A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tại sao giáo viên ở Hàn Quốc sợ học sinh và phụ huynh?

Giáo viên ở Hàn Quốc thực sự sợ cả học sinh lẫn phụ huynh, và đây là lý do hàng chục nghìn người trong số họ tham gia biểu tình đòi được bảo vệ.

Chú thích ảnh

Giáo viên Hàn Quốc biểu tình trước Nhà Quốc hội ở Seoul hôm 4/9/2023. Ảnh: Getty Images

Khi cuộc chiến nổ ra trong lớp tiểu học của Kang Hyeon-joo, tim cô đập nhanh đến mức cô không thể thở được và mắt nhòa đi.

“Bọn chúng đấm, đá vào mặt, ném bàn ghế xung quanh", Kang nhớ lại và cho biết thêm cô đã bị thương khi cố gắng can thiệp.

Trong hai năm sau đó, Kang đã rất chật vật để kỷ luật học sinh của mình – hoặc phải đương đầu với phản ứng dữ dội của phụ huynh khi cô làm vậy. Cô khẳng định hiệu trưởng của cô không làm gì để hỗ trợ, mà chỉ nói với cô rằng "hãy nghỉ một tuần".

Sự căng thẳng đã gây ra hậu quả nguy hiểm. Kang cho biết có lúc cô muốn nhảy vào đầu xe buýt. “Ít nhất nếu tôi nhảy vào, tôi sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Nếu tôi nhảy từ trên tòa nhà cao tầng thì ít nhất tôi cũng có được chút bình yên.”

Kang hiện đang trong thời gian nghỉ ốm nhưng cô không hề đơn độc trong trải nghiệm của mình.

Hàng chục nghìn giáo viên Hàn Quốc đã biểu tình trong những tháng gần đây, kêu gọi được bảo vệ nhiều hơn khỏi học sinh và phụ huynh. Theo các nhà tổ chức, tại một cuộc biểu tình ở Seoul vào tháng trước, 200.000 người đã tham gia, buộc chính phủ phải chú ý và hành động.

Giáo viên tự tử trong lớp học

Quan điểm thống nhất của đội ngũ giáo viên cả nước được đưa ra sau vụ tự sát của một giáo viên lớp 1, mới ngoài 20 tuổi, hồi tháng 7. Cô được tìm thấy đã chết trong lớp học ở Seoul. Cảnh sát đã đề cập đến một học sinh có vấn đề và áp lực từ phụ huynh, nhưng chưa đưa ra lý do chính xác về việc cô tự sát.

Một số giáo viên khác cũng đã tìm đến cái chết kể từ tháng 7 và một số trường hợp được cho là có liên quan đến căng thẳng ở trường học.

Chú thích ảnh

Cô giáo Kang Hyeon-joo hiện đang xin nghỉ ốm sau vụ việc căng thẳng trong lớp. Ảnh: CNN

Dữ liệu của chính phủ cho thấy 100 giáo viên trường công đã tự sát từ tháng 1/2018 đến tháng 6/2023. 11 trường hợp trong số đó xảy ra trong 6 tháng đầu năm nay, nhưng không nêu rõ yếu tố nào dẫn đến cái chết của họ.

Sung Youl-kwan, giáo sư giáo dục tại Đại học Kyung Hee, cho biết tốc độ và quy mô của các cuộc biểu tình khiến nhiều người ngạc nhiên. “Tôi nghĩ mọi người đều có chung cảm giác rằng điều này cũng có thể xảy ra với mình", ông Sung nói.

Các giáo viên chỉ ra rằng luật lạm dụng trẻ em năm 2014 nhằm bảo vệ trẻ em là một trong những lý do chính khiến họ cảm thấy không thể kỷ luật học sinh. Họ nói rằng họ sợ bị một số ít phụ huynh kiện vì gây đau khổ về tinh thần cho con họ và bị lôi ra tòa.

“Trường học là rào cản cuối cùng để học sinh biết điều gì được phép trong xã hội, điều gì không. Nhưng chúng tôi không thể làm gì, nếu uốn nắn chúng, chúng tôi có thể bị buộc tội”, giáo viên tiểu học Ahn Ji-hye cho biết.

Ahn cho biết, có những ngày các bậc cha mẹ đã gọi vào điện thoại di động của cô suốt từ 6 giờ sáng đến 11 giờ đêm, nói về con họ hoặc phàn nàn giáo viên.

Chú thích ảnh

Những người đưa tang đặt hoa trước bàn thờ tưởng niệm một giáo viên tiểu học đã qua đời trong vụ tự tử hồi tháng 7 tại một trường tiểu học ở Seoul. Ảnh: AFP/Getty Images

Sửa đổi pháp lý liệu có đủ?

