Sửa Luật Đất đai: Chủ đầu tư có phải tự thỏa thuận với dân khi thu hồi đất làm dự án?
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung thu hồi đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà vừa có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nội dung tiếp thu, giải trình ý kiến của Đại biểu Quốc hội về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Theo chương trình Phiên họp thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được cho ý kiến vào ngày mai 13/12.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà
Một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm khi thảo luận lần đầu dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XV, là nội dung thu hồi đất để để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và thu hồi đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại.
Về thu hồi đất để thực hiện dự án đô thị, có ý kiến cho rằng thực hiện dự án đô thị, dự án nhà ở thương mại là hoạt động kinh tế đơn thuần, không phục vụ lợi ích công cộng mà chủ yếu phục vụ cho lợi ích của nhà đầu tư, doanh nghiệp bất động sản, nên quy định cho chủ đầu tư thỏa thuận với người sử dụng đất để đảm bảo công bằng với lĩnh vực khác, chưa phù hợp với Nghị quyết 18-NQ/TW "tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại".
Cơ quan soạn thảo cho rằng Nghị quyết 18-NQ/TW xác định "thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất", theo đó tại Điều 125 và Điều 126 dự thảo Luật đã quy định dự án đô thị, nhà ở thương mại thuộc trường hợp phải đấu giá đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, vì vậy trong trường hợp này nhà nước phải thu hồi đất để thực hiện. Việc đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất ngoài việc tạo sự công bằng, minh bạch trong tiếp cận đất đai; tạo ra nguồn thu lớn vào ngân sách nhà nước, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người có đất thu hồi và nhà đầu tư.
Đối với ý kiến quy định cho chủ đầu tư thỏa thuận với người sử dụng đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại, dự thảo Luật đã quy định tại Điều 128. Tuy nhiên, Bộ trưởng TM-MT cho rằng nội dung này còn có nhiều ý kiến khác nhau, vì khi thực hiện đồng thời hai cơ chế sẽ có sự so bì về mức giá bồi thường gây phát sinh khiếu kiện. Đồng thời, khó thực hiện chủ trương nhà nước giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất và không điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất không phải do người sử dụng đất tạo ra như yêu cầu tại Nghị quyết 18-NQ/TW.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo đã hoàn thiện dự thảo Luật theo hướng việc sử dụng đất để thực dự án đô thị, dự án nhà ở thương mại có 2 nhóm: (1) Dự án đô thị, dự án nhà ở thương mại sử dụng các loại đất không phải là đất ở thì nhà nước thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Việc thu hồi để đấu giá quyền sử dụng đất, đầu thầu dự án có sử dụng đất là phù hợp với chủ trương của Nghị quyết 18-NQ/TW; (2) trường hợp sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thông qua việc thỏa thuận về quyền sử dụng đất đã được quy định cụ thể tại Điều 128.
Có quy định đánh thuế cao với người nhiều nhà, đất? Khi thảo luận tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XV, có ý kiến đề nghị quy định nguyên tắc đánh thuế đối với người quản lý, sử dụng nhiều đất đai hơn so với hạn mức, đối với trường hợp để hoang hoá đất đai không sử dụng. Báo cáo vấn đề này, Bộ trưởng TN-MT cho biết Nghị quyết số 18-NQ/TW đã xác định: "Quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang". Vì vậy cơ quan soạn thảo xin tiếp thu ý kiến đại biểu, phối hợp với các cơ quan để thể chế trong pháp luật về thuế. |