A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sẽ thiết kế chính sách hạn chế nắm giữ vàng

Trong phiên chất vấn vào sáng 11-11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cũng đã trả lời nội dung về vấn đề quản lý thị trường vàng.

 

Quan tâm đến vấn đề này, đại biểu (ĐB) Lưu Văn Đức (đoàn Đắk Lắk) hỏi về việc thực hiện các giải pháp bình ổn thị trường vàng theo chỉ đạo của Chính phủ thời gian qua. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết để thực hiện thu hẹp nhanh khoảng cách giữa giá vàng trong nước và quốc tế, NHNN đã chuyển sang bán trực tiếp qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC. Nhờ vậy, chênh lệch giá vàng của trong nước và quốc tế đang ở 15-18 triệu đồng/lượng, giờ chỉ còn 3-4 triệu đồng.

Nêu câu hỏi ngay sau đó, ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho biết ngân hàng chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC, vậy khi người dân cần tiền có nhu cầu bán vàng thì bán ở đâu? ĐB Hòa cũng đề nghị làm rõ vì sao chỉ Hà Nội và TP HCM áp dụng chính sách bán vàng miếng tại ngân hàng mà không thực hiện trên cả nước. 

Về vấn đề này, Thống đốc nói NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng, với bối cảnh hiện nay, chưa đặt vấn đề mua lại. Các ngân hàng thương mại nhà nước trong giai đoạn này chủ yếu thực hiện giải pháp tăng cung vàng. "Việc doanh nghiệp không mua vàng của cá nhân có thể vì một vài lý do như cân đối tiền".

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Ảnh: HỒ LONG

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Ảnh: HỒ LONG

Dùng quyền tranh luận, ĐB Phạm Văn Hòa đánh giá việc ngân hàng bán vàng miếng mà không mua lại là "vấn đề hệ trọng". Trên thị trường, theo ông Hòa, doanh nghiệp cũng không mua dẫn đến người dân phải bán ở "chợ đen". Trả lời ĐB, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết tổ chức tín dụng thực hiện mua bán vàng theo chỉ đạo của NHNN để bình ổn thị trường. Tuy nhiên, vàng không như ngoại tệ, để kiểm định chất lượng, hàm lượng vàng rất phức tạp. 22 tổ chức tín dụng và 16 doanh nghiệp vẫn có chi nhánh mua bán và địa điểm giao dịch. Việc doanh nghiệp không mua vàng của người dân có thể do biến động của thị trường vàng lên - xuống, nên đề phòng rủi ro.

Về câu hỏi thành lập sàn vàng, Thống đốc nhấn mạnh việc thành lập sàn cũng sẽ có một số điểm tích cực như các giao dịch sẽ được minh bạch, nhu cầu mua bán của người dân, doanh nghiệp thuận lợi hơn. Nhưng đi kèm với đó, để thành lập được sàn vàng đòi hỏi sự đầu tư về cơ sở hạ tầng và Việt Nam không phải quốc gia sản xuất vàng, nên phải phụ thuộc vào nhập khẩu. Vì vậy, NHNN sẽ phối hợp với các bộ, ngành đánh giá kỹ lưỡng các tác động, tham mưu đề xuất với Chính phủ ở một thời điểm phù hợp.

ĐB Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) chất vấn về giải pháp để vàng trở thành nguồn lực của nền kinh tế? Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh người dân khi đầu tư vào vàng, tài sản sẽ "nằm chết" ở đó. Bởi khi nắm giữ vàng, có thể giá trị vàng rất lớn, cũng đồng nghĩa với việc số tiền đó người dân không sử dụng được. Nhưng nếu chuyển hóa tài sản này ra Việt Nam đồng, lúc đó sẽ có cơ hội kinh doanh, đầu tư vào lĩnh vực khác, như gửi tiền vào ngân hàng, để ngân hàng dùng tiền đó cho vay sản xuất - kinh doanh, hay đầu tư vào cổ phần, cổ phiếu, thị trường chứng khoán phục vụ sản xuất - kinh doanh. Thống đốc NHNN cho biết đang đánh giá, tổng kết Nghị định 24 của Chính phủ, thiết kế chính sách để hạn chế nắm giữ vàng.

 

Theo Minh Chiến - Văn Duẩn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...