A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ Dân tộc và Tôn giáo: Cả nước đang triển khai hiệu quả kế hoạch xóa nhà tạm, nhà dột nát

Từ đầu năm 2025 đến nay, việc triển khai kế hoạch xóa nhà tạm, nhà dột nát đang được thực hiện đồng bộ, hiệu quả trên cả nước, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo chuyển biến rõ rệt trong đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng khó khăn.

 

Công an xã Minh Sơn, tỉnh Tuyên Quang cùng người dân tháo dỡ nhà tạm để xây dụng mới. Ảnh: TT

Trong khuôn khổ các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Y Thông cho biết: Việc xóa nhà tạm, nhà dột nát không chỉ là một nhiệm vụ dân sinh cấp bách mà còn là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững. Nhà ở không chỉ đơn thuần là nơi trú ngụ, mà còn là yếu tố đảm bảo sự ổn định đời sống, là cơ sở để người dân yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế và tham gia xây dựng đời sống văn hóa tại cộng đồng.

Trong năm 2024 và nửa đầu năm 2025, cả nước đã và đang tích cực thực hiện Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, đặc biệt là tại các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Kế hoạch được thực hiện với phương châm “Nhà nước hỗ trợ – cộng đồng giúp đỡ – người dân chủ động”, nhằm huy động tổng lực các nguồn lực xã hội cùng tham gia vào công tác xóa nhà tạm.

Tính đến ngày 19/7, đã hỗ trợ xóa 266.511 căn nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước cho các hộ nghèo và hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong đó: Hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng là 41.843 căn; khánh thành và khởi công, xây dựng 86.990 căn nhà ở theo Chương trình mục tiêu quốc gia; hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát là 128.760 căn; và gần 9.000 căn cho đối tượng bảo trợ xã hội, hộ có khó khăn về nhà ở...

Bộ Dân tộc và Tôn giáo đánh giá, nhiều địa phương đã đạt tiến độ và vượt chỉ tiêu đề ra, đặc biệt là các tỉnh như Điện Biên, Hà Giang, Nghệ An, Quảng Nam, Kon Tum và Cà Mau. Tại các tỉnh này, công tác khảo sát, lập danh sách hộ được hỗ trợ được thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch, tạo được sự đồng thuận cao trong Nhân dân.

Tại tỉnh Điện Biên, nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước, chỉ trong vòng 18 tháng, hơn 6.000 căn nhà đã được hoàn thành, giúp hàng chục ngàn người dân ổn định chỗ ở. Trước kia các hộ dân sống trong căn nhà tranh tre, mỗi lần mưa gió là phải thức trắng đêm. Giờ có nhà mới, mọi người yên tâm làm rẫy, cho con đi học đầy đủ.

Một trong những điểm nổi bật của chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát lần này là sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Bên cạnh nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, nhiều tỉnh đã linh hoạt vận động thêm nguồn lực từ doanh nghiệp, tổ chức tôn giáo, hội đoàn, lực lượng vũ trang và kiều bào.

Riêng trong năm 2024, các tổ chức chính trị - xã hội đã huy động được trên 3.000 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng nhà ở. Hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng quân đội, công an, biên phòng cũng trực tiếp tham gia vận chuyển vật liệu, hỗ trợ xây nhà tại các bản làng xa xôi.

Đặc biệt, phong trào “Toàn dân đoàn kết giúp nhau xóa nhà dột nát” do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động đã lan tỏa mạnh mẽ, khơi dậy tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng. Nhiều gia đình nghèo sau khi được hỗ trợ đã quay lại hỗ trợ người khác bằng công sức, vật liệu, góp phần làm nên những “ngôi nhà nghĩa tình” mang đậm bản sắc văn hóa Việt.

Để đảm bảo hiệu quả và công bằng trong phân bổ hỗ trợ, Bộ Dân tộc và Tôn giáo đã phối hợp với các địa phương xây dựng cơ sở dữ liệu hộ nghèo được cập nhật thường xuyên, minh bạch. Danh sách các hộ được hỗ trợ nhà ở được công bố công khai tại thôn, bản, tổ dân phố. Việc xét chọn căn cứ trên nhiều tiêu chí: Hoàn cảnh kinh tế, tình trạng nhà ở, đối tượng ưu tiên (gia đình có người già, người khuyết tật, trẻ em, hộ dân tộc thiểu số đơn thân...).

Ngoài ra, Bộ cũng phối hợp với Bộ Xây dựng ban hành các mẫu thiết kế nhà phù hợp với điều kiện khí hậu, tập quán sinh hoạt từng vùng. Việc sử dụng vật liệu địa phương, áp dụng công nghệ mới nhưng chi phí hợp lý giúp đảm bảo nhà bền, đẹp, sử dụng lâu dài.

Một điểm quan trọng khác là các hộ dân được hỗ trợ đều cam kết không bán, chuyển nhượng nhà ở trong vòng 10 năm. Chính quyền địa phương sẽ thực hiện giám sát, theo dõi hậu kiểm để đảm bảo mục tiêu an cư được duy trì bền vững.

Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực, song Bộ Dân tộc và Tôn giáo cũng thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn một số khó khăn trong quá trình triển khai, nhất là tại những vùng địa hình hiểm trở, thiếu vật liệu xây dựng, hoặc thiếu lao động. Một số nơi việc huy động nguồn lực xã hội chưa đồng đều; công tác phối hợp còn hạn chế, làm ảnh hưởng đến tiến độ.

Bên cạnh đó, do điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhiều hộ dân dù có nhà mới nhưng thiếu vốn sản xuất, thiếu việc làm ổn định, có nguy cơ tái nghèo. Đây là thách thức đặt ra cho các chương trình tiếp theo, đòi hỏi sự đồng bộ giữa hỗ trợ nhà ở và phát triển sinh kế.

Trong bối cảnh Việt Nam đang tiến tới mục tiêu phát triển bền vững, bao trùm và không để ai bị bỏ lại phía sau, việc bảo đảm chỗ ở an toàn, ổn định cho người dân vùng khó khăn không chỉ là trách nhiệm mà còn là biểu hiện sinh động của tinh thần nhân văn, truyền thống “lá lành đùm lá rách” của dân tộc.

“Việc xóa nhà tạm, nhà dột nát không chỉ là việc xây nhà mà là tạo dựng nền tảng cho phát triển con người. Bộ Dân tộc và Tôn giáo sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng công trình, phấn đấu trong năm 2025 hoàn thành cơ bản mục tiêu xóa nhà dột nát cho đồng bào dân tộc thiểu số”, Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Y Thông nhấn mạnh.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...