Điểm tựa an sinh ổn định cuộc sống
Lễ ra quân hưởng ứng Tháng vận động triển khai bảo hiểm xã hội (BHXH) toàn dân - Truyền thông, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình” được BHXH Việt Nam và Bưu điện Việt Nam triển khai đồng bộ trên toàn quốc từ ngày 8/5; với mục tiêu phát triển được 10.000 người tham gia BHXH tự nguyện. Đây là một trong những hoạt động nhằm giúp người dân hiểu đúng về lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện; BHYT hộ gia đình để đảm bảo an sinh, ổn định cuộc sống.
Nỗ lực vì mục tiêu BHXH toàn dân
Với chủ đề “BHXH - điểm tựa của bạn và gia đình”, Lễ ra quân năm nay tập trung truyền thông sâu rộng về ý nghĩa, vai trò, tính nhân văn của chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, quyền và lợi ích khi tham gia; nhấn mạnh mức hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Nhà nước, ngân sách địa phương với người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, đồng thời, việc tăng mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu từ ngày 1/1/2022 thì mức lương hưu cũng sẽ tăng tương ứng; những thiệt thòi khi lựa chọn nhận BHXH một lần…
Cán bộ BHXH Hà Nội tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện tới người lao động khu vực phi chính thức |
Hoạt động này cũng chú trọng thông tin, truyền thông chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT, qua đó khẳng định sự quan tâm sâu sắc, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đối với sự nghiệp an sinh xã hội cho toàn thể nhân dân; truyền thông, vận động trực tiếp đối với nhóm người lao động là nông dân và lao động khu vực phi chính thức về quyền và lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; những rủi ro khi không tham gia BHXH, BHYT, từ đó thay đổi nhận thức, hành động và thói quen của người dân, chủ động tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình để đảm bảo an sinh, ổn định cuộc sống.
Liên ngành BHXH và Bưu điện cũng truyền thông đến nhóm người lao động dừng tham gia BHXH bắt buộc đang bảo lưu thời gian để tư vấn, vận động người lao động không nhận BHXH một lần, tiếp tục chuyển sang tham gia BHXH tự nguyện (khi có điệu kiện) để đảm bảo quyền lợi an sinh cho người lao động.
Nhấn mạnh BHXH, BHYT là hai trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội quốc gia nhằm đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội, ổn định cuộc sống nhân dân, thể hiện tính nhân văn của Nhà nước ta, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết: Những năm qua, việc triển khai chính sách này đã có nhiều kết quả tích cực, nổi bật; độ bao phủ BHXH, BHYT liên tục tăng và mở rộng. Tính đến hết ngày 30/4/2022 ước: Số người tham gia BHXH đạt trên 16,6 triệu người, chiếm 33,6% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 521 nghìn người so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc đạt trên 15,3 triệu người, tăng 369 nghìn người so với cùng kỳ, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt gần 1,3 triệu người, tăng 152 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; số người tham gia BHYT trên 85,8 triệu người, đạt tỷ lệ 86,8% dân số.
“Với tốc độ tăng trưởng BHXH tự nguyện được giữ vững trong điều kiện khó khăn chung do tác động của đại dịch Covid-19 như hiện nay, một lần nữa khẳng định sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến địa phương đã góp phần tạo nên sự thống nhất, đồng thuận trong việc tổ chức thực hiện hiệu quả chính sách BHXH, BHYT; sự nỗ lực, sáng tạo, quyết tâm vượt khó của toàn ngành BHXH Việt Nam; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội các cấp, trong đó có Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, cùng hướng tới hoàn thành mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng”, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh khẳng định.
