Ninh Bình hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng 12%
Ninh Bình vinh dự được Chính phủ tin tưởng giao chỉ tiêu tăng trưởng rất cao, đạt 12%, đứng thứ hai khu vực Đồng bằng sông Hồng. Đây là lần đầu tiên Ninh Bình đặt chỉ tiêu tăng trưởng hai con số và vượt xa so với năm 2024 (tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 8,56%). Nhiệm vụ này đặt ra những thách thức rất lớn cho tỉnh Ninh Bình, nhưng điều này cũng thể hiện rõ sự tin tưởng, ghi nhận, đánh giá rất cao của Chính phủ đối với vùng đất cố đô.
Với quyết tâm cùng đất nước đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025, Ninh Bình là một trong 6 tỉnh, thành phố của vùng Đồng bằng sông Hồng; một trong 18 tỉnh, thành phố trong cả nước được Chính phủ giao mục tiêu tăng trưởng trên hai con số. Mục tiêu tăng trưởng GRDP được Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh Ninh Bình cũng sát với mục tiêu tăng trưởng đã được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 94/NQ-HĐND ngày 4-12-2024. Xác định rõ trọng trách của tỉnh trong năm 2025, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc khẳng định, tỉnh Ninh Bình chung sức, đồng lòng, biến mọi khó khăn, thách thức thành cơ hội bứt phá, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, bảo đảm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt 12%. Trong đó, Ninh Bình phấn đấu đạt mức tăng trưởng 12% ngay từ quý I để tạo động lực cho các quý tiếp theo.
![]() |
Đoàn công tác UBND tỉnh Ninh Bình kiểm tra sản xuất của doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Khánh Cư, huyện Yên Khánh. |
Bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp, ngành nhận diện những khó khăn, thách thức, xác định các động lực tăng trưởng kinh tế; xây dựng kịch bản tăng trưởng năm 2025 theo từng tháng, quý, trong đó tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới; huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển. Để chủ động trong điều hành, UBND tỉnh Ninh Bình cũng yêu cầu, định kỳ ngày 20 hằng tháng báo cáo cụ thể kết quả sản xuất, kinh doanh của từng doanh nghiệp, tình hình phát triển của từng ngành, lĩnh vực, địa phương so sánh với kịch bản tăng trưởng theo từng quý trong năm 2025 đề ra... Đặc biệt, để phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, UBND tỉnh Ninh Bình kiến nghị, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng Ninh Bình là tỉnh trọng điểm trong phát triển công nghiệp văn hóa của cả nước, để hiện thực hóa định hướng của quy hoạch tỉnh Ninh Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Qua đó, thúc đẩy tăng trưởng khối ngành dịch vụ, tạo đà mạnh mẽ cho Ninh Bình tăng trưởng.
Từ những quyết tâm này, tình hình kinh tế hai tháng đầu năm 2025 của Ninh Bình đạt được một số kết quả quan trọng như: Sản xuất công nghiệp hai tháng đầu năm 2025 đạt mức tăng khá; giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt hơn 16.267 tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ; doanh thu các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp đạt 13.135 tỷ đồng.
Ninh Bình cũng đang khẳng định vị thế là một trung tâm du lịch lớn của vùng, có giá trị thương hiệu cao của quốc gia và quốc tế khi nhiều năm liền được đánh giá là điểm đến hàng đầu của du khách trong nước và quốc tế, được bình chọn nằm trong “Top 10 trải nghiệm cuốn hút nhất thế giới năm 2024”. Hoạt động thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh trong tháng tiếp tục diễn ra sôi động, đặc biệt là các ngành du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống. Tổng mức bán lẻ hàng hóa hai tháng đầu năm đạt 17.673,3 tỷ đồng, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu hai tháng đầu năm đạt hơn 562 triệu USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động đầu tư phát triển tiếp tục được tập trung thực hiện, tổng vốn đầu tư phát triển thực hiện trong hai tháng đạt hơn 5,3 nghìn tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ và đạt 14% kế hoạch năm... Dự kiến tốc độ tăng trưởng GRDP quý I-2025 tỉnh Ninh Bình ước đạt gần 12%.
Đến nay, tỉnh Ninh Bình đã phân bổ chi tiết 100% cho các chương trình, dự án để các đơn vị tổ chức triển khai thực hiện. Tổng số vốn giải ngân trong quý I-2025 ước đạt 1.920 tỷ đồng, bằng 19,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, dự kiến nằm trong tốp khá toàn quốc. Về giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia và tình hình thực hiện một số dự án trọng tâm của tỉnh, nay tỉnh Ninh Bình đã phân bổ chi tiết 100% cho các chương trình, dự án để các đơn vị tổ chức triển khai thực hiện. Ninh Bình cũng đang tập trung mọi nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án kết cấu hạ tầng quan trọng, giúp tăng cường kết nối vùng và liên vùng, phục vụ thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững. Có thể kể đến: Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình; Dự án mở rộng đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông đoạn Cao Bồ-Mai Sơn; Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Đông-Tây, tỉnh Ninh Bình giai đoạn I; Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Ninh Bình giai đoạn I...
Từ một tỉnh thuần nông nghèo, phát triển thấp trong khu vực Đồng bằng sông Hồng, Ninh Bình đã bứt phá trở thành tỉnh có nguồn thu ngân sách lớn, là trung tâm du lịch quốc gia và quốc tế, hội nhập sâu rộng vào mạng lưới di sản toàn cầu sở hữu danh hiệu Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO). Trên cơ sở những tiềm năng và lợi thế đặc biệt, riêng có, nổi trội, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình tiếp tục thể hiện quyết tâm mạnh mẽ, đưa Ninh Bình trở thành một hình mẫu tiêu biểu cho tăng trưởng xanh, hài hòa, bền vững dựa vào kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế-xã hội với bảo tồn di sản văn hóa, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, xứng đáng là “cực tăng trưởng phía Nam của các tỉnh Đồng bằng sông Hồng”.
Bài và ảnh: AN BÌNH