A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Các thị trường tài sản hồ hởi sau khi lãi suất giảm liên tục

Chỉ trong 3 tháng, NHNN đã hạ lãi suất điều hành đến 4 lần, các thị trường tài sản phấn khởi hơn, nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn đang khó khăn. Bài toán khơi thông nguồn vốn vẫn đang cần lời giải.

 

Các thị trường tài sản hồ hởi sau khi lãi suất giảm liên tục

Ngân hàng Nhà nước mới đây quyết định giảm 0,25%-0,5% một loạt các loại lãi suất điều hành kể từ ngày 19/6 - lần thứ 4 chỉ trong vòng có 3 tháng. Hiện mặt bằng lãi suất điều hành đã về gần mức thấp trước dịch Covid-19.

Ngay sau đó, các ngân hàng thương mại cũng nhanh chóng hạ lãi suất huy động cũng như cho vay. Tính đến ngày 23/6, mặt bằng lãi suất huy động đã giảm trên dưới 1,5%/năm, mặt bằng lãi suất cho vay cũng giảm hơn 1%/năm so với đầu năm.

Trong bối cảnh đó, các thị trường tài sản như chứng khoán, bất động sản ghi nhận dòng tiền đổ vào nhiều hơn. Trong khi ở chiều ngược lại, tín dụng vẫn tăng trưởng thấp (đến 15/6 chỉ đạt 3,36% - so với mức hơn 8% cùng kỳ năm trước) và Chính phủ ngày 19/6 đã phải tổ chức Hội nghị bàn giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Các thị trường tài sản hồ hởi sau những đợt hạ lãi suất

Theo TS.Phùng Thái Minh Trang - Trưởng khoa Tài chính Ngân hàng, Đại học Hoa Sen, trong bối cảnh lãi suất liên tục hạ, các thị trường nhanh nhạy với thông tin như chứng khoán sẽ phản ứng trước tiên.

“Theo các dữ liệu từ HoSE, tính từ đầu tháng 6 đến nay, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường chứng khoán là 16.979 tỷ đồng/phiên, trong khi hồi tháng 5/2023 con số này chỉ là 12.205 tỷ đồng/phiên và tháng 1/2023 là 10.494 tỷ đồng. Điều này cho thấy dòng tiền đã bắt đầu tìm đến thị trường chứng khoán nhiều hơn khi các chính sách hạ lãi suất liên tục được đưa ra”, bà Minh Trang đánh giá.

Bà Trang nói thêm, ở thị trường bất động sản, các khảo sát của Batdongsan.com cho thấy có khoảng 80% người Việt Nam đang sở hữu ít nhất 1 bất động sản. Do đó, thời gian tới đây vẫn sẽ một lớp tài sản được dòng tiền tìm đến nhưng sự phục hồi sẽ chậm hơn so với các thị trường còn lại.

“Trên thực tế, phân khúc nhà ở dân sinh thanh khoản cao vẫn đang đón nhận dòng tiền, những cá nhân có nhu cầu đầu tư hoặc ở thực vẫn đang tiếp tục tham gia thị trường. Mặt khác, các số liệu cũng cho thấy bất động sản dường như là một bộ phận không thể thiếu trong cơ cấu tài sản người Việt. Do đó, tôi cho rằng khi các chính sách hạ lãi suất, nới room tín dụng, cùng các biện pháp hỗ trợ thị trường bất động sản được thẩm thấu sâu hơn trong thời gian tới, nhà đầu tư sẽ quay lại với thị trường nhà đất nhiều hơn”, bà Trang nhận định.

Đối với thị trường tiền gửi, Trưởng khoa tài chính ngân hàng Đại học Hoa Sen cho rằng dù lãi suất đã hạ xuống, song đây vẫn là một kênh không thể thiếu đối với cá nhân và doanh nghiệp trong việc tối ưu hóa lợi tức của danh mục đầu tư trong những chu kỳ ngắn. Do đó, thời gian tới thị trường này vẫn sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng ổn định.

“Theo các thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 3 đang có hơn 11,9 triệu tỷ đồng tiền gửi của hộ gia đình và các tổ chức kinh tế ở các tổ chức tín dụng. Đây là một con số không nhỏ. Trong đó, có khoảng 88% lượng tiền gửi là ngắn hạn. Vừa qua, tiền gửi của doanh nghiệp đã sụt giảm, nguyên nhân chủ yếu là do kinh tế khó khăn, các đơn vị này phải rút bớt tiền dùng tiền để bổ trợ thanh khoản. Tuy nhiên, trong dài hạn khi nền kinh tế phục hồi, các doanh nghiệp sẽ thu về một lượng tiền lớn hơn. Nếu lưu trữ ở dạng tiền mặt, các đơn vị sản xuất kinh doanh sẽ có thể đối mặt với nhiều rủi ro như mất cắp, kiểm đếm sai,... Ngoài ra, nếu chỉ nắm giữ tiền mặt, lợi tức của dòng tiền cũng sẽ không được tối ưu. Do đó, gửi ngân hàng vẫn là sự lựa chọn khả dĩ nhất. Tương tự ở khối dân cư, tiền gửi ngân hàng là một bộ phận không thể thiếu trong các lớp tài sản của một cá nhân ở Việt Nam”, bà Minh Trang đánh giá.

Các thị trường tài sản hồ hởi sau khi lãi suất giảm liên tục - Ảnh 1.

(TS.Phùng Thái Minh Trang - Trưởng khoa Tài chính Ngân hàng, Đại học Hoa Sen)

Cần nỗ lực đưa dòng vốn vào các hoạt động sản xuất kinh doanh

Với nền kinh tế thực, bà Minh Trang cho rằng hành động hạ lãi suất điều hành đã tháo bớt rào cản trong việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp không chỉ gặp khó vì lãi suất cao mà còn nhiều vấn đề khác. Bên cạnh đó, thông thường sẽ mất từ 6-8 tháng để chính sách có thể thẩm thấu. Do đó, để kinh tế nhanh chóng phục hồi, cần phải có những biện pháp quyết liệt hơn để giúp doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay, đưa dòng tiền vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

“Hạ lãi suất đã góp phần giảm bớt gánh nặng chi phí tài chính cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, có một vấn đề hiện hữu rất rõ là từ cuối năm ngoái đến nay, do các ngân hàng trung ương trên thế giới liên tục đẩy lãi suất lên cao để chống lạm phát, nên nhu cầu toàn cầu đã bị thu hẹp đáng kể. Điều này đã khiến các hoạt động xuất khẩu rơi vào cảnh khó khăn. Từ đó, nhiều doanh nghiệp bị suy giảm kết quả kinh doanh, một số đơn vị không còn tài sản thế chấp để có thể tiếp cận tín dụng. Trong khi để vay được vốn, ngân hàng lại yêu cầu phải có phương án kinh doanh khả thi và có tài sản đảm bảo. Tôi đồng ý là hệ thống ngân hàng phải bảo đảm an toàn, song những quy tắc quá khắt khe như hiện tại có phần không phù hợp với bối cảnh thực tế. Do đó, cần phải có những chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn mạnh mẽ hơn, không chỉ đơn thuần là hạ lãi suất như vừa qua", bà Minh Trang đánh giá.

Chuyên gia từ Đại học Hoa Sen nói thêm, thực tế đang có nhiều tín hiệu cho thấy nhu cầu tiêu dùng toàn cầu sẽ bớt những gam màu xám trong những tháng cuối năm. Do đó, cần tăng tốc tiếp sức cho doanh nghiệp phục hồi.

Cụ thể, chỉ số lạm phát tại Mỹ đang có dấu hiệu hạ nhiệt. Bên cạnh đó, vừa qua Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ (FED) đã có động thái tạm ngưng tăng lãi suất. Tất cả những điều này đang thể hiện áp lực lạm phát của Mỹ đã hạ xuống và FED có thể sẽ không quá quyết liệt giải quyết vấn đề bão giá như trước đây. Trên cơ sở đó, các quốc gia khác cũng có thể bớt thắt chặt đối với chính sách tiền tệ. Từ đó, nhu cầu tiêu dùng trên thế giới sẽ bớt những gam màu xám.

“Thông thường có thể sẽ mất thời gian từ 6-8 tháng để các chính sách có thể thực sự thẩm thấu vào nền kinh tế. Do đó, sớm khơi thông nguồn vốn, nhanh chóng thúc đẩy sản xuất kinh doanh phục hồi sẽ giúp doanh nghiệp trong nước có lợi thế đi trước đón đầu nhu cầu tiêu dùng của nền kinh tế thế giới quay trở lại”, bà Minh Trang nhận định.

Nhìn chung, chuyên gia cho rằng thị trường chứng khoán sẽ hưởng lợi trước với các chính sách hạ lãi suất, theo sau sẽ là thị trường bất động sản. Với thị trường tiền gửi, mặc dù lãi suất giảm, song về lâu dài, đây vẫn là kênh để người dân và doanh nghiệp lưu trữ tiền cũng như tối ưu lợi tức trong các chu kỳ ngắn.

Với các hoạt động sản xuất kinh doanh thực, giai đoạn này các ngành các cấp nên tập trung nguồn lực khơi thông nguồn vốn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Văn Tuệ


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...