo dục công dân, Quốc phòng an ninh, các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt tập thể. Các hoạt động đó đã và đang giúp các em học sinh có những kỹ năng cơ bản trên môi trường mạng.

Chia sẻ tại Tọa đàm “Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, giải pháp chính sách và công nghệ” được tổ chức mới đây, ông Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, thời gian tới Bộ và các đơn vị chức năng tiếp tục phối hợp triển khai các hoạt động nhằm bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.

“Sắp tới các đơn vị chức năng trong Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động lồng ghép tạo ra sự hấp dẫn về nội dung, giúp các em được trang bị các kỹ năng khi tham gia vào môi trường mạng. Bên cạnh đó, Bộ cũng huy động các nguồn lực xã hội phối hợp triển khai đào tạo bồi dưỡng kỹ năng công nghệ thông tin, trong đó có kỹ năng an toàn thông tin cho học sinh; phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) xây dựng khung năng lực số cho học sinh”, ông Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin cho hay.

Đồng hành tốt hơn cấm đoán

Không phủ nhận hiệu quả của các chính sách, hoạt động trang bị cho trẻ những kỹ năng cần thiết khi tham gia môi trường mạng, tuy nhiên để đạt hiệu quả cao việc trang bị kiến thức cho riêng trẻ là chưa đủ. Thực tế hiện nay rất cần giải pháp cũng như sự chung tay tham gia hỗ trợ, đồng hành cùng trẻ từ chính các thầy cô, phụ huynh của các em. Nhà trường và gia đình phải đóng vai trò là những người đồng hành cùng trẻ, tôn trọng quyền sử dụng Internet của trẻ, hỗ trợ chăm sóc và bảo vệ trẻ chứ không phải là ngăn cấm không cho trẻ sử dụng.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho biết: “Tham gia bảo vệ trẻ em nói chung, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng nói riêng cần sự chung tay không chỉ của cơ quan quản lý Nhà nước, mà còn cần sự đồng hành, lan toả của các tổ chức tham gia vào mạng lưới. Chúng ta lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động. Tôi hy vọng không chỉ riêng các cơ quan quản lý Nhà nước, các thầy cô giáo, phụ huynh và chính bản thân các em học sinh chúng ta cùng hành động để bảo vệ trẻ em ngày càng tốt hơn”.

Bên cạnh đó, Phó Cục trưởng cũng đề cao vai trò của các doanh nghiệp số. Theo bà các doanh nghiệp số tham gia vào mạng lưới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng có vai trò quan trọng. Khi các doanh nghiệp tạo được những sản phẩm tăng tính tương tác lành mạnh thì chắc chắn những cái tốt sẽ đến với trẻ em, gia đình và cộng đồng xã hội.

Đồng thuận với quan điểm của lãnh đạo Cục Trẻ em, ông Ngô Tấn Vũ Khanh, Giám đốc Kaspersky Việt Nam cho biết: Để nuôi dạy con trẻ hiệu quả và an toàn hơn trong một thế giới số, các bậc phụ huynh cần đồng hành cùng con với tinh thần cởi mở và hiểu biết, thay vì cấm đoán. Cha mẹ nên trò chuyện có trách nhiệm với con về những lợi ích và rủi ro khi tham gia không gian mạng để con tự do thử nghiệm trong phạm vi cho phép và rút ra bài học cho riêng mình.

“Các bậc phụ huynh cần thảo luận với con về thời gian dành cho mạng xã hội để cân bằng các hoạt động thể chất khác. Cha mẹ hãy là một tấm gương tốt, thực hành những gì bạn giảng để con bạn tin tưởng và hiểu rằng bạn chỉ muốn bảo vệ chúng. Cha mẹ cũng tìm hiểu về các bài đăng trên mạng xã hội của con và những người bạn mà chúng giao tiếp và ngăn chúng truy cập các trang web không an toàn bằng cách hạn chế một danh mục cụ thể. Đây có thể coi là một công cụ đắc lực trong việc hướng dẫn và đồng hành cùng trẻ khám phá thế giới trực tuyến một cách an toàn và hiệu quả”, ông Khanh bày tỏ.

Để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, đầu tháng 6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025”. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một Chương trình ở cấp quốc gia riêng về vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Triển khai Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 1/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã ra mắt trang web “Mạng lưới, ứng cứu bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng” tại địa chỉ website“vn-cop.vn”.

Theo đó, bên cạnh Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111, tại website “vn-cop.vn”, người dân, tổ chức khi phát hiện, nghi ngờ các hành vi, nội dung xâm hại trẻ em trên môi trường mạng có thể trực tiếp báo cáo với mạng lưới. Sau khi tiếp nhận thông tin mạng lưới triển khai biện pháp xác minh để hỗ trợ, ứng cứu kịp thời nhằm giảm thiểu rủi ro.

Cùng đó, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam đã tổ chức cuộc thi “Học sinh với an toàn thông tin” năm 2022. Cuộc thi thu hút gần 600 nghìn học sinh tham gia, qua đó đã cung cấp kiến thức, kỹ năng sử dụng Internet an toàn cho các em học sinh, giúp các em nhận diện và phòng, tránh các nguy cơ mất an toàn trên môi trường mạng...

N. Hoa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...