Cần cơ chế đặc thù hỗ trợ địa phương bị ảnh hưởng bởi bão lũ
Các đại biểu Quốc hội kiến nghị cần có cơ chế đặc cách, đặc thù để hỗ trợ các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão lũ vừa qua.
Phát biểu tại phiên họp sáng 4/11, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) cho biết, đã hơn một tháng kể từ khi bão số 3 (Yagi) đi qua với sức tàn phá nặng nề để lại hậu quả lớn cho nhiều tỉnh miền Bắc.
Nhờ sự quyết liệt lo cho dân của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và cả hệ thống chính trị cùng những nghĩa cử cao đẹp, chứa chan tình đồng chí, đồng bào đã làm vơi đi nhiều nỗi đau, mất mát sau bão.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) |
Đại biểu cho rằng, hình ảnh những chiếc ô tô đi thật chậm để chắn gió cho người đi xe máy; những căn hộ, khách sạn mở cửa miễn phí đón người dân vào trú bão; bà con ở chùa Hương chèo đò xuyên đêm để cứu trợ cho người dân; đồng bào miền Nam, miền Trung ruột thịt xuyên đêm chế biến thực phẩm, gói ghém hàng hóa để gửi cho miền Bắc; hàng nghìn chuyến xe chở nhu yếu phẩm nối đuôi nhau cùng hướng về vùng lũ, mang theo triệu tấm lòng là minh chứng cho truyền thống quý báu của cả dân tộc.
Ở nước ngoài, kiều bào ta cũng đau đáu hướng về miền Bắc, đến nay Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tiếp nhận hơn 2.000 tỷ đồng, tất cả đều thực hiện theo “mệnh lệnh từ trái tim”.
Nhằm chuẩn bị tốt hơn nữa để phòng tránh, ứng phó thiên tai, đại biểu đề nghị cần tiếp tục có các cơ chế đặc cách, đặc thù bổ sung thêm nguồn lực hỗ trợ cho các địa phương bị ảnh hưởng, nhất là các địa phương miền núi.
Cùng với đó, Quốc hội, Chính phủ cần cho phép thực hiện các thủ tục rút gọn triển khai nguồn lực hỗ trợ đến với bà con, để tấm lòng của Đảng, Nhà nước sớm đến với bà con vùng bị thiệt hại do bão lũ.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) |
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Yến (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, vừa qua, nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã chịu thiệt hại nặng nề từ cơn bão số 3 và số 6, Chính phủ đã nhanh chóng chỉ đạo công tác phòng tránh, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và của.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ có những cơ chế, chính sách đặc thù, tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm giúp các địa phương, người dân khôi phục sinh kế, ổn định cuộc sống và tái thiết vùng bị ảnh hưởng, đảm bảo tăng trưởng.
Đại biểu cho biết, thời gian qua, Chính phủ không chỉ ban hành và chỉ đạo khắc phục nợ đọng văn bản, chuẩn bị nhiều dự thảo luật trình Quốc hội, trong đó có một số luật thông qua theo thủ tục một kỳ họp, nhằm tháo gỡ “điểm nghẽn”, tạo khung pháp lý vững chắc để điều hành, quản lý kinh tế - xã hội một cách toàn diện.
Nhằm đảm bảo thực thi hiệu quả, đại biểu đề nghị sớm ban hành các văn bản còn nợ đọng và kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật để thực hiện đồng bộ khi luật có hiệu lực; tập trung tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật.