Bích Ngọc, từ cô bé bán rau trở thành Nghệ sĩ Ưu tú
Giữa những buổi chợ quê nghèo xứ Nghệ, khi sương sớm còn giăng mờ lối nhỏ, một cô bé gánh rau theo mẹ ra chợ bán buôn. Bóng dáng nhỏ bé, liêu xiêu trên con đường làng gập ghềnh, vừa gánh nặng mưu sinh, vừa cất lên những câu hát trong veo. Cô bé năm nào Nguyễn Thị Bích Ngọc nay đã trở thành Thượng tá QNCN, Nghệ sĩ Ưu tú Bích Ngọc, diễn viên của Đoàn Văn công Quân khu 4.
Sinh năm 1975 trong gia đình đông con ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, Bích Ngọc từ nhỏ đã nếm trải sự cơ cực. Những năm tháng thơ ấu của chị là chuỗi ngày theo mẹ ra chợ, gió hun da, nắng rám má, dáng người bé xíu ôm chặt gánh rau lớn hơn cả cơ thể mình. Rồi một khoảnh khắc định mệnh đã đến, trong một buổi chợ bình dị như bao buổi chợ khác, tiếng nhạc rộn ràng từ đám cưới gần đó bỗng lôi kéo cô bé bước gần hơn, như một lời mời gọi không thể từ chối. Quên đi gánh rau trên vai, Bích Ngọc mạnh dạn tiến vào hôn trường, xin phép được cất lên giọng hát. Tiếng ca ấy không chỉ làm xôn xao cả đám cưới mà còn chạm đến trái tim thầy Trần Đức Dũng, giáo viên dạy Toán của Trường THPT Quỳnh Lưu 1, cũng là người tổ chức âm nhạc cho các lễ cưới trong vùng. Sau khi nghe cô bé hát, thầy Dũng tìm hiểu và biết rằng Bích Ngọc đang học lớp 8, nhưng vì gia đình nghèo khó nên chắc chắn không thể tiếp tục đến trường. Nhìn ra tài năng trời phú trong cô bé nhỏ nhắn, thầy Dũng quyết tâm không để giọng hát ấy phải vùi lấp trong cảnh nghèo khó của chợ quê, mà sẽ tìm cách đưa cô đến với một con đường mới, con đường của âm nhạc.
![]() |
Một tiết mục biểu diễn của Nghệ sĩ Ưu tú Bích Ngọc. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Thầy Dũng mang câu chuyện về Bích Ngọc kể lại với thầy Hồ Đình Tá, Hiệu trưởng Trường THPT Quỳnh Lưu 1. Như một phép màu, cánh cửa tri thức và nghệ thuật đã mở ra cho cô bé gánh rau. Thầy Tá không chỉ đặc cách cho Ngọc vào học miễn phí 3 năm THPT mà còn mở rộng vòng tay nhận em làm con nuôi, một người cha thứ hai giúp thay đổi số phận cô bé từng nghĩ đời mình chỉ gắn với rau hành, chợ búa.
Từ mái trường ấy, nơi những buổi giao lưu văn nghệ với các đơn vị Quân đội thắp sáng ngọn lửa đam mê, tiếng hát của Bích Ngọc ngày càng lan xa. Trong lần đầu tiên tham gia Liên hoan tiếng hát học sinh toàn quốc, Bích Ngọc khiến cả khán phòng lặng đi rồi bùng nổ trong những tràng pháo tay, khi lần lượt đoạt 3 giải thưởng lớn: Huy chương vàng với ca khúc "Miền Trung nhớ Bác", giải “Người hát dân ca hay nhất” và “Người hát về Bác Hồ hay nhất”.
Một cơ duyên khác lại đến với chị khi tham gia thi hát tại Quân khu 4, có nhạc sĩ An Thuyên làm giám khảo. Với những giải thưởng và tài năng nổi bật, năm 1992, Bích Ngọc được đặc cách vào học tại Trường Trung cấp Nghệ thuật Quân đội (nay là Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội). Ra Hà Nội học, Bích Ngọc được hát tại Phủ Chủ tịch, trong buổi lễ gặp mặt, tri ân các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Chị chọn ca khúc "Lời Bác dặn trước lúc đi xa" của nhạc sĩ Trần Hoàn. Cả khán phòng lặng như tờ, những giọt nước mắt rơi âm thầm, lặng lẽ. Bác Phạm Văn Đồng bước đến, xoa đầu Bích Ngọc như một lời khen đầy trìu mến.
Bích Ngọc là một trong hai người đầu tiên thể hiện ca khúc "Huế thương" của nhạc sĩ An Thuyên trên sóng VOV, và cũng chính với bài hát này, năm 1994, chị đoạt huy chương vàng tại Liên hoan ca múa nhạc các trường văn hóa nghệ thuật toàn quốc. Tiếp đó là hàng loạt giải thưởng danh giá: Huy chương vàng tại Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995 và 1999; Giải “Ca sĩ triển vọng” tại Liên hoan tiếng hát truyền hình toàn quốc lần thứ nhất năm 1997.
Sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Nghệ thuật Quân đội, Bích Ngọc có nhiều lời mời gọi từ các đoàn ca nhạc, nhà hát lớn nhưng chị chọn gắn bó với Đoàn Văn công Quân khu 4 nơi đã chắp cánh ước mơ nghệ thuật cho chị. Bích Ngọc đã đạt 7 huy chương vàng, 3 huy chương bạc trong các hội thi hát chuyên nghiệp toàn quân, toàn quốc. Năm 2011, chị được tặng thưởng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Tròn 30 năm gắn bó với Đoàn Văn công Quân khu 4, tiếng hát của Bích Ngọc không chỉ vang trong những hội trường lớn mà còn lan tỏa đến những nơi gian khó nhất của Tổ quốc, từ biên giới rẻo cao, đến hải đảo xa xôi. Chị đã 5 lần ra Trường Sa, mang lời ca làm ấm lòng bộ đội nơi hải đảo xa xôi của Tổ quốc.
Giọng hát của Bích Ngọc khởi đầu từ những buổi chợ nghèo, từ gánh rau mẹ gánh đã vượt qua bao thăng trầm để rồi lặng lẽ ngân vang trong tim của biết bao người, tỏa sáng trên những sân khấu lớn. Khi được hỏi về ước mơ của mình, chị mỉm cười hiền hậu: “Nếu có một phép màu, tôi chỉ mong được trở lại tuổi đôi mươi, để được hát nhiều hơn, cống hiến nhiều hơn cho những điều mình yêu”.
HOA LÊ