A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vá lại dáng xưa qua từng mũi chỉ

Nghề mạng sang sợi - hay còn gọi là “sang sợi” - không đơn thuần là vá lại lớp vải rách, mà còn là cách níu giữ ký ức và giá trị của những món đồ thân quen. Giữa nhịp sống hiện đại, bà Nguyễn Thị Hồng vẫn kiên trì gìn giữ nghề truyền thống bằng tất cả niềm đam mê và sự tận tụy.

Giữ lửa nghề gia truyền

Nép mình trong con ngõ Thanh Miến (Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội), căn nhà nhỏ của bà Nguyễn Thị Hồng (74 tuổi, Thanh Miến) trở thành địa chỉ tin cậy cho những ai muốn “cứu” lại những bộ quần áo hỏng. Bà là một trong những người thợ cuối cùng giữ nghề mạng sang sợi truyền thống ở Hà Nội. Đây là một nghề thủ công đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì, đặc biệt là đôi tay khéo léo.

Ngồi bên cánh cửa gỗ, giữa ngổn ngang những cuộn chỉ và mảnh vải cũ, bà Hồng kể về lần đầu tiên học nghề từ mẹ chồng vào năm 1979. Người truyền nghề cho bà là cụ Tạ Huê Diệp - một người phụ nữ khéo tay bậc nhất đất Hà Thành vào đầu thế kỷ XX. Khi ấy, cụ Diệp theo học nghề mạng sang sợi từ một người Pháp, rồi mở tiệm mạng sợi quần áo giữa lòng phố cổ. Tiếng lành đồn xa, không chỉ khách Việt mà cả người Pháp sinh sống tại Hà Nội thời ấy cũng đến nhờ cụ phục chế quần áo. Nghề mạng sang sợi cứ thế được trao truyền, âm thầm nhưng bền bỉ, len vào từng nếp vải, đường kim để giữ lại dáng hình nguyên vẹn cho những bộ quần áo cũ.

Hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghề sang sợi, bà Nguyễn Thị Hồng vẫn luôn miệt mài giữ sang sợi.

Theo thời gian, từng đường kim mũi chỉ đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của bà Hồng. Nghề mạng sang sợi không chỉ là niềm đam mê mà còn trở thành nguồn thu nhập chính, giúp bà duy trì kinh tế ổn định trong nhiều năm. Đến nay, dù lượng khách không đều đặn như trước, bà vẫn miệt mài với công việc, xem đây vừa cách gìn giữ ký ức gia đình vừa là sự bảo tồn nét đẹp của nghề thủ công truyền thống.

Cẩn thận luồn hai sợi chỉ mỏng vào nhau để vá một lỗ rách khoảng 3cm trên chiếc áo len, người thợ sang sợi nhiệt tình chia sẻ về cái gốc của nghề. Bà kể, từ lâu, công việc này đã gắn liền với việc phục chế áo quần cao cấp. Người thợ sang sợi phải sửa làm sao để đảm bảo quần áo vẫn giữ được vẻ đẹp ban đầu: “Làm nghề này, đặc biệt với quần áo hàng hiệu, phải thật tinh tế. Vá sao cho đẹp, cho tự nhiên thì khách mới hài lòng. Còn những bộ đồ bình dân, đa số thường chọn cách mua mới thay vì sửa chữa, đôi khi chi phí sửa còn cao hơn giá trị món đồ” - bà giải thích.

Theo lời bà, hiện nay, chi phí cho một vết vá thường vào khoảng 20.000 đồng/cm, tùy theo độ phức tạp của từng vết rách. Có những trường hợp, chỉ một lỗ thủng nhỏ cũng có thể tốn đến vài trăm nghìn đồng tiền công. Đáng chú ý, từ khoảng 20 năm trước, giá vá một vết rách đã dao động từ 10.000 - 15.000 đồng - một mức giá không hề nhỏ vào thời điểm đó. Khi ấy, chỉ những món đồ hàng hiệu, trang phục cao cấp hoặc kỷ vật quý giá mới được chủ nhân mang đi sang sợi.

Trong hơn 40 năm làm nghề, đã có nhiều vị khách tìm đến người thợ phục chế để “cứu” lại những món đồ hiệu - có thể là chiếc áo voan mỏng tang, khăn quàng cổ đắt tiền hay bộ vest cao cấp. Họ không tiếc tiền sửa chữa vì muốn giữ lại giá trị và kỷ niệm của món đồ. Có người chỉ sửa chiếc khăn với giá 50.000 đồng, nhưng sau khi thấy thành quả, đã hào phóng gửi lại bà số tiền gấp nhiều lần như một cách tri ân. “Nhìn họ nâng niu thành quả sau khi được phục chế, tôi cũng thấy vui lây và càng thêm yêu cái nghề mình đang làm”, bà Hồng cười, ánh mắt toát lên niềm tự hào.

Kỹ thuật sang sợi tinh xảo giúp tái tạo từng mối vải hỏng. 

Nghề mạng sang sợi có nét đặc biệt ở kỹ thuật xử lý vải rách một cách tinh tế. Khi quần áo bị thủng, rách, người thợ sẽ cắt một miếng vải từ chính sản phẩm đó - thường lấy từ gấu áo, viền quần - rồi tỉ mỉ rút từng sợi chỉ để đan vào vị trí hỏng, giúp vết rách hòa vào nền vải một cách tự nhiên. Việc sang sợi đòi hỏi sự khéo léo, thậm chí là cả nghệ thuật bởi nếu làm không cẩn thận, vết vá sẽ dễ lộ, không đạt được độ tinh xảo yêu cầu.

