A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gắn kết giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp

Việc gắn kết chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các doanh nghiệp sẽ giúp nâng cao chất lượng đào tạo, cập nhật kịp thời xu hướng phát triển của thị trường và nhu cầu tuyển dụng lao động, tiến tới việc liên kết đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp; góp phần thúc đẩy giải quyết việc làm, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo của thành phố Hà Nội.

Nâng cao tỉ lệ lao động qua đào tạo

Tại Hội nghị gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Hà Nội phối hợp với Ủy ban nhân dân quận Bắc Từ Liêm vừa tổ chức mới đây, bà Bạch Liên Hương, Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội cho biết, trong những năm qua, chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chất lượng lao động của Thủ đô ngày càng được khẳng định và nâng cao, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Với mạng lưới 310 cơ sở có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp; kết quả tuyển sinh, tốt nghiệp giáo dục nghề nghiệp liên tục tăng cao; tỷ lệ học sinh, sinh viên, học viên có việc làm sau tốt nghiệp đạt 70 - 80%.

Nhiều ngành nghề khi học sinh, sinh viên ra trường được doanh nghiệp tuyển dụng 100%. Kết quả tuyển sinh, tốt nghiệp và giải quyết việc làm góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo của Thành phố năm 2022 đạt 72,23%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra và tăng 1,13 điểm phần trăm so với năm 2021.

Gắn kết giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp

Tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh cho học sinh tại Hội nghị gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2022.

Một trong những nguyên nhân đưa tới tín hiệu vui trong công tác giáo dục nghề nghiệp, phát triển lực lượng lao động có kỹ năng phải nói tới việc những năm gần đây, Sở LĐTBXH Hà Nội đã tham mưu và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách của Nhà nước, hướng dẫn của Bộ LĐTBXH về phát triển giáo dục nghề nghiệp gắn kết với thị trường lao động, điển hình là việc thường niên tổ chức Hội nghị gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động.

Bà Bạch Liên Hương cho biết, ngay sau khi Hội nghị gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động năm 2021 được tổ chức tháng 4/2021, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh hợp tác, gắn kết doanh nghiệp với nhiều hình thức phong phú, đạt hiệu quả cao. Tính đến tháng 12/2022 các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn đã hợp tác với gần 1.000 doanh nghiệp tiếp nhận hơn 50.000 học sinh, sinh viên đến thực hành, thực tập; tham gia xây dựng, chỉnh sửa hơn 400 bộ chương trình, giáo trình; đặt hàng đào tạo với hơn 75.000 người; tuyển dụng 45.560 học sinh, sinh viên vào làm việc sau khi tốt nghiệp.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn hỗ trợ trang thiết bị, nguyên vật liệu đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với tổng kinh phí hơn 15 tỷ đồng. Đặc biệt, 30 doanh nghiệp tiêu biểu tham gia ký kết tại Hội nghị năm 2021 đã tiếp nhận toàn bộ học sinh, sinh viên mà đơn vị đặt hàng đào tạo đến thực hành thực tập có trả lương và tiếp nhận toàn bộ học sinh, sinh viên tốt nghiệp của cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã ký kết có nhu cầu vào làm việc tại doanh nghiệp với mức thu nhập đạt từ 8 - 15 triệu đồng/tháng.

Gắn kết nhà trường, doanh nghiệp và học sinh

Phát huy những kết quả đã đạt được và căn cứ vào điều kiện thực tế sau thời kỳ dịch bệnh Covid-19 kéo dài cùng những tác động tiêu cực từ tình hình kinh tế, chính trị thế giới hiện nay khiến đời sống, việc làm của người lao động bị suy giảm, Sở LĐTBXH Hà Nội tiếp tục tham mưu và tổ chức nhiều giải pháp, biện pháp theo chức năng, thẩm quyền của ngành để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động, cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố. Trong đó, việc tổ chức Hội nghị gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2022 là một trong nhiều biện pháp cụ thể, căn cơ.

