Liền chị làng Diềm 103 tuổi gần một thế kỷ chơi Quan họ
Bên tách trà nóng, vài miếng trầu, cùng những chiếc bánh khúc làng Diềm đặc sản còn nóng hổi, cụ Phụng đón khách bằng những câu Quan họ mùi mẫ́n: “Khách đến i đến chơi hự nhà là, chơi hự hừ nhà / Đốt than ớ ơ dầu mà quạt nước mấy pha trà, mời người xơi là chén có a trà này / Quý vậy í ơ ơ, quý vậy đôi người ơi…”.
Trong không khí rộn ràng của mùa Xuân, những làn điệu dân ca đằm thắm lại ngân vang khắp lễ hội làng Diềm - cái nôi của Quan họ Bắc Ninh, khiến người ta say đắm trong niềm vui hội hè. Nhưng, giữa dòng người nô nức trẩy hội, có một liền chị lặng lẽ ngồi nhớ tiếc về những ngày xưa cũ. Đó là Nghệ nhân Nhân dân Trần Thị Phụng (103 tuổi, ở làng Diềm, phường Hòa Long, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh), liền chị được xem là “báu vật nhân văn” cuối cùng của Quan họ.
Ngày ấy, khi dân ca Quan họ lập hồ sơ để UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, cụ Phụng là một trong số 25 liền anh, liền chị từng chơi Quan họ theo lối cũ (chơi theo “bọn”, trước năm 1945). Giờ đây, ở tuổi 103, chỉ còn mình cụ Phụng ôm trọn ký ức về một thời Quan họ nguyên sơ, mộc mạc.
![]() |
Nghệ nhân Nhân dân Trần Thị Phụng là nghệ nhân cuối cùng chơi Quan họ theo lối “bọn” - Hình thức chơi Quan họ cổ, trước năm 1945. |
Ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, lưng cụ Phụng đã còng, tóc đã bạc trắng, khuôn mặt cũng hằn những vết đồi mồi của thời gian. Thế nhưng, chất giọng “đặc sệt chất Diềm” của cụ vẫn khiến các bậc hậu bối phải kính nể mỗi lần cất câu hát.
Từ nhỏ, cụ đã lớn lên bên những làn điệu Quan họ, bởi người cô ruột là chị cả của một địa điểm sinh hoạt Quan họ thời xưa. Thuở thiếu thời, chừng 15-16 tuổi, cụ được theo chân các liền chị trong “bọn” đi chơi Quan họ. Người em họ, đồng thời là bạn hát cặp của cụ Phụng sau này, chính là cụ Ngô Thị Nhi, nghệ nhân được vinh danh là “Báu vật nhân văn sống” của Quan họ.
Mỗi tối, “bọn” Quan họ của cụ gồm hơn chục liền chị tụ hội tại nhà cụ Nhi, cùng nhau luyện giọng, ngủ bọn và luyện tập những làn điệu cổ. Khi ấy, bọn của cụ kết bạn với bọn Quan họ làng Bịu Sim (Hoài Thị), nối dài những cuộc hát canh.
"Thuở ấy, Quan họ bạn đến chơi, chị em chúng tôi ra đón tiếp, mà tế nhị, bẽn lẽn lắm. Cái tình Quan họ là thế, kín đáo mà sâu đậm. Đến sau này, bảy mươi, tám mươi tuổi gặp nhau vẫn còn thẹn thùng như thuở đôi mươi. Chúng tôi đi chơi Quan họ là đi đến vài ba ngày, không chỉ hát, mà còn tâm tình, hỏi thăm sức khỏe thầy, mẹ của nhau. Hết hội rồi, lòng vẫn vương vấn. Ngày ấy, bọn tôi hay tìm cớ đi chợ để gặp bạn Quan họ, rồi lại mời nhau về hát canh đến sáng”, Nghệ nhân Nhân dân Trần Thị Phụng nhớ lại.
Tới khi có gia đình, dù chồng không phải người chơi Quan họ, nhưng may mắn là ông luôn tôn trọng đam mê của vợ. Cụ chia sẻ, trong Quan họ, liền anh, liền chị có thể quý mến nhau, nhưng không bao giờ thành vợ chồng, bởi một khi nên duyên, thì cũng đồng nghĩa với việc không thể hát cùng nhau nữa.
Nhưng, điều khiến nhiều người cảm phục cụ hơn cả là tấm lòng bao dung hiếm có. Biết mình không thể sinh con, cụ chủ động sắm trầu cau, đứng ra cưới vợ hai cho chồng. Người vợ ấy sinh ba người con, nhưng vụng về, chưa quen việc chăm sóc gia đình. Thương bọn trẻ, cụ Phụng một tay nuôi nấng, chăm chút từng bữa ăn, giấc ngủ. Ba người con lớn lên trong vòng tay cụ, kính trọng và yêu thương cụ như mẹ ruột.
