A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

An toàn cho trẻ em trên không gian mạng: Không thể lơ là!

Khi công nghệ số trở thành công cụ làm việc, giải trí không thể thiếu trong đời sống hằng ngày thì cũng đem đến không ít rủi ro về an toàn thông tin…

Trong đó, nguy cơ với trẻ em là rất lớn, nhất là khi các em chưa có đủ kỹ năng để nhận diện, phòng tránh. Vì vậy, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng luôn là vấn đề nóng, đòi hỏi sự sát sao của các bậc phụ huynh và chung tay của toàn xã hội…

hoc-sinh.jpg

Học sinh Trường Trung học phổ thông Thạch Bàn (quận Long Biên) đặt câu hỏi tìm hiểu về các quy định khi tham gia không gian mạng tại hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, tháng 11-2024.

Nguy cơ hiện hữu

Môi trường số đang hiện hữu trong mọi mặt đời sống của con người, trong đó có trẻ em. Kết quả khảo sát về mức độ tham gia của trẻ em trên môi trường mạng do Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) thực hiện tháng 12-2023 cho thấy, có 83,9% trẻ em có sử dụng điện thoại, trong đó điện thoại thông minh chiếm 76%; 86,1% trẻ em được khảo sát có sử dụng mạng xã hội. 97% trẻ em được khảo sát sử dụng điện thoại từ 1giờ/ngày, gần 27% sử dụng điện thoại từ 5giờ/ngày; mục đích sử dụng lớn nhất là giải trí (xem phim ảnh, nghe nhạc…) chiếm 86%.

Theo Quản lý chương trình bảo vệ trẻ em của Tổ chức Tầm nhìn quốc tế tại Việt Nam (World Vision Việt Nam) Phan Thị Kim Liên, cứ 10 trẻ em thì có 9 em sử dụng internet hằng ngày và điều này đem lại các cơ hội và kèm không ít rủi ro cho sự phát triển của trẻ.

Dẫn một báo cáo khác, Trưởng phòng Kiểm định (Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông) Đinh Thị Như Hoa cho biết, số lượng trẻ sử dụng internet tăng nhanh. Trẻ sử dụng internet quá nhiều là nguyên nhân dẫn đến nghiện game, mạng xã hội và internet. Khoảng 70-80% số trẻ em từ 10-15 tuổi thích chơi game online, trong đó tỷ lệ trẻ bị nghiện game chiếm khoảng 10-15%.

“Việc truy cập internet nhiều có thể khiến các em tiếp cận những nguồn thông tin không phù hợp như truy cập trang web có nội dung xấu, bị bạo lực mạng. Nếu không được phát hiện sớm, những thông tin này sẽ ảnh hưởng xấu đến tâm sinh lý, sức khỏe thể chất và hành vi của trẻ”, bà Đinh Thị Như Hoa nhận định.

Cũng theo đại diện từ MSD, tỷ lệ trẻ em đã được học những nội dung, kỹ năng để bảo vệ bản thân trên môi trường mạng đạt khá cao trên 70% (riêng nội dung về phòng ngừa bắt nạt qua mạng xã hội thấp nhất cũng đạt 63,4%). Điều này là tích cực, nhưng cũng hàm chứa nhiều rủi ro xuất phát từ việc nhận thức của trẻ em còn chưa đầy đủ, cũng như những thông tin, kiến thức trên mạng xã hội luôn cần kiểm chứng về độ chính xác.

Thêm nữa, khi công nghệ phát triển, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) cũng tạo ra các thách thức mới trong bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Theo chuyên gia bảo vệ trẻ em Tổ chức ChildFund Việt Nam Đỗ Dương Hiển, các công cụ thuật toán AI của các nền tảng sẽ cung cấp cho người dùng những nội dung mà chúng ta quan tâm. Và đối với trẻ em, các nội dung có thể tạo ra sự tò mò thu hút trẻ liên quan tới bạo lực, tình dục có thể sẽ tiếp tục được đề xuất khi trẻ vô tình dừng lại. Đó còn là các thông tin, hình ảnh sai lệch do AI tạo sinh tạo ra ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức của trẻ. “Các công cụ AI tạo sinh ngày càng phổ biến, nhưng trẻ em, thậm chí người lớn không phải ai cũng được hướng dẫn để sử dụng AI sao cho hiệu quả và phù hợp…”, ông Đỗ Dương Hiển phân tích.

Dạy kỹ năng, trang bị giải pháp công nghệ

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) kiêm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em Việt Nam Ngô Tuấn Anh, trên không gian mạng, một trong những nỗ lực của Chính phủ vừa qua đó là ban hành Nghị định số 147/NĐ-CP ngày 9-11-2024 (có hiệu lực từ ngày 25-12-2024) về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng. Nghị định ra đời đã hoàn thiện hành lang pháp lý về sử dụng internet nói chung và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng nói riêng. Cụ thể, nghị định đã quy định nhiều nội dung liên quan như giới hạn thời gian chơi game, quản lý việc sử dụng mạng xã hội của trẻ em.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Hữu Cường (Trung tâm An toàn thông tin VNPT) cho biết, tuân thủ Nghị định số 147/NĐ-CP, VNPT sẽ xây dựng một phiên bản miễn phí đáp ứng các yêu cầu quy định về bảo đảm an toàn thông tin cho người dùng. Bên cạnh đó, VNPT hiện đang cung cấp giải pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng VNPT Family Safe với mức giá chỉ 20.000 đồng/tháng/thuê bao cài đặt trên thiết bị mạng, dành cho cá nhân và hộ gia đình. Giải pháp này phù hợp cho phụ huynh với 4 tính năng chính: Kiểm soát kết nối mạng; kiểm soát ứng dụng; tìm kiếm an toàn; chống lừa đảo, mã độc.

Cũng liên quan đến công nghệ, chuyên gia bảo vệ trẻ em Tổ chức ChildFund Việt Nam Đỗ Dương Hiển cho rằng, từ thực tế trẻ sử dụng thiết bị mạng ngày càng nhiều và thời gian dùng càng tăng, thì việc cho các em tiếp cận với các kiến thức, kỹ năng ứng phó với công nghệ là rất cần thiết. “Đối mặt với thách thức đòi hỏi chúng ta phải cung cấp cho trẻ kỹ năng và kiến thức, lưu ý liên quan đến đạo đức sử dụng AI một cách đầy đủ...”, ông Hiển đề xuất.

Đại diện MSD cũng cho rằng, thực tế cho thấy, tỷ lệ trẻ tự học kiến thức qua mạng xã hội cao, nhưng thông tin, kiến thức trên mạng xã hội luôn luôn cần kiểm chứng về độ chính xác. Do vậy, các cơ quan quản lý cần tăng cường các kênh thông tin khác, nhất là các thông tin từ trường học, vì hiện còn khá thấp, chỉ đạt 56%. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần nâng cao kỹ năng về an toàn mạng để có thể đồng hành và hỗ trợ con em mình trên không gian mạng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...