Chuyên gia khuyến nghị cơ chế, chính sách xây dựng Khu thương mại tự do Đà Nẵng
Đóng góp ý kiến về đề án xây dựng Khu thương mại tự do (TMTD) Đà Nẵng, các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng cần phải phân định rõ ràng cơ chế chính sách trong và ngoài Khu TMTD. Đối với bên trong Khu TMTD, phải có cơ chế chính sách thu hút đầu tư vượt trội.
Phức hợp đa chức năng theo mô hình "Khu trong khu"
Mới đây, chia sẻ tại diễn đàn về phát triển khu TMTD, PGS.TS. Bùi Quang Bình, đại diện Tổ tư vấn xây dựng đề án Khu TMTD Đà Nẵng cho biết, Khu TMTD Đà Nẵng được kỳ vọng tạo động lực phát triển, mở rộng quy mô kinh tế TP. Đà Nẵng và tác động tới kinh tế Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Mục tiêu phát triển đến năm 2030, Khu TMTD Đà Nẵng đóng góp trực tiếp từ 1-2% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), thu hút khoảng 21.000 lao động. Đến năm 2040, đóng góp 9,5% GRDP Đà Nẵng và thu hút khoảng 90.000 lao động. Đến năm 2050, kỳ vọng đóng góp 17,9% GRDP Đà Nẵng và là nơi làm việc của 127.000 lao động.
Theo ông Bùi Quang Bình, Khu TMTD Đà Nẵng sẽ phát triển phức hợp đa chức năng theo mô hình "khu trong khu", bao gồm nhiều chức năng tích hợp như logistics cảng biển, sân bay, thương mại, dịch vụ, công nghiệp chế xuất, chức năng phụ trợ.
Về quản lý sẽ theo cơ chế một cửa, một đầu mối với cơ chế "Khu trong khu", liên kết chặt chẽ giữa các phân khu, giữa các ngành và khu vực để tạo hiệu ứng cộng hưởng.
Đối với Khu TMTD Đà Nẵng sẽ có các khu phát triển 4 ngành ưu tiên gồm: Logistics, sản xuất, thương mại và dịch vụ, đổi mới sáng tạo.
Cụ thể, Khu TMTD phát triển vận tải đa phương thức cùng với dịch vụ phụ trợ và kho bãi chất lượng. Sản xuất sẽ tập trung vào điện tử tiên tiến, sản xuất máy bay, phụ trợ hàng không, cơ khí tiên tiến, dược phẩm và công nghệ sinh học và đặc biệt là lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói chip bán dẫn.
Trong khi đó, Trung tâm dịch vụ du lịch tích hợp với các dịch vụ như bán lẻ miễn thuế, du lịch y tế, casino, ăn uống, khách sạn, du lịch MICE bên cạnh nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo đối với các ngành và lĩnh vực ưu tiên AI, bán dẫn ...
Cần cơ chế thu hút đầu tư vượt trội
Bà Đào Thanh Hương, Phó Vụ trưởng, Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho rằng khi nói đến cơ chế chính sách thu hút đầu tư Khu TMTD Đà Nẵng, phải phân định rõ ràng cơ chế chính sách trong và ngoài Khu TMTD.
"Đối với bên trong Khu TMTD, phải có cơ chế chính sách thu hút đầu tư vượt trội, chưa từng có trong tiền lệ. Vấn đề này TP. Đà Nẵng phải mạnh dạn đề xuất đưa vào đề án xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ", bà Đào Thanh Hương nói.
Theo bà Hương, đối với cơ chế chính sách ngoài Khu TMTD, dù muốn hay không phải áp dụng chính sách chung hiện tại. Đối với cơ chế, chính sách thì quy trình thu hút đầu tư, quy trình dự toán ngân sách Đà Nẵng sẽ ưu tiên hạ tầng ngoài khu để kết nối. Các vị trí của Đà Nẵng liên quan Khu TMTD sẽ liên kết lại với nhau.
Còn theo Phó Tổng Giám đốc Công ty CP cảng biển Đà Nẵng Lê Quảng Đức, cảng biển là một trong những điều kiện mang tính quyết định sự thành công của một Khu TMTD, cụ thể, cần có cảng biển có thể tiếp nhận tàu container có sức chở đủ lớn với năng suất, chất lượng dịch vụ cao, an toàn, hiện đại.
Phát triển hệ thống giao thông hiện đại, an toàn kết nối cảng với vùng hậu phương cảng (bao gồm TP. Đà Nẵng, các tỉnh miền Trung và Hành lang kinh tế Đông-Tây) với nhiều phương thức vận tải như đường bộ, đường sắt và đường hàng không. Hệ thống giao thông phải bảo đảm kết nối với cảng 24/7 để dòng hàng hóa luôn được thông suốt, nhanh chóng. Trong đó lưu ý việc nâng cấp mở rộng giao thông đường bộ kết nối với Lào qua cửa khẩu Đắc Ốc.
Ông Lê Quảng Đức cũng kiến nghị hải quan tại các cửa khẩu cần thực hiện phương châm "hai cửa khẩu một điểm dừng". Đồng thời đề xuất chính quyền TP. Đà Nẵng cần có ưu đãi về tiền thuê đất nhằm thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực logistics vì hiện nay giá đất để tính tiền thuê đất quá cao.
Minh Trang