A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cơ hội việc làm giúp người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng

Ngày 14/4, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp với Hội Người khuyết tật Hà Nội và Hội Người khuyết tật các quận, huyện trên địa bàn Thành phố tổ chức Phiên Giao dịch việc làm (GDVL) lồng ghép tuyển dụng lao động người khuyết tật. Đây là cơ hội cho lao động là người khuyết tật tự tin tìm kiếm được việc làm, địa chỉ đào tạo nghề phù hợp, để từ đó tham gia vào thị trường lao động tạo ra thu nhập ổn định cuộc sống bản thân.

Phiên GDVL được tổ chức trực tiếp và trực tuyến, đồng bộ từ Sàn Trung tâm tại 215 Trung Kính đến 14 Sàn/Điểm GDVL vệ tinh trên địa bàn thành phố Hà Nội. 34 đơn vị, doanh nghiệp tham gia phiên GDVL có nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh 1.022 chỉ tiêu, trong đó có 10 doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề tuyển 317 chỉ tiêu người lao động khuyết tật.

Tăng cơ hội việc làm giúp người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng
Đại diện lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội và Ban Tổ chức bấm nút khai trương Phiên GDVL

Những ngành nghề được các doanh nghiệp tuyển dụng nhiều chỉ tiêu là kinh doanh - marketing, bán hàng - chăm sóc khách hàng, may mặc, thu ngân, công nhân sản xuất điện tử, kế toán, cơ khí - hàn, bảo vệ - tạp vụ,…

Đặc biệt, tại Phiên GDVL có 10 doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề có sử dụng lao động là người khuyết tật tham gia với 317 chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh. Các chỉ tiêu tập trung vào nghề may, thủ công mỹ nghệ, nhân viên kinh doanh, thợ thêu tranh, thợ may công nghiệp.

Phát biểu khai mạc phiên GDVL, ông Hoàng Thành Thái - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội cho biết: “Trong điều kiện bình thường, cơ hội việc làm đối với người khuyết tật vốn đã khó khăn, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp càng khiến vấn đề giải quyết việc làm cho người khuyết tật thêm nhiều trở ngại. Phiên GDVL chính là một trong nhiều giải pháp thiết thực nhằm khắc phục khó khăn, tăng cơ hội việc làm cho người khuyết tật trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19”.

Trong khuôn khổ phiên GDVL tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (215 Trung Kính), người khuyết tật tham dự không chỉ được tư vấn, phỏng vấn tuyển dụng, khám sức khỏe, cắt tóc miễn phí… mà còn được Trung tâm tư vấn về chính sách việc làm cho lao động là người khuyết tật, tư vấn về “Kỹ năng lựa chọn và tìm kiếm việc làm cho người khuyết tật”.

Thông tin thêm về phiên GDVL, ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết: Trung tâm tổ chức Phiên GDVL lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật nhằm thực hiện Kế hoạch số 34/KH-UBND ngày 26/1/2022 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc Hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022.

Việc tổ chức phiên GDVL cũng là hoạt động thiết thực hưởng tới kỷ niệm ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4, nhằm hỗ trợ người khuyết tật có việc làm phù hợp với tình trạng khuyết tật và khả năng của bản thân, tạo ra thu nhập ổn định và vươn lên trong cuộc sống hòa nhập với cộng đồng.

"Đây là cơ hội để người lao động khuyết tật được trực tiếp hỏi về các chế độ và quyền lợi về các vị trí tuyển dụng, ngành nghề đào tạo phù hợp với mình và chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng, khó khăn trong quá trình tìm kiếm việc làm. Các cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm sẽ giải đáp, đưa ra những khuyến nghị đối với lao động người khuyết tật, đồng thời chia sẻ nhiều kinh nghiệm hay trong việc sử dụng lao động là người khuyết tật. Bên cạnh đó, Trung tâm còn tiến hành thăm khám cho người lao động khuyết tật tham gia phiên GDVL”, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho biết.

Chia sẻ tại chương trình, Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật Hà Nội Nguyễn Hồng Hà cho biết, thời gian qua Hội luôn quan tâm đến công tác dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật. Hằng năm, Hội thường phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội và Trung tâm Dịch vụ việc làm và hỗ trợ thanh thiếu niên Hà Nội để tổ chức các phiên GDVL và ngày hội việc làm hòa nhập cho người khuyết tật. Thông qua các chương trình, mỗi năm có hàng trăm người khuyết tật tìm được nơi học nghề và làm việc phù hợp với điều kiện của mình, ổn định cuộc sống.

Tăng cơ hội việc làm giúp người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng
Người lao động khuyết tật được tư vấn, giới thiệu việc làm phù hợp tại Phiên GDVL

Đến với phiên GDVL, ông Nguyễn Hải Phong - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP Đào tạo huấn luyện nghiệp vụ hàng không Việt Nam cho biết, công ty đang có nhu cầu tuyển dụng 95 chỉ tiêu người lao động khuyết tật vào vị trí nhân viên tư vấn tuyển sinh chuyên ngành Hàng không; mức lương cơ bản khoảng 5 - 6 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, ông Phong cũng cho biết, đối với những người lao động khuyết tật làm việc đạt kết quả tốt, mức lương không thấp hơn 2 con số.

Có thể nói, phiên GDVL lồng ghép được tổ chức trong thời điểm hiện nay rất thiết thực và ý nghĩa với người lao động nói chung và người khuyết tật nói riêng. Tốt nghiệp Trung cấp tin học nên chị Phan Bích Ngọc (quận Hoàn Kiếm) đang mong muốn tìm được việc làm tại phiên GDVL hôm nay. Chị Ngọc cho biết: "Đến với phiên GDVL, tôi mong muốn công việc phù hợp với mức lương từ 4-5 triệu đồng/tháng để tự trang trải cuộc sống cá nhân. Công việc mà tôi đang tìm kiếm là ứng tuyển vào vị trí văn thư, công tác văn phòng hoặc vị trí bán hàng".

Tuy nhiên, chị Ngọc cũng chia sẻ một chút khó khăn, hạn chế của người khuyết tật khi đi tìm kiếm việc làm, đó là có những đơn vị yêu cầu khá cao về ngoại hình; nhiều khi tìm được việc làm phù hợp nhưng công ty lại ở ngoại thành, việc đi lại gặp khó khăn; hoặc có một số công ty yêu cầu làm đêm… nên những người khuyết tật như chị cũng khá khó khăn để tìm được việc làm phù hợp cho bản thân.

Tham gia phiên GDVL lần này có 34 đơn vị, doanh nghiệp, có nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh 1.022 chỉ tiêu, trong đó có 10 doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề tuyển 317 chỉ tiêu người lao động khuyết tật.

Qua tìm hiểu của phóng viên, các doanh nghiệp tham gia tuyển dụng lao động trả lương theo vị trí việc làm và trình độ, năng lực của người lao động. Trong đó, mức thu nhập từ 10 triệu đồng/tháng trở lên có 160 chỉ tiêu; mức thu nhập từ 7 - 10 triệu đồng/tháng có 362 chỉ tiêu; mức thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/tháng có 421 chỉ tiêu và 79 chỉ tiêu sẽ được doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận để có mức lương phù hợp.

Bảo Duy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...