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng mong muốn các doanh nghiệp, tập đoàn và các cơ quan, tổ chức có liên quan tiếp tục hỗ trợ về nguồn lực, tăng cường phối hợp, tham gia để phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp đảm bảo cung ứng nguồn nhân lực cho thị trường lao động… Các doanh nghiệp cung cấp đầy đủ thông tin cho các cơ quan quản lý Nhà nước về nhu cầu tuyển dụng, sử dụng lao động, nhu cầu đào tạo về số lượng, cơ cấu ngành nghề, trình độ của lao động… và tham gia sâu vào các khâu của quá trình đào tạo từ xây dựng các chuẩn đào tạo, trao đổi chuyên môn, cập nhật các tiến bộ khoa học - công nghệ đến tổ chức đào tạo… Về phía các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tiếp tục bám sát nhu cầu của doanh nghiệp, của thị trường lao động, đa dạng hóa các hình thức hợp tác, phương thức kết nối; linh hoạt trong công tác tuyển sinh, đào tạo, đánh giá, tuyển dụng, cùng với đó là điều chỉnh ngành nghề, chương trình đào tạo, mở rộng quy mô và tăng cường các điều kiện đảm bảo để nâng cao chất lượng đào tạo…

Với quy mô 10.000 người tham dự, Hội nghị bao gồm nhiều hoạt động thiết thực, như: 36 doanh nghiệp tiêu biểu, đại diện cho gần 1.000 doanh nghiệp có hoạt động liên kết, hợp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố tham gia ký kết hợp tác, đặt hàng đào tạo với các cơ sở giao dục nghề nghiệp; tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh học nghề cho học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở, Trung học phổ thông; Phiên giao dịch việc làm với sự tham gia của hơn 40 doanh nghiệp tuyển dụng, tuyển sinh đa dạng các vị trí, ngành nghề.

Ngoài ra, Hội nghị còn có những hoạt động bên lề như: Trưng bày, giới thiệu một số mô hình khởi nghiệp, sản phẩm thực hành, mô hình thiết bị đào tạo nghề tự làm tiêu biểu của học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trình diễn kỹ năng nghề thuộc các nhóm nghề du lịch, dịch vụ nhà hàng; chăm sóc sắc đẹp; công nghệ sơn ô tô...

Qua ghi nhận, các trường, doanh nghiệp tham gia Hội nghị đều rất phấn khởi và khẳng định mang lại hiệu quả rất tốt. Tại các gian hàng đều có rất đông học sinh đến để được tư vấn, tìm hiểu các ngành nghề nhà trường đào tạo. Ông Nguyễn Trọng Tiến - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Quốc tế Hà Nội cho biết, đây là lần thứ ba nhà trường tham gia Hội nghị gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động.

“Hội nghị lần này có quy mô lớn hơn nhiều, chúng tôi được gặp gỡ và tư vấn cho các em về học nghề từ đó thúc đẩy công tác tuyển sinh; chúng tôi cũng ký kết hợp tác đào tạo với 13 doanh nghiệp, trên cơ sở thống nhất thỏa thuận về giải quyết việc làm cho học sinh, bảo đảm điều kiện thực hành, thực tập đối với các mã ngành liên quan” - ông Tiến nói.

Đối với các em học sinh cũng rất hào hứng và phấn khởi khi đến Hội nghị để tìm hiểu ngành nghề đào tạo, xem trình diễn kỹ năng nghề, mô hình khởi nghiệp…

Em Nguyễn Thế Anh Hào, học sinh lớp 9A5 trường Trung học cơ sở Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm cho biết: “Em yêu thích ngành công nghệ ô tô nên đã đến đây tìm hiểu. Em được các cô giáo ở Trường Cao đẳng nghề kỹ thuật và Nghiệp vụ Hà Nội giới thiệu, tư vấn kỹ về ngành nghề mà mình đang quan tâm, em dự định sẽ nộp hồ sơ theo học nghề mà mình yêu thích tại trường này sau khi tốt nghiệp lớp 9”.

Nhiều người tham dự Hội nghị gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2022 đều cho rằng đây là hoạt động hết sức có ý nghĩa và sát thực tế, khi các nhà trường và doanh nghiệp được ký kết hợp tác, tiếp xúc với học sinh để định hướng ngành học và việc làm.

Như Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội Bạch Liên Hương đã nói: Với quy mô và nội dung hoạt động, hy vọng Hội nghị này sẽ phần nào đáp ứng được nguyện vọng của cả người có nhu cầu học nghề, người tổ chức đào tạo nghề, người tuyển dụng và người lao động./.

Phạm Diệp


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết