Giải pháp nâng cao chất lượng đời sống cho người lao động
Dù mạng lưới thiết chế văn hóa công đoàn tại Hà Nội còn khá mỏng nhưng nhiều mô hình ở cơ sở đã khẳng định hiệu quả rõ nét nhờ gắn bó chặt chẽ với đời sống tinh thần của người lao động.
Những “điểm sáng” như Trung tâm văn hóa - thể thao Khu nhà ở công nhân Kim Chung hay các câu lạc bộ công nhân ở Đông Anh, Sóc Sơn... đang tạo dựng nền tảng vững chắc, mở ra hướng phát triển mới gần gũi, thiết thực cho hệ thống thiết chế công đoàn tại Thủ đô.
Công nhân đọc sách tại Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Công ty TNHH Nippon Paint Việt Nam (Hà Nội).
Điểm sáng cần được nhân rộng
Theo ước tính, Hà Nội hiện có khoảng 2,5 triệu lao động, trong đó lực lượng công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và doanh nghiệp tư nhân chiếm tỉ lệ lớn. Đây là nhóm lao động có nhu cầu cao về không gian sinh hoạt văn hóa - thể thao, tư vấn pháp luật, giáo dục kỹ năng sống...
Tuy nhiên, hệ thống thiết chế văn hóa công đoàn hiện có vẫn chưa theo kịp nhu cầu đó. Nhiều nhà văn hóa công đoàn trên địa bàn thành phố hoạt động cầm chừng, cơ sở vật chất xuống cấp, nội dung sinh hoạt nghèo nàn, thiếu đội ngũ chuyên trách tổ chức các hoạt động thường xuyên. Có nơi, thiết chế công đoàn còn bị sử dụng sai mục đích, biến tướng thành kho chứa, văn phòng làm việc, thậm chí bỏ không do không có kinh phí vận hành. Đáng chú ý, một số khu vực các quận, huyện (cũ) đông công nhân như Đông Anh, Gia Lâm, Thường Tín, Hoài Đức, Bắc Từ Liêm... vẫn chưa có trung tâm văn hóa công đoàn quy mô tương xứng. Trong khi đó, quỹ đất dành cho thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp gần như không có hoặc được bố trí manh mún, khó triển khai.
Dù toàn cảnh còn nhiều gam trầm, nhưng không thể phủ nhận, vẫn có những mô hình thiết chế công đoàn hoạt động hiệu quả, linh hoạt và sát với nhu cầu công nhân. Đặc biệt, trên địa bàn huyện Đông Anh (cũ), không chỉ có điểm sinh hoạt văn hóa công nhân do Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đầu tư xây dựng mà còn có điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại thôn Nhuế (nay thuộc xã Thiên Lộc) do Liên đoàn Lao động huyện Đông Anh trước đây xây dựng, Trung tâm văn hóa, thể thao Khu nhà ở công nhân Kim Chung do UBND thành phố Hà Nội đầu tư xây dựng. Với cách làm chủ động, sáng tạo, nơi đây thường xuyên tổ chức các chương trình văn nghệ, giao lưu thể thao, tọa đàm pháp luật, truyền thông sức khỏe, tập huấn kỹ năng sống... thu hút hàng nghìn lượt đoàn viên, người lao động tham gia. Các hoạt động được tổ chức đa dạng, theo cụm, theo ca kíp sản xuất, giúp công nhân dễ tiếp cận, không bị “bỏ rơi” sau giờ làm.
Tại các khu nhà trọ ở Đông Anh, Sóc Sơn, các công đoàn cơ sở phối hợp xây dựng Câu lạc bộ công nhân, tổ chức sinh hoạt định kỳ, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, hỗ trợ đời sống tinh thần cho người lao động xa quê. Nhiều buổi chiếu phim lưu động, phiên tòa giả định, truyền thông pháp luật lưu động... đã giúp người lao động hiểu và bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn Hà Nội cũng chủ động đầu tư thiết chế văn hóa tại chỗ, phối hợp với công đoàn cơ sở tổ chức các hoạt động sinh hoạt định kỳ, giao lưu văn nghệ, thể thao, thi tìm hiểu pháp luật... không chỉ nâng cao đời sống tinh thần mà còn tăng tính gắn kết giữa người lao động và doanh nghiệp. Dù còn mang tính cục bộ, nhưng những mô hình này cho thấy tiềm năng rất lớn của thiết chế văn hóa công đoàn khi được đầu tư đúng hướng, sát thực tiễn và có sự phối hợp tốt giữa công đoàn - chính quyền - doanh nghiệp.
Tháo gỡ “rào cản” từ thực tiễn
Tại các hội thảo, hội nghị chuyên đề, nhiều chuyên gia, nhà khoa học và nhà quản lý đã đưa ra các kiến nghị nhằm tháo gỡ vướng mắc và thúc đẩy phát triển thiết chế văn hóa công đoàn Thủ đô. Trong đó, nổi bật là đề xuất xây dựng Đề án tổng thể phát triển thiết chế văn hóa công đoàn Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2045, gắn với quy hoạch đô thị, chương trình phát triển nhà ở công nhân và không gian văn hóa công cộng.
Bên cạnh đó, cần ưu tiên bố trí quỹ đất công, tận dụng cơ sở vật chất hiện có để cải tạo thành các trung tâm sinh hoạt văn hóa công đoàn; thí điểm mô hình Trung tâm Dịch vụ - Văn hóa Công đoàn đa năng, tích hợp các chức năng như tư vấn pháp luật, sinh hoạt cộng đồng, mua sắm phúc lợi cho đoàn viên, tổ chức sự kiện văn hóa. Các ý kiến cũng nhấn mạnh việc tăng cường xã hội hóa, huy động doanh nghiệp cùng tham gia đầu tư và vận hành thiết chế văn hóa, đặc biệt tại các khu công nghiệp mới như Bắc Thăng Long, Quang Minh, Phú Nghĩa...
Đồng thời, cần đẩy mạnh mô hình “văn hóa công đoàn lưu động” với các hoạt động như sân khấu nhỏ, thư viện mini, chiếu phim, hội thao đến với khu nhà trọ, cụm dân cư đông công nhân. Tuy nhiên, đến nay, kết quả vẫn còn khiêm tốn, dè dặt.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, một trong những “rào cản” lớn khiến thiết chế văn hóa công đoàn tại Hà Nội chưa phát triển tương xứng là do thiếu quỹ đất sạch, phù hợp quy hoạch, đặc biệt là ở các địa bàn tập trung đông công nhân. Việc xin cấp đất cho thiết chế văn hóa công đoàn gặp không ít khó khăn do vướng thủ tục pháp lý, giá đất cao, thiếu cơ chế hỗ trợ từ chính quyền địa phương.
Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư cho thiết chế văn hóa công đoàn hiện vẫn còn hạn chế. Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa công đoàn phần lớn chưa được đào tạo chuyên sâu, thường kiêm nhiệm nhiều vị trí, dẫn đến hiệu quả hoạt động chưa cao. Không ít nơi, dù thiết chế đã được xây dựng nhưng không thể vận hành hiệu quả do thiếu nhân lực, thiếu nội dung hoạt động và thiếu kinh phí duy trì. Đáng lưu ý, tư duy phát triển thiết chế công đoàn hiện nay vẫn còn nặng tính hành chính, hình thức, chưa thực sự xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của người lao động, thiếu sự hấp dẫn và tính bền vững trong tổ chức hoạt động.
“Với đặc thù là đô thị đặc biệt, nơi có mật độ dân cư và người lao động lớn, Hà Nội rất cần một chiến lược riêng, bài bản trong phát triển hệ thống thiết chế văn hóa công đoàn. Đây không chỉ là giải pháp chăm lo thiết thực cho người lao động mà còn góp phần xây dựng môi trường văn hóa - xã hội lành mạnh, tiến bộ và gắn kết trong các khu công nghiệp, khu dân cư” - ông Sơn nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khẳng định, một Thủ đô đáng sống không thể chỉ được đo bằng chỉ số tăng trưởng kinh tế hay những công trình hạ tầng đồ sộ, mà còn phải được cảm nhận từ chính những không gian sống, làm việc và sinh hoạt tinh thần đậm chất nhân văn, kết nối cộng đồng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, hệ thống thiết chế văn hóa công đoàn tại Hà Nội vẫn còn mỏng, manh mún, thiếu quy hoạch bài bản và hoạt động chưa hiệu quả ở nhiều nơi.
Trong khi đó, đời sống của công nhân - nhóm dễ bị tổn thương về tinh thần - lại đang cần hơn bao giờ hết những điểm tựa văn hóa gần gũi và thiết thực. Chính vì vậy, việc chăm lo cho thiết chế văn hóa công đoàn không thể dừng lại ở những khẩu hiệu hay một vài mô hình điểm mang tính hình thức.
Đã đến lúc cần xây dựng một chiến lược phát triển thiết chế công đoàn một cách bài bản, có chiều sâu, với sự phối hợp thực chất giữa tổ chức Công đoàn, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội. Vấn đề không chỉ nằm ở đầu tư cơ sở vật chất, mà còn là bài toán về nguồn nhân lực, nội dung hoạt động, cơ chế vận hành và sự cam kết đồng bộ từ các cấp, các ngành.
Trên hết, cần một quyết tâm chính trị mạnh mẽ, lâu dài và nhất quán từ toàn bộ hệ thống chính trị của Thủ đô. Bởi lẽ, đầu tư cho thiết chế công đoàn hôm nay chính là đầu tư cho chất lượng nguồn nhân lực, cho sự gắn bó giữa người lao động với doanh nghiệp và cho sự phát triển bền vững của Hà Nội trong tương lai.