![]() |
Trang phục Quan họ truyền thống mà Nghệ nhân Nhân dân Trần Thị Phụng mặc đi chơi gần như cả một đời. Hiện nay, bộ trang phục đã trở thành hiện vật trưng bày tại Phòng trưng bày Quan họ xưa và nay, CLB Quan họ làng Hoài Trung (xã Liên Bão, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh). Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Cụ Phụng cho biết thêm, “chơi Quan họ” đâu chỉ là mỗi biết hát, mà lễ nghĩa phải đặt lên hàng đầu. Các liền anh, liền chị thuở xưa luôn giữ gìn phép tắc trong từng lời ăn, tiếng nói. Muốn trò chuyện với nhau phải hết sức ý tứ, mỗi câu nói đều “năm thưa mười dạ”. Chẳng hạn, nếu bên này muốn mở lời thì phải nói: “Dạ, chúng em xin có nhời”, còn bên kia cũng phải đáp lại một cách trang trọng: “Dạ, chúng em xin đỡ nhời”. Những quy tắc ấy nghe có vẻ rườm rà, nhưng một khi đã ngấm vào người, thì lại trở thành lẽ tự nhiên. Chẳng thế mà Quan họ trở thành lối chơi cao sang, nghĩa tình, lịch lãm bậc nhất.
Không chỉ trong cách giao tiếp, ngay cả khi ăn cỗ, người Quan họ cũng có những phép tắc riêng. Cụ Phụng nhớ lại, ngày ấy, “Quan họ chủ” không bao giờ ngồi chung mâm với “Quan họ khách”. Nếu ngồi cùng, Quan họ khách sẽ ngại ngùng mà chẳng dám ăn. Trong bữa ăn, Quan họ chủ luôn để ý, đi đi lại lại xem khách có thiếu gì không, chủ động thêm, chứ Quan họ khách tuyệt đối không bao giờ tự ý xin thêm đồ.
Nhưng theo lời cụ Phụng, những mâm cỗ Quan họ cũng chẳng mấy khi vơi đi. Người Quan họ ăn uống thanh tao, mâm cỗ ba tầng đầy đặn, nhưng thường cũng chỉ vơi đi chút ít ở tầng đầu.
Sau này, dù phải tản cư vì kháng chiến, nhưng trong tay nải của cụ luôn có những vật dụng gắn liền Quan họ. Không thể đi hát cùng bọn, cụ vẫn giữ câu hát, “truyền lửa” cho thế hệ sau.
Năm 1957, cụ Phụng lúc ấy 34 tuổi, vinh dự sánh vai cùng những bậc cha chú, được Viện Âm nhạc mời thu âm Quan họ. Tư liệu về cụ từ thuở ấy hiện vẫn được lưu giữ tại Phòng trưng bày Quan họ xưa và nay, thuộc CLB Quan họ làng Hoài Trung.
Cả đời cụ biết tới mấy trăm bài Quan họ, giờ chẳng biết còn nhớ được bao nhiêu, nhưng cứ có người đến hát cùng, thì có khi hát ba ngày ba đêm, cụ vẫn còn muốn hát nữa.
![]() |
Nghệ nhân Nhân dân Trần Thị Phụng (giữa) trong lễ mừng thọ 100 tuổi cách đây 3 năm. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Bà Lê Thị Chung (Phòng Nghiệp vụ văn hóa, Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh) trước đây là cán bộ sưu tầm, nghiên cứu trong quãng thời gian dân ca Quan họ hồi sinh mạnh mẽ từ những năm 90 của thế kỷ XX. Bà Chung cho biết: “Tôi được tiếp xúc với Nghệ nhân Nhân dân Trần Thị Phụng từ những năm 1995. Cụ rất đôn hậu, niềm nở, một chị hai Quan họ điển hình, mẫu mực của lớp người chơi Quan họ theo lối cũ, tức là chơi theo bọn, thời điểm trước năm 1945”.
Nhìn lại cuộc đời mình, cụ Phụng nhận ra, niềm vui lớn nhất vẫn luôn gắn liền với câu Quan họ. Làn điệu ấy giờ đây không những vang vọng khắp nẻo quê hương, mà còn vươn xa tới năm châu, bốn bể. Nhiều giọng ca vàng của Đoàn Quan họ Bắc Ninh thuở đầu, như các nghệ sĩ: Thúy Cải, Tự Lẫm, Minh Phức hay Quý Tráng, cũng từng được cụ chỉ dạy những câu hát đầu tiên, mà trở thành “tượng đài” Quan họ. Bản thân cụ Phụng được vinh danh Danh hiệu Nghệ nhân (năm 2011), Nghệ nhân Ưu tú (năm 2015), Nghệ nhân Nhân dân (năm 2019).
PHẠM THỨ