Nghệ nhân tò he Đặng Văn Hậu: Người “thổi hồn” vào bột, giữ mạch văn hóa làng
Nghệ nhân Đặng Văn Hậu (1985) sinh ra và lớn lên ở làng nghề tò he Xuân La (xã Phượng Dực, Phú Xuyên, Hà Nội). Với hơn 20 năm gắn bó, người nghệ nhân trẻ này vẫn ngày đêm gìn giữ, truyền lửa và phát triển nghề, mong muốn tò he mãi là “món ăn tinh thần” nuôi dưỡng tâm hồn bao thế hệ.
Từ những cục bột dư đến tình yêu nghề sâu nặng
Cơ duyên nào đã đưa Đặng Văn Hậu đến với tò he? Câu hỏi ấy khơi gợi trong anh những ký ức tuổi thơ ngọt ngào. Anh kể, từ những năm 2000 anh đã chính thức gắn bó với nghề truyền thống của làng Xuân La, nơi mà ngày xưa, cả làng đều sống bằng nghề nặn tò he. “Hồi bé, tôi cũng như bao đứa trẻ khác, thường nhặt bột dư từ ông và bố để nặn những nhân vật mình yêu thích”, anh cười nhớ lại.
![]() |
Tình yêu với tò he của anh được thấm nhuần từ truyền thống gia đình. Ảnh: NVCC |
Trong gia đình anh, từ đời ông ngoại, ông nội đến đời bố đều một lòng gắn bó với những con giống bột. Người có ảnh hưởng sâu sắc nhất đến phong cách tạo hình tò he của anh chính là ông ngoại. Dần dà, tình yêu với những cục bột màu sắc và khả năng biến hóa chúng thành muôn hình vạn trạng đã thấm sâu vào trái tim cậu bé Hậu lúc nào không hay.
Không chỉ dừng lại ở việc kế thừa, nghệ nhân trẻ luôn chủ động tìm tòi, học hỏi, đặc biệt từ các nhà nghiên cứu văn hóa để hiểu sâu hơn về bản sắc văn hóa dân gian, về những giá trị truyền thống ẩn chứa trong từng con giống bột. “Qua những trao đổi với các chuyên gia, tôi hiểu thêm về không gian văn hóa, về tinh thần của nghệ thuật dân gian, giúp những sản phẩm của mình thêm chuẩn mực và ý nghĩa”, anh chia sẻ.
![]() |
Nghệ nhân trẻ luôn nỗ lực tìm tòi để tạo ra những con giống đẹp nhất. Ảnh: NVCC |
Nỗ lực “thay áo mới” cho tò he truyền thống
Trước sự phát triển mạnh mẽ của đồ chơi công nghệ từ những năm 2008-2010, nghệ nhân Đặng Văn Hậu và các cộng sự đã không ngừng nỗ lực để tò he vẫn giữ được sức sống riêng. Anh tin rằng, tò he mang trong mình giá trị truyền thống độc đáo, không thể hòa lẫn với bất kỳ loại hình giải trí nào khác. Bên cạnh việc gìn giữ những mẫu sản phẩm truyền thống, anh còn tích cực phát triển những mẫu mã mới, phù hợp với thị hiếu của khách hàng ở nhiều lứa tuổi.
![]() |
Những con tò he của anh đều mang đậm nét sáng tạo, sống động như thật. |
Điển hình, vào những năm 2018-2019, anh đã hợp tác với họa sĩ minh họa Cẩm Anh để tạo ra bộ tò he Tết Trung thu mang phong cách chibi hiện đại, gần gũi với giới trẻ. Anh cũng cộng tác với nhiều họa sĩ thiết kế để tạo ra những sản phẩm tò he vừa mang tính truyền thống, vừa có thể trở thành những món quà lưu niệm độc đáo cho du khách.
![]() |
Bộ tò he chữ cái kết hợp hình động vật đang được anh nghiên cứu để sản xuất. |
“Chúng tôi luôn khuyến khích các bạn học viên tiếp cận những cái mới theo xu hướng, nhưng vẫn giữ được cái hồn của tò he truyền thống”, anh Hậu chia sẻ. Anh còn giới thiệu những ý tưởng sáng tạo như bộ đồ chơi mang tính giáo dục, kết hợp tò he với việc học tiếng Anh thông qua hình ảnh các con vật, tạo ra một phương pháp học tập vừa thú vị vừa hiệu quả.
Trăn trở và khát vọng truyền lửa cho thế hệ sau
Hiện tại, anh Hậu đang tận tình đào tạo 5 học viên chính thức. Anh cũng thường xuyên mở các lớp dạy nghề ngoại khóa cho học sinh, tạo điều kiện để các em làm quen với bột, nặn những hình đơn giản nhất và có những trải nghiệm thú vị với nghề truyền thống. Đặng Thái Sơn (sinh năm 2007), một học viên đã gắn bó với anh hơn 3 năm, chia sẻ: “Điều khiến tôi qua đây học hỏi chú Hậu là vì trước đây gia đình tôi cũng có theo nghề truyền thống này nên tôi cũng muốn theo nghề để nối bước ông cha, góp phần phát triển làng nghề”.
![]() |
Đặng Thái Sơn là học viên đã theo học anh Hậu được 3 năm. |
“Ở làng nghề có sự cạnh tranh lớn với các xưởng may mặc, cơ khí bởi những nghề đó học nhanh hơn tò he. Học tò he cần thời gian và năng khiếu, nên việc hỗ trợ các bạn trong giai đoạn học nghề là rất quan trọng”, anh Hậu tâm sự. Dù chưa có sự hỗ trợ về lương cho học viên, anh vẫn cố gắng động viên một khoản nhỏ cho những sản phẩm các bạn làm được trong quá trình học, như một cách để khích lệ tinh thần.
![]() |
Nghệ nhân Đặng Văn Hậu luôn tạo điều kiện để các bạn trẻ được trải nghiệm làm tò he truyền thống. Ảnh: NVCC |
Anh luôn khích lệ các học viên của mình mạnh dạn tiếp cận những xu hướng mới, thổi làn gió đương đại vào những con giống bột truyền thống. Với những lớp học hiện tại, anh luôn cố gắng truyền đạt không chỉ kỹ năng mà còn cả những giá trị văn hóa sâu sắc của nghề. Anh cũng tự hào khi nhiều học viên sau khi thành thạo nghề đã tích cực tham gia các hoạt động xã hội, mang những con tò he đến tặng các em nhỏ ở bệnh viện vào các dịp lễ Tết, Trung thu, lan tỏa niềm vui từ những con tò he đến cộng đồng.
![]() |
Hành trình của anh là minh chứng cho sự đam mê, tình yêu nghề cháy bỏng. Ảnh: NVCC |
Nghệ nhân Đặng Văn Hậu luôn khuyến khích những người con của làng Xuân La nên biết đến nghề truyền thống, coi đó như một chỗ dựa tinh thần vững chắc, có thể quay về bất cứ lúc nào.
Với hơn 20 năm tâm huyết với nghề tò he, nghệ nhân Đặng Văn Hậu không chỉ là người gìn giữ một nét đẹp văn hóa truyền thống mà còn là người truyền lửa, khơi dậy tình yêu với nghề cho thế hệ trẻ. Hành trình của anh là minh chứng cho sự đam mê, trách nhiệm và khát vọng đưa tò he vươn xa hơn nữa, mãi là “món ăn tinh thần” quý giá của dân tộc.
Bài, ảnh: THANH THẢO - VŨ HUYỀN