Doanh nghiệp dệt may "khát" đơn hàng
Từ quý IV/2022 đến nay, các doanh nghiệp dệt kim gần như không có đơn hàng, tồn kho lớn; còn nhiều doanh nghiệp dệt may chỉ nhận được các đơn hàng...
Có tình trạng nhà máy hàng nghìn lao động nhưng chỉ nhận được đơn hàng vài trăm sản phẩm và giá gia công chỉ bằng một nửa so với trước. Các doanh nghiệp đang phải tìm hướng thích ứng để tồn tại, duy trì sản xuất để cố giữ lao động.
Tại Tổng Công ty May Hưng Yên, công nhân vẫn may mắn khi chưa phải nghỉ làm cách nhật và thỉnh thoảng tăng ca khi cần giao hàng gấp. Nhiều người cho biết bạn bè của họ đã phải nghỉ làm vì doanh nghiệp không có đơn hàng.
Dù còn giữ được việc làm nhưng do giá thành gia công thấp nên lương của người lao động cũng giảm đáng kể. Nếu như trước đây, một công nhân làm đủ công và có tăng ca thì thu nhập khoảng 12 - 15 triệu/tháng, nay chỉ còn khoảng 6 - 7 triệu/tháng.
Những khó khăn của doanh nghiệp dệt may có thể kéo dài đến hết năm 2025. Ảnh minh họa.
Đại diện các doanh nghiệp dệt may cho biết, hiện giá cả đầu vào tăng, giá gia công lại giảm, đơn hàng cũng giảm từ 15 - 30%. Nếu cho công nhân nghỉ việc, đến khi có đơn hàng trở lại khó mà tuyển đủ, còn nếu giữ chân họ phải bù lỗ và cũng chưa biết bù đến khi nào.
Ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: "Đơn hàng thiếu có thể đến hết 2024, vì vậy các doanh nghiệp phải tự thân vận động...".
Theo nhiều dự báo, những khó khăn của doanh nghiệp dệt may có thể kéo dài đến hết năm 2025. Vì vậy, thời gian này các doanh nghiệp đang tìm cách thích ứng để ổn định sản xuất và giữ chân người lao động.