Soi suất ăn trưa của học sinh toàn thế giới, nhiều nơi miễn phí mà chất lượng vẫn "đỉnh chóp"
Thực đơn ăn trưa của học sinh toàn thế giới có sự khác biệt.
Bữa ăn trường học từ lâu là mối quan tâm lớn tại nhiều quốc gia bởi nó là nền tảng cho trẻ sở hữu sức khỏe và lối sống lành mạnh trong tương lai. Juliana Cohen, giáo sư dinh dưỡng tại trường Y tế công cộng thuộc Đại học Harvard (Mỹ) cho biết: "Thực phẩm lành mạnh tác động đến chức năng nhận thức của trẻ, giúp khả năng học tập trở nên tốt hơn. Do đó, khi bữa trưa học đường được cải thiện, cả học sinh và nhà trường đều được lợi".
Ở nhiều nước phát triển thì bữa trưa học sinh được lên kế hoạch hàng tháng trời với những quy định chặt chẽ về dinh dưỡng. Hãy cùng khám phá một số thực đơn ăn trưa của học sinh các nước dưới đây nhé:
Pháp
Thông thường, thực đơn ăn trưa của học sinh Pháp được quản lý nhà ăn xây dựng trước 2 tháng và gửi đến chuyên gia dinh dưỡng thẩm định. Chuyên gia có thể đề xuất thêm, bớt món ăn để cân bằng lượng tinh bột, đường, đạm và chất xơ trong mỗi suất ăn.
Các món ăn phổ biến bao gồm rau diếp xoăn, cá ngừ nướng, salad, rau củ bỏ lò, bít tết, trứng ốp lết, thịt gà, bí xanh, cà rốt và cá hầm... Hương vị được cân bằng nhờ phô mai Pháp, sữa chua và trái cây tráng miệng. Trẻ em ở Pháp cũng được phục vụ bữa nhẹ vào buổi chiều với bánh mì, trái cây hoặc đôi khi là bánh quy.
Bữa trưa của học sinh tại Ý được đánh giá đủ chất dinh dưỡng và đặc biệt thực đơn phải đạt 70% hữu cơ. Bữa trưa của trẻ em ở Ý bao gồm một miếng cá hồi chứa đầy đủ protein hoặc gà nướng với pho mát, mì ống, bánh mì, một ít rau, nho và salad cà chua. Tráng miệng của mỗi đứa trẻ luôn là hoa quả tươi ngon.
Phần Lan là quốc gia đầu tiên trên thế giới cung cấp bữa trưa miễn phí cho mọi học sinh và luật pháp yêu cầu phải đảm bảo các tiêu chuẩn dinh dưỡng cao. Những món ăn truyền thống của người Phần Lan thường xuất hiện trong thực đơn như cháo đại mạch, súp hoa quả các loại, súp cá hồi, súp thịt, súp đậu, súp khoai tây và khoai lang, xúc xích...
Trong hệ thống các trường công lập ở Hàn Quốc, học sinh và giáo viên ăn trưa cùng nhau, cùng một thời điểm. Tất cả đều dùng một suất ăn như nhau, trên những chiếc khay giống hệt nhau.
Về cơ bản, hầu hết các bữa trưa ở trường được thiết kế theo 1 khẩu phần chung, bao gồm: cơm, 1 loại súp, thịt hoặc cá, rau và 1 ít trái cây. Thêm vào đó, banchan (các món ăn kèm) rất phổ biến trong văn hóa ẩm thực Hàn Quốc. Banchan có thể là kim chi, củ cải muối hoặc rau trộn.
Bữa ăn trưa của học sinh Nhật được nấu mới mỗi ngày, sử dụng càng nhiều nguyên liệu tươi càng tốt. Một suất ăn thường có các món như: cơm, súp, salad, món thịt hoặc cá và một hộp sữa. Cơm thường được các chuyên gia dinh dưỡng trộn thêm các thành phần như lúa mạch, rong biển, rau... để bổ sung thêm vitamin và chất dinh dưỡng.
Được biết, thực đơn và tần suất của mỗi loại món ăn xuất hiện khác nhau tùy theo kế hoạch do chuyên gia dinh dưỡng của mỗi trường sắp xếp.
Tại Singapore, chương trình "Bữa ăn lành mạnh trong trường học" được triển khai nhằm khuyến khích trẻ em lựa chọn thực phẩm và đồ uống tốt hơn cho sức khỏe. Điểm nhấn trong chương trình bữa ăn trường học là các nhà cung cấp dịch vụ căng tin ở trường học phải tuân theo các hướng dẫn về kinh doanh ăn uống cho trẻ em. Đồ ăn, thức uống không được bán tùy tiện, mà sẽ phải theo một số yêu cầu như giảm chất béo, đường và natri hoặc tăng cường phục vụ ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau củ.
Các bữa ăn chính cần kết hợp từ bốn nhóm thực phẩm chính, chẳng hạn gạo lứt, bánh mì nguyên cám, thịt và các loại khác, rau và trái cây. Nhờ vậy, ngay ở trường, học sinh sẽ nhận được các chất dinh dưỡng thích hợp cần thiết cho nhu cầu của cơ thể.
Bữa trưa học đường tại Ấn Độ có quy mô lớn nhất thế giới, hàng chục triệu trẻ em được cung cấp bữa ăn nóng miễn phí 200 ngày mỗi năm. Chương trình Quốc gia Hỗ trợ Dinh dưỡng bậc Tiểu học của Ấn Độ được bắt đầu năm 1995 nhằm giải quyết thực trạng trẻ em bị đói khi tới lớp, đồng thời để nâng cao tỉ lệ học sinh tới trường cũng như chống tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em.
Trong thực đơn từng ngày, các bữa trưa ở trường học của Mỹ cung cấp đầy đủ thông tin dinh dưỡng (hàm lượng chất béo, vitamin, lượng đạm, muối, đường...) cho từng món ăn. Được biết, gần 30 triệu trẻ em Mỹ đang được ăn trưa miễn phí hoặc giảm giá tại trường học.
Nghiên cứu của trường Y khoa Tufts đã xem xét chế độ ăn uống của người Mỹ từ năm 2003 đến năm 2018 và phát hiện ra rằng bữa ăn ở trường là nơi cung cấp nguồn thực phẩm lành mạnh nhất, đặc biệt khi so sánh với bữa trưa ở nhà hàng, nơi được cho là có những bữa ăn kém lành mạnh.
Brazil có chương trình bữa trưa học đường lâu đời, cung cấp bữa trưa hàng ngày cho hơn 43 triệu trẻ em của đất nước, theo Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc. Các trường tiểu học và trung học cơ sở ở Brazil bắt buộc phải phục vụ bữa trưa từ năm 1955. Bữa ăn của học sinh nơi đây phải có tối thiểu 30% nguyên liệu có nguồn gốc từ nông dân địa phương.