Đổi mới thể chế, chính sách tạo động lực phát triển văn học, nghệ thuật
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số, văn học, nghệ thuật (VHNT) Việt Nam đứng trước những cơ hội lớn nhưng cũng đối diện với không ít thách thức, đòi hỏi những đổi mới mạnh mẽ về thể chế, chính sách và nguồn lực nhằm tạo động lực phát triển bền vững.
1. VHNT không chỉ là công cụ phản ánh đời sống mà còn góp phần định hướng tư tưởng, giáo dục đạo đức, thẩm mỹ, xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chính vì vậy, trong các văn kiện quan trọng, Đảng luôn nhấn mạnh yêu cầu phát triển VHNT theo hướng tiên tiến, giàu bản sắc, đồng thời phải gắn chặt với nhiệm vụ xây dựng con người mới.
Đảng cũng chú trọng việc hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển của VHNT. Một trong những điểm nhấn là việc thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng trong hệ thống pháp luật, tạo cơ sở vững chắc cho hoạt động sáng tạo. Trên cơ sở đó, hàng loạt đạo luật quan trọng đã được ban hành như Luật Điện ảnh, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Xuất bản nhằm bảo vệ quyền lợi của văn nghệ sĩ, khuyến khích sáng tạo, đồng thời nâng cao chất lượng quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Không chỉ dừng lại ở việc ban hành các nghị quyết, chiến lược phát triển, Đảng còn chủ trương đẩy mạnh đầu tư cho VHNT, bảo đảm nguồn lực đủ mạnh để hỗ trợ sáng tạo nghệ thuật, nâng cao đời sống của văn nghệ sĩ. Trong các kỳ đại hội Đảng gần đây, tư duy về phát triển VHNT tiếp tục được mở rộng theo hướng gắn chặt với sự phát triển của công nghiệp văn hóa. Đảng xác định VHNT không chỉ là lĩnh vực sáng tạo thuần túy mà còn là một ngành kinh tế có tiềm năng lớn, có thể đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của đất nước. Chính vì vậy, các chính sách gần đây đã tập trung nhiều hơn vào việc phát triển thị trường văn hóa, thúc đẩy các ngành công nghiệp sáng tạo, tạo điều kiện để VHNT Việt Nam vươn tầm quốc tế.
2. Mặc dù hệ thống thể chế, chính sách phát triển VHNT ở Việt Nam đã có nhiều bước tiến quan trọng, nhưng vẫn còn tồn tại những hạn chế và thách thức đáng kể.
![]() |
Bộ phim "Địa đạo" ra đời nhờ nguồn lực xã hội hóa. Ảnh do đoàn làm phim cung cấp |
Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là sự thiếu hụt nguồn lực tài chính dành cho VHNT, đặc biệt đối với các loại hình nghệ thuật truyền thống. Ví dụ, Nhà hát Tuồng Việt Nam từng là một trong những đơn vị nghệ thuật hàng đầu trong việc bảo tồn nghệ thuật tuồng truyền thống. Tuy nhiên, những năm gần đây, do lượng khán giả giảm mạnh, Nhà hát gặp khó khăn trong việc tổ chức các suất diễn thường xuyên. Các vở tuồng kinh điển như "Sơn Hậu", "Đào Tam Xuân loạn trào" chỉ được dàn dựng lại vào những dịp đặc biệt, do thiếu kinh phí.
Trong bối cảnh chuyển đổi số, các hoạt động VHNT cần được đầu tư vào nền tảng công nghệ, giúp tác phẩm tiếp cận với khán giả rộng rãi hơn. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ vào phát triển VHNT vẫn còn chậm, chưa có nhiều chương trình hỗ trợ cụ thể giúp nghệ sĩ tận dụng các nền tảng số để sáng tác và phát hành tác phẩm. Dù Luật Sở hữu trí tuệ đã được sửa đổi và bổ sung nhiều lần để bảo vệ bản quyền tác phẩm VHNT, nhưng tình trạng vi phạm vẫn diễn ra phổ biến, đặc biệt trong lĩnh vực xuất bản, âm nhạc và điện ảnh. Một trong những nguyên nhân chính khiến chính sách bảo vệ quyền tác giả chưa hiệu quả là hệ thống chế tài xử phạt còn quá nhẹ. Các cá nhân, tổ chức vi phạm thường chỉ bị xử lý hành chính, mức phạt chưa đủ răn đe. Bên cạnh đó, việc thực thi pháp luật về bản quyền còn chậm trễ, thiếu cơ chế giám sát chặt chẽ, đặc biệt trong môi trường internet.
3. Hiện nay, mặc dù Nhà nước đã có các chính sách hỗ trợ thông qua quỹ tài trợ sáng tác, đặt hàng tác phẩm nghệ thuật, nhưng nguồn kinh phí này vẫn còn hạn chế và phân bổ chưa đồng đều. Do đó, cần tăng mức đầu tư ngân sách cho VHNT, đặc biệt là các loại hình nghệ thuật truyền thống. Nhà nước có thể áp dụng chính sách tài trợ dài hạn cho các đoàn nghệ thuật địa phương, giúp họ duy trì hoạt động thường xuyên thay vì chỉ nhận kinh phí vào những dịp lễ hội lớn. Đổi mới phương thức tài trợ theo hướng đặt hàng có trọng điểm, ưu tiên những tác phẩm có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao, phản ánh được những vấn đề thời đại, khuyến khích sáng tạo ở những thể loại còn chưa phổ biến như văn học giả tưởng, văn học lịch sử, tiểu thuyết khoa học.
Khuyến khích xã hội hóa trong đầu tư VHNT, tạo điều kiện để khu vực tư nhân tham gia sâu hơn vào việc sản xuất và phát hành các sản phẩm văn hóa, văn nghệ. Nhà nước có thể đưa ra các chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ vốn vay để thu hút doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đầu tư vào