Bộ trưởng Giáo dục Hàn Quốc Lee Ju-ho ban đầu cảnh báo các giáo viên rằng đình công hàng loạt là hành động bất hợp pháp. Quan điểm đó nhanh chóng bị đảo ngược và một loạt sửa đổi pháp lý đã được Quốc hội thông qua vào ngày 21/9.

Một trong những thay đổi quan trọng là cung cấp cho giáo viên một số biện pháp bảo vệ khỏi bị kiện vì lạm dụng trẻ em nếu biện pháp kỷ luật của họ được coi là một hoạt động giáo dục hợp pháp. Ngoài ra, trách nhiệm giải quyết các khiếu nại và kiện tụng của nhà trường do phụ huynh đưa ra giờ đây thuộc về hiệu trưởng.

Giáo sư Sung cho biết: “Lâu nay chúng ta có một nền văn hóa mà hiệu trưởng có xu hướng chuyển những trách nhiệm đó cho giáo viên”.

Luật mới cũng sẽ bảo vệ thông tin cá nhân của giáo viên, chẳng hạn như số điện thoại di động của họ và yêu cầu phụ huynh liên hệ với nhà trường nếu có thắc mắc hoặc khiếu nại thay vì trực tiếp với giáo viên.

Giáo viên Ahn hoan nghênh những thay đổi pháp lý là “có ý nghĩa”, nhưng khẳng định các luật cấp cao hơn như Đạo luật Phúc lợi trẻ em và Đạo luật Trừng phạt lạm dụng trẻ em cũng cần được sửa đổi. Cô nói: “Theo các luật này, vẫn có thể báo cáo giáo viên chỉ dựa trên sự nghi ngờ".

Ahn nói rằng cô muốn có các hình phạt đối với những phụ huynh đưa ra cáo buộc vô căn cứ đối với giáo viên hoặc các biện pháp thiết thực được đưa ra để có thể áp dụng những thay đổi bắt buộc trong lớp học, chẳng hạn như cho ra khỏi lớp một học sinh quậy phá để việc giảng dạy tiếp tục.

Trong khi đó, Giáo sư Sung tin rằng những sửa đổi sẽ giúp ích trong thời gian ngắn, nhưng cảnh báo rằng luật pháp nên được coi là mạng lưới an toàn chứ không phải là một giải pháp.

Vấn đề về luật pháp hay văn hóa?

Các nhà phê bình cho rằng xã hội Hàn Quốc đặt tầm quan trọng quá lớn vào thành công trong học tập nên không có gì đáng ngạc nhiên khi phụ huynh đặt giáo viên - và hệ thống giáo dục - dưới áp lực quá lớn.

Thông thường, học sinh phải theo học tại một trường luyện thi, gọi là hagwon, sau giờ học bình thường, không phải như một hoạt động bổ sung mà là một yêu cầu cơ bản và tốn kém để thành công.

Vào ngày thi tuyển sinh đại học quốc gia, còn gọi là Suneung trong tiếng Hàn, các máy bay sẽ không được cất cánh và giờ đi lại được điều chỉnh để đảm bảo học sinh tham gia kỳ thi được suôn sẻ.

Giáo sư Sung nói: “Chúng tôi có một nền văn hóa trong đó cha mẹ thường có một đứa con và họ sẵn sàng đổ mọi nguồn lực tài chính và cơ hội cho đứa con này. Áp lực hay nỗi ám ảnh về học tập, đôi khi là tư duy điểm cao, thành tích cao không phải là môi trường tốt cho giáo viên, vì họ đang phải chịu áp lực từ phụ huynh”.

Chú thích ảnh

Hoa viếng trước một trường tiểu học ở Seoul vào ngày 4/9, sau vụ tự tử của một giáo viên. Ảnh: AFP/Getty Images

Sung cho biết thời mà giáo viên đương nhiên được tôn trọng đã qua lâu rồi, không chỉ ở Hàn Quốc mà còn ở nhiều nơi khác trên thế giới, và mối quan hệ giữa giáo viên và phụ huynh trở nên không thể nhận ra so với chỉ từ một hoặc hai thập kỷ trước.

Ông nói: “Trong các chính sách giáo dục, phụ huynh được coi giống như người tiêu dùng, có quyền của người tiêu dùng, còn trường học và giáo viên được coi là nhà cung cấp dịch vụ”, đồng thời cho biết thêm phụ huynh tin rằng họ “có quyền yêu cầu nhiều thứ từ trường học”.

Ở một quốc gia nơi giáo dục được coi là trung tâm của sự thành công như Hàn Quốc, mức độ hài lòng của giáo viên lại rất thấp. Một cuộc khảo sát của Liên đoàn Lao động Giáo viên Hàn Quốc vào tháng 4 năm nay cho thấy 26,5% giáo viên được hỏi cho biết họ đã được tư vấn hoặc điều trị các vấn đề tâm lý do công việc. Khoảng 87% cho biết họ đã cân nhắc chuyển việc hoặc bỏ việc trong năm qua.

Theo Thu Hằng


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...