Bóng đá Việt Nam: Gian nan đường xuất ngoại
Ngày 16.9 vừa qua, Công Phượng đạt thỏa thuận chấm dứt hợp đồng với Yokohama FC (Nhật Bản) và trở thành cầu thủ tự do. Như vậy, bóng đá Việt Nam hiện không còn đại diện nào chơi bóng tại nước ngoài.
Dấu hiệu thua thiệt
Tính từ trường hợp cựu danh thủ Lê Huỳnh Đức khoác áo Chongquin Lifan của Trung Quốc theo diện cho mượn vào năm 2001 đến nay, bóng đá nam Việt Nam đã trải qua hơn hai thập niên “xuất khẩu cầu thủ”. Tiếc rằng, thành công ít hơn thất bại. Công Phượng chính là trường hợp điển hình. Không ai chăm chỉ “xuất ngoại” hơn tiền đạo trưởng thành từ lò HAGL. Cầu thủ gốc Nghệ An này đã 4 lần đầu quân cho các CLB nước ngoài, bao gồm Mito Hollyhock (Nhật Bản năm 2016), Incheon United (Hàn Quốc năm 2019), Sint - Truiden (Bỉ năm 2019) và Yokohama FC (2023). Không lần nào Công Phượng gây được tiếng vang và lần sau lại chìm nghỉm hơn lần trước. Trong 2 mùa giải khoác áo Yokohama FC, Phượng chỉ có vỏn vẹn 3 lần ra sân và 40 phút thi đấu tại Cúp Hoàng đế, đấu trường kém quan trọng nhất. 2 năm gần như tập chay khiến phong độ của tiền đạo này bị ảnh hưởng đáng kể và dần vắng mặt trong danh sách triệu tập đội tuyển Việt Nam. Ở tuổi 29, Công Phương cần hướng đi khác để lấy lại phong độ cũng như đảm bảo kinh tế cho đời sống cá nhân.
Về mặt cá nhân, quyết định của Công Phượng không sai, nhưng thất bại của cầu thủ này tạo ra cột mốc đáng buồn cho bóng đá Việt Nam. Đó là không còn đại diện nào chơi bóng tại nước ngoài. Tại sao phải nhấn mạnh vấn đề xuất ngoại? Trả lời: Vì đối với các nền bóng đá sinh sau đẻ muộn, xuất ngoại là con đường để cầu thủ trui rèn và học hỏi ở các nền bóng đá phát triển hơn. Cầu thủ xuất ngoại không chỉ được tập luyện, thi đấu với những cầu thủ có thể chất và trình độ vượt trội mà còn được mở mang tầm mắt và kiến thức về cơ sở vật chất, cách vận hành đội bóng cũng như học hỏi được tính chuyên nghiệp. Chuyên gia Steve Darby từng đưa ra quan điểm: “Một cầu thủ xuất ngoại dù thành công hay thất bại đều là phiên bản tốt hơn của chính mình, vì họ đủ can đảm vượt qua nỗi nhớ nhà và học hỏi được nhiều điều bổ ích”.
Nhật Bản và Hàn Quốc rất thành công trên con đường này, để bây giờ có những cầu thủ vươn tới trình độ hàng đầu ở các giải châu Âu, còn ĐTQG thi đấu ngang ngửa những gã “khổng lồ” của bóng đá thế giới, điều mà 20 năm trước chỉ nằm trong mộng tưởng. Tại khu vực Đông Nam Á, bóng đá Thái Lan gặt hái được nhiều thành công hơn trong công cuộc xuất ngoại cầu thủ. Chanathip Songkrasin hay Theerathon Bunmathan đều ghi dấu ấn đậm nét tại J.League (giải VĐQG Nhật Bản). Indonesia có phần khác biệt hơn bởi chính sách nhập tịch. Tuy vậy, vẫn có những cầu thủ nội địa của nền bóng đá này đang nỗ lực khẳng định tên tuổi khi ra nước ngoài thi đấu. Tiêu biểu nhất là Marselino Ferdinan đang chơi cho Oxford United của giải hạng Nhất Anh và Pramata Arhan khoác áo Suwon tại K.League (VĐQG Hàn Quốc). Như vậy, dễ thấy đội tuyển Việt Nam sẽ ít nhiều thua thiệt đối thủ láng giềng về kinh nghiệm trận mạc trên đấu trường quốc tế.
Đừng để xuất ngoại thành nỗi sợ
Trước Công Phượng, có hai trường hợp xuất ngoại nổi đình nổi đám của bóng đá Việt nhưng rốt cuộc chuốc lấy thất bại thảm hại. Đó là Đoàn Văn Hậu và Nguyễn Quang Hải, hai cầu thủ được đánh giá rất cao trong “thế hệ Thường Châu”. Văn Hậu sở hữu hình thể lý tưởng, kỹ năng tấn công lẫn phòng ngự toàn diện và chinh chiến tại các giải đấu lớn từ khi còn rất trẻ. Trong khi đó, Quang Hải là tài năng thuộc dạng hiếm có của bóng đá Việt Nam. Thế nhưng, Văn Hậu mất hút tại Heerenveen (Hà Lan), Quang Hải cũng không thể trụ lại Pau FC (Pháp). Ngoài ra, sau kỳ tích tại giải U23 châu Á 2018, những năm 2019 và 2020, ồ ạt tuyển thủ Việt Nam ra nước ngoài thi đấu nhưng không để lại được nhiều dấu ấn.
Có chăng Đặng Văn Lâm phần nào khẳng định được tên tuổi tại Muangthong (Thái Lan). Tháng 1.2019, Muangthong United đã phải trả cho Hải Phòng số tiền 500.000 USD để ký hợp đồng với thủ thành này. Bản hợp đồng kéo dài 3 năm, Văn Lâm đầu quân cho Muangthong United từ tháng 6.2019 và là lựa chọn số 1 của đội bóng Thái Lan trong khung gỗ với 42 lần bắt chính trong 2 mùa giải. Tuy nhiên, thực ra Văn Lâm cũng là cầu thủ Việt kiều. Đến thời điểm hiện tại, “xuất ngoại” không còn là đề tài được các cầu thủ đoái hoài. Thay vì mạo hiểm sự nghiệp tại một nơi bất định, những ngôi sao của bóng đá Việt Nam chọn thi đấu trong nước với mức phí lót tay được đồn đoán nhiều tỉ đồng, con số đảm bảo một cuộc sống sung túc.
Để có được như ngày hôm nay, Nhật Bản hay Hàn Quốc đều bắt đầu bằng việc đẩy mạnh phát triển bóng đá học đường. Bước đi tiếp theo là Liên đoàn bóng đá hợp tác với các giải vô địch quốc gia châu Âu để tạo ra các chương trình học bổng theo diện “du học bóng đá”. Ngôi sao Son Heung Min (Hàn Quốc), cầu thủ đã ghi hơn 100 bàn thắng cho Tottenham tại Ngoại hạng Anh cũng đi theo con đường du học này. Bóng đá Việt Nam không thiếu tiềm năng, với dân số hơn 100 triệu người cùng niềm đam mê cháy bỏng. Tuy nhiên, bóng đá Việt Nam chưa thể tạo ra hành lang để cầu thủ trong nước có nhiều cơ hội xuất ngoại. Không chỉ vậy, những trường hợp có điều kiện xuất ngoại lại không gặt hái được thành công, dần tạo nên tâm lý e dè khi nghĩ đến chuyện ra nước ngoài thi đấu. Nếu không giải được bài toán này, sự phát triển của nền bóng đá nước nhà phần nào bị hạn chế.