Hà Nội phấn đấu phát triển tối thiểu 50 người/huyện
BHXH tự nguyện là chính sách bảo hiểm của Đảng và Nhà nước mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình. Công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc nhóm người tham gia BHXH bắt buộc thì đều được tham gia BHXH tự nguyện. Theo Khoản 2, Điều 87 Luật BHXH năm 2014, mức đóng BHXH tự nguyện bằng 22% mức thu nhập tháng. Trong đó, mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện tối thiểu bằng mức chuẩn hộ nghèo đối với khu vực nông thôn (mức chuẩn hộ nghèo hiện hành là 1.500.000 đồng/người/tháng) và tối đa bằng 20 lần lương cơ sở (mức lương cơ sở hiện hành là 1.490.000 đồng). Như vậy, kể từ ngày 1/1/2022, mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất là 330.000 đồng/tháng (22% x 1.500.000 đồng); mức đóng BHXH tự nguyện tối đa là: 6.556.000 đồng/tháng (22% x 29.800.000 đồng). Với mức tham gia trên, khi đủ điều kiện theo quy định, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được nhận lương hưu hằng tháng (gấp nhiều lần so với mức đóng) góp phần ổn định cuộc sống khi về già. Ngoài ra, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí trong suốt quá trình hưởng lương hưu, với mức quyền lợi hưởng chi phí khám bệnh, chữa bệnh là 95% (trong khi mức hưởng của người tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình là 80%). Về phương thức đóng: Người tham gia có thể đóng định kỳ: Hằng tháng; 3 tháng một lần; 6 tháng một lần; 12 tháng một lần; nhiều năm một lần (không quá 5 năm/lần). Đóng 1 lần: Cho những năm còn thiếu (không quá 10 năm) để đủ điều kiện hưởng lương hưu.Để tham gia BHXH tự nguyện, người lao động tự do có thể thực hiện các thủ tục đăng ký tại cơ quan BHXH nơi mình cư trú (có thể ở nơi tạm trú hoặc thường trú) hoặc các đại lý thu BHXH, BHYT (UBND các xã, phường, thị trấn, bưu điện, hội đoàn thể,…). |
Tại thành phố Hà Nội, việc triển khai Kế hoạch Liên tịch giữa BHXH Thành phố và Bưu điện thành phố Hà Nội tổ chức Lễ ra quân tuyên truyền BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình trong những năm gần đây đã mang lại kết quả hết sức khả quan, tạo bước đột phá trong công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình trên địa bàn Thành phố.
hẳng định ý nghĩa nhân văn, nhân đạo, hướng đến người tham gia là nông dân, người lao động khu vực phi chính thức trong lễ ra quân lần này, ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội, Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT thành phố Hà Nội cho biết: Mục tiêu của chính sách là thực hiện BHXH toàn dân, giúp người dân có thu nhập ổn định khi hết tuổi lao động, được hưởng lương hưu và thẻ BHYT miễn phí. Thành phố Hà Nội quyết tâm với mục tiêu phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện lần đầu, chỉ tiêu dự kiến đạt tối thiểu 50 người/huyện.
Để thực hiện mục tiêu trên, sau Lễ phát động, tại điểm cầu Hà Nội, các Tổ chạy tuần hành roadshow đã thực hiện tuyên truyền trên các tuyến đường, tuyến phố chính trên địa bàn để truyền tải các thông điệp về ý nghĩa, quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Tổ truyền thông, vận động gồm: Nhân viên BHXH, Bưu điện, nhân viên đại lý thu BHXH, BHYT của các phường, xã trực tiếp đến từng hộ dân vận động tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.
Giám đốc BHXH Thành phố Nguyễn Đức Hòa cũng cho biết: Theo kế hoạch, BHXH các quận, huyện, thị xã cũng đồng loạt tổ chức chương trình ra quân tuyên truyền và tổ chức hội nghị khách hàng trên địa bàn. Trên cơ sở này, BHXH cấp huyện thực hiện giao chỉ tiêu cho từng nhóm vận động, tuyên truyền thực hiện trong ngày ra quân.
Sau đó, BHXH Thành phố tiếp tục phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể và chính quyền địa phương tập trung tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình đến hết tháng 5/2022 và các tháng tiếp theo. Quyết tâm đạt tỷ lệ bao phủ về BHXH, BHYT và phát triền tăng nhanh đối tượng tham gia BHXH tự nguyện theo kế hoạch đề ra. /.
Bảo Duy