Theo bà Hồng, công việc này thoạt nhìn tưởng đơn giản, nhưng khi bắt tay vào làm mới thấy không hề dễ dàng. Không ít lần, bà bị kim đâm vào tay đến chảy máu. “Nghề này cần sự tỉ mỉ, kiên nhẫn, cùng đôi mắt tinh tường và đôi tay khéo léo. Mỗi loại vải, mỗi kiểu may đều có cách xử lý riêng, phải tính toán cẩn thận để miếng vá hài hòa, khó nhận ra nhất”. Ở tuổi 74, bà Hồng vẫn yêu cầu bản thân luôn đảm bảo chất lượng sản phẩm khi trả hàng cho khách.

Khi bà Hồng vẫn đang tỉ mẩn đưa từng mũi kim và kể chuyện đã có thêm khách tới nhờ bà sang sợi. Đó là chị Nguyễn Thị Phượng - một khách hàng quen thuộc gần 20 năm với tiệm sang sợi ngõ Thanh Miến. Nhớ lại cơ duyên biết đến bà Hồng, chị Phượng kể: “Chồng tôi có chiếc áo vest yêu thích nhưng không may bị chuột cắn. Vì tiếc áo, anh ấy không nỡ bỏ. May mắn biết đến bà Hồng nên chiếc áo đã được sửa lại nguyên vẹn. Từ đó, bất cứ khi nào quần áo hỏng, tôi đều mang đến nhờ bà giúp”.

Niềm vui giản dị sau từng mũi kim

Dù gắn bó hơn nửa đời với nghề, đến nay, bà Hồng vẫn ngày ngày cần mẫn với từng bộ đồ mà khách mang đến. Theo bà, mỗi món đồ hoàn thành không chỉ là một sản phẩm được phục chế mà còn mang theo sự kỳ vọng của khách hàng: “Nhìn họ vui vẻ khi nhận lại quần áo là tôi thấy hạnh phúc. Nhiều khi tôi vẫn đùa rằng mình giống như bác sĩ, chỉ khác là không chữa bệnh cho con người, mà chữa bệnh cho áo quần”, bà bộc bạch.

Đôi khi bà Hồng cũng gặp những vị khách khó tính, yêu cầu đường vá phải thật hoàn hảo. Có người khi nhận đồ không hài lòng, buông lời trách móc. Khi đó, bà nhẹ nhàng giải thích rằng không phải vết rách nào cũng có thể phục chế nguyên vẹn, bởi còn phụ thuộc vào chất liệu vải và mức độ hư hỏng.

Cây kim, cuộn chỉ, chiếc kéo - những vật dụng đã đồng hành cùng bà Hồng suốt hàng chục năm qua. 

Khi câu chuyện với bà Hồng vẫn đang dang dở, đã có thêm một vị khách trẻ ghé qua, gửi một bọc quần áo nhờ bà sang sợi. Khi vị khách rời đi, bà chậm rãi kể rằng có nhiều bạn trẻ khi lần đầu nghe đến nghề sang sợi đều tỏ ra ngạc nhiên. Thậm chí có người còn thừa nhận: “Con chưa từng biết đến nghề này cho đến khi gặp bà”. Điều đó khiến người thợ sang sợi vừa vui vừa buồn - vui vì vẫn có người trẻ quan tâm, nhưng cũng chạnh lòng khi thấy nghề xưa ngày càng mai một.

Nhắc đến giới trẻ, bà Hồng thoáng trầm ngâm, rồi nhắc đến chính con cháu mình. Dù từng nhiều lần có ý định truyền nghề, nhưng các cháu nói rằng chỉ học để biết, chứ không ai theo nghề: “Bọn trẻ giờ đều có công việc ổn định, ít ai muốn ngồi tỉ mẩn từng mũi kim như thế này. Có khi sau này già rồi, rảnh rỗi, chúng nó mới làm cho vui thôi”. Bà cười nhẹ, đôi tay vẫn miệt mài với mũi kim, như thể đã quen với sự lẻ loi của nghề.

Giữa nhịp sống hối hả, trong không gian yên bình của con ngõ nhỏ, bà Hồng vẫn lặng lẽ ngồi bên chiếc ghế quen thuộc, tỉ mỉ sửa từng món đồ bằng đôi tay lành nghề. Là hàng xóm gần nhà bà, chị Bùi Hà Nhi (40 tuổi – Đống Đa), bày tỏ sự ngưỡng mộ: “Mỗi lần đi ngang qua, tôi đều thấy bà Hồng cần mẫn sang sợi. Thực sự khâm phục sự kiên trì và tâm huyết bà. Phải khéo léo và yêu nghề lắm bà Hồng mới làm nghề mấy chục năm nay như vậy”.

Bao nhiêu năm, bà Hồng vẫn kiên trì giữ nghề như cách bà bảo vệ ký ức về những năm tháng xưa cũ. Bà vẫn hy vọng có người trẻ nào yêu nghề, học nghề, làm nghề để nghề này không mất đi. Giữ được nghề là giữ lại được một nét văn hóa Hà Nội.

Bài và ảnh: PHƯƠNG HÀ - PHƯƠNG NHI


Tags: sang sợi
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...