Thứ tiếng có tỷ lệ việc làm cao nhất tại ULIS và HANU, lọt top ngôn ngữ "quyền lực" nhất thế giới!
Nếu bạn giỏi ngôn ngữ này chắc chắn không thiếu "đất dụng võ" đâu!
Theo đề án tuyển sinh đại học năm 2023 của trường Đại học Ngoại ngữ (ULIS), Đại học Quốc gia Hà Nội, ngành học có tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao nhất chính là Ngôn ngữ Nga (100%). Tương tự, ở lĩnh vực sư phạm, 100% sinh viên ngành Sư phạm Tiếng Nga ra trường có việc làm.
Tỷ lệ sinh viên ngành Ngôn ngữ Nga ra trường có việc làm ở trường Đại học Hà Nội (HANU) cũng cao nhất, lên đến 93%. Trong khi đó, những ngành ngôn ngữ được coi là có xu thế hơn ở thị trường Việt Nam lại có tỷ lệ sinh viên ra trường không cao bằng: Ngôn ngữ Anh (72%); Ngôn ngữ Hàn (76%); Ngôn ngữ Trung (77%); Ngôn ngữ Nhật (84%)...
Thật ra, công bố tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm do các trường công bố cũng chỉ là một kênh để các bạn tham khảo. Tuy nhiên, từ số liệu trên chúng ta có thể khẳng định một điều rằng, nếu bạn giỏi tiếng Nga chắc chắn bạn không thiếu "đất dụng võ" đâu!
Đôi nét về tiếng Ngôn ngữ Nga
Tiếng Nga là ngôn ngữ được nói nhiều nhất trong những ngôn ngữ Slavo, là một trong sáu ngôn ngữ chính thức của Liên Hiệp Quốc và cũng là một trong các ngôn ngữ được đào tạo chính thức từ bậc phổ thông đến bậc đại học.
Một số trường cấp 3 hiện nay đào tạo chuyên Nga có thể kể đến như: THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (Hà Nội); THPT chuyên Ngoại ngữ (Hà Nội), THPT chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương); THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định)... Còn ở bậc đại học, nếu muốn theo đuổi chuyên sâu về tiếng Nga, bạn có thể chọn học ở trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội; trường Đại học Hà Nội; Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM...
Chương trình đào tạo ngành Ngôn ngữ Nga tập trung trang bị cho sinh viên các kỹ năng thực hành cũng như lý thuyết tiếng Nga. Ngoài ra, chương trình còn cung cấp những kiến thức cơ bản lịch sử - địa lý, văn hóa, phương pháp dịch thuật, tiếng Nga thương mại và du lịch, giúp người học có đủ năng lực, làm việc hiệu quả trong lĩnh vực liên quan đến tiếng Nga.
Một số môn học của ngành này: Tiếng Nga du lịch nâng cao, Biên dịch - Phiên dịch tiếng Nga nâng cao; Kỹ năng nghiệp vụ biên - phiên dịch tiếng Nga; Từ vựng; Âm vị học; Ngôn ngữ học tiếng Nga, Đất nước học Nga...
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể công tác ở các vị trí việc làm như:
- Giảng dạy tiếng Nga tại các trường đại học, cao đẳng và các trường phổ thông.
- Làm việc tại Đại sứ quán của các nước nói tiếng Nga, trong các cơ quan trọng yếu của Nhà nước như Bộ Công an, Ban đối ngoại Trung ương Đảng, các cơ quan thông tấn, báo chí… của Việt Nam trong và ngoài nước.
- Phiên dịch cho các công ty và các cơ quan, tổ chức của Nga, Việt Nam. Biên dịch tài liệu, phim, sách báo Nga.
- Hướng dẫn viên du lịch, điều hành tour, quản trị du lịch, lữ hành, khách sạn và các vị trí khác trong ngành du lịch.
- Nghiên cứu ngôn ngữ Nga, văn hóa, lịch sử Nga. Nghiên cứu những vấn đề khu vực học, quốc tế học dựa trên những kiến thức có được về ngôn ngữ và văn hóa Nga.
- Thư ký văn phòng, Trợ lý đối ngoại, Điều phối dự án Quản lý bậc trung tại các doanh nghiệp.
Mức lương bao nhiêu?
Theo khảo sát, mức lương của ngành tiếng Nga có thể dao động trong khoảng sau:
- Biên phiên dịch tiếng Nga: Từ 10 - 20 triệu đồng/ tháng.
- Hướng dẫn viên du lịch tiếng Nga: Từ 10 - 30 triệu đồng/ tháng.
- Điều hành tour tiếng Nga: Từ 20 - 25 triệu đồng/ tháng.
- Giáo viên, giảng viên tiếng Nga: Từ 20 triệu đồng/ tháng.
- Trợ lý tiếng Nga: Từ 10 - 20 triệu đồng/ tháng.
Mức lương còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kinh nghiệm làm việc, trình độ học vấn, vị trí công việc, quy mô doanh nghiệp... Tuy nhiên yên tâm một điều, cứ học tập tốt ngôn ngữ này, cùng với đó trau dồi thêm những kỹ năng mềm cần thiết cho công việc, kiểu gì bạn sẽ tìm được một công việc phù hợp với năng lực của bản thân.
Thậm chí, theo nghiên cứu mang tên The Power Language Index (Chỉ số ngôn ngữ quyền lực, viết tắt PLI) của Tiến sĩ Kai L. Chan, tính đến năm 2050, tiếng Nga sẽ đứng ở vị trí thứ 6 trong tổng số 10 ngôn ngữ "quyền lực" nhất trên thế giới. Nghiên cứu này được dựa trên các thang đo như: địa lý (geography), kinh tế (economy), giao tiếp (communitication), kiến thức - phương tiện truyền thông (knowledge and media) và ngoại giao (diplomacy).
Tổng hợp