A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nghệ nhân "thổi hồn" vào sắc màu dân gian

Mặc cho nhịp sống phố thị ngày càng hối hả và những trò chơi công nghệ đang dần chiếm ưu thế, hơn 33 năm qua, ông Lê Minh Thạnh, trú tại phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ (TP Đà Nẵng) vẫn lặng lẽ, say mê gìn giữ nghề nặn tò he-một nét đẹp văn hóa dân gian đang dần mai một.

Ngay từ khi còn nhỏ, Lê Minh Thạnh đã mê mẩn những con tò he sắc màu bắt mắt nhưng không có điều kiện để mua. Niềm yêu thích ấy thôi thúc cậu bé Thạnh tìm đến lò gạch gần nhà xin đất sét về tập tành nhào nặn. Ban đầu chỉ là những hình thù ngộ nghĩnh, giản đơn, nhưng càng làm, Thạnh càng hứng thú và không ngừng sáng tạo. Đam mê ấy lớn dần theo năm tháng, để rồi khi lớn lên, ông quyết tâm biến sở thích thành cái nghề theo mình suốt hơn 3 thập kỷ. 

 Ông Lê Minh Thạnh nặn tò he, mang niềm vui cho trẻ nhỏ và góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa dân gian.

Những năm đầu theo đuổi nghề, ông Thạnh gặp không ít khó khăn. Ông rong ruổi khắp miền Bắc học nghề, tìm tòi cách pha màu, nhào nặn, chỉ mong sao mỗi con tò he khi hoàn thành đều có hồn, sống động và mang nét đặc trưng. Từ chất liệu truyền thống là bột gạo nếp có thể ăn được, ông chuyển sang sử dụng đất nhân tạo để bảo đảm độ bền và phù hợp với điều kiện bảo quản hiện nay. Không có cửa tiệm sang trọng, không bảng hiệu rực rỡ, chỉ với chiếc xe cũ và bộ đồ nghề đơn sơ, ông Thạnh rong ruổi khắp các con phố, góc chợ, mang theo những con tò he rực rỡ sắc màu để giới thiệu đến mọi người.

Đối với ông Thạnh, nặn tò he không chỉ là một nghề mà còn là cách ông kết nối với những bạn trẻ, lắng nghe các em kể về nhân vật yêu thích và hiện thực hóa chúng bằng đôi tay khéo léo của mình. Mỗi lần như vậy, ông lại thấy mình như được quay về những ngày thơ ấu, nơi niềm vui giản dị chỉ gói gọn trong những con tò he nhỏ bé. Trăn trở trước sự mai một của nghề, ông Thạnh quyết định mở các lớp dạy miễn phí cho trẻ nhỏ. Ông kiên trì hướng dẫn từng em cách vê bột, pha màu, tạo hình. Những ánh mắt háo hức, những bàn tay nhỏ bé say mê sáng tạo, niềm vui rạng ngời khi tác phẩm hoàn thành chính là động lực để ông tiếp tục hành trình của mình.

“Giữ gìn nét đẹp văn hóa dân gian là điều quan trọng, bởi nếu để mai một thì thật đáng tiếc. Ông cha ta đã dày công tạo dựng, tuy mộc mạc nhưng trong đó chứa đựng cả hồn cốt của dân tộc”, ông Thạnh chia sẻ. Điều đặc biệt trong những tác phẩm của ông là mỗi sản phẩm tò he khi bán ra đều được "bảo hành" trọn đời. Nếu chẳng may bị rơi vỡ, hư hỏng, khách hàng có thể mang đến để ông đổi mới, hoàn toàn miễn phí, không giới hạn số lần. Với ông, tò he không chỉ là một món đồ chơi mà còn là một phần ký ức, một lát cắt văn hóa của bao thế hệ. Và ông Thạnh, với đôi tay khéo léo cùng những nắm bột nhỏ bé, chính là người đang âm thầm lưu giữ hồn cốt của nghệ thuật tò he-một nét đẹp văn hóa truyền thống để nó không bị quên lãng theo năm tháng.

Bài và ảnh: THU HƯƠNG


Tags: nghệ nhân
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...