A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tân Hiệp Phát: Nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường sẽ ảnh hưởng đến chuỗi giá trị

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban Quan hệ doanh nghiệp và pháp chế, Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho biết, các căn cứ áp thuế cần được làm rõ, cũng như cần đánh giá nước giải khát có đường có phải là nguyên nhân chính gây thừa cân, béo phì, nhất là khi so sánh với các sản phẩm có đường khác như bánh kẹo…

 

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban Quan hệ doanh nghiệp và pháp chế, Tập đoàn Tân Hiệp Phát. (Ảnh: TRUNG HƯNG/Báo Nhân Dân)

Ông Hưng cũng cho rằng, cần cân nhắc ảnh hưởng đến tính hiệu quả của chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khi áp thuế. Theo đại diện Tân Hiệp Phát, hiện doanh nghiệp đang xuất khẩu đi 20 thị trường và đang nỗ lực cạnh tranh, do đó, nếu áp thuế sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi giá trị.

Bày tỏ nhất trí với chủ trương của dự thảo nhằm bảo đảm các mục tiêu là thu ngân sách nhà nước, sức khỏe cộng đồng và “sức khỏe” doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) cũng nhìn nhận, nếu chính sách không phù hợp sẽ dẫn đến tác động ngược.

Bà Cúc phân tích, đối với nước giải khát đã từng được bổ sung vào đối tượng chịu thuế nhưng sau đó không được thông qua, do đó theo bà, nếu bổ sung trở lại thì cần phải làm rõ các cơ sở và đánh giá kỹ lưỡng để bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, công ăn việc làm của người lao động, ổn định thị trường.

Bà Nguyễn Thị Minh Tâm, đại diện Tiểu ban Nước giải khát thuộc Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam (VBA) cũng cho rằng, cần có những đánh giá tác động cụ thể, kỹ lưỡng về tác động của đồ uống có đường với sức khỏe con người.

Do đó, bà Tâm kiến nghị không bổ sung đồ uống có đường vào dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) để không tạo thêm gánh nặng cũng như cú sốc với doanh nghiệp, thị trường.

Ông Vũ Tuấn Anh, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cho biết, tại Kỳ họp thứ 8, có nhiều ý kiến từ các đại biểu Quốc hội cũng như các chuyên gia, hiệp hội, doanh nghiệp liên quan việc áp thuế TTĐB.

Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 sắp tới. Đây là một sắc thuế có ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp, trong đó, cơ quan soạn thảo đề xuất bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) với hàm lượng đường trên 5g/100ml với thuế suất 10%.

Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chỉ ra rằng, nếu áp dụng mức thuế TTĐB 10% đối với nước giải khát, thu ngân sách từ thuế gián thu (thuế TTĐB) năm đầu tiên (2026) sẽ tăng khoảng 8.507 tỷ đồng nhưng thu ngân sách từ thuế trực thu sẽ giảm khoảng 2.152 tỷ đồng.

Từ những năm tiếp theo (tức từ năm 2027 trở đi), thu ngân sách cả từ cả thuế gián thu và thuế trực thu đều sẽ bắt đầu suy giảm với mức -0,495%/năm, tương ứng ước tính giảm khoảng 4.978 tỷ đồng/năm. Điều này dẫn tới giảm giá trị tăng thêm, giảm giá trị sản xuất, giảm lợi nhuận; kéo theo làm giảm tổng nguồn thu ngân sách ở các chu kỳ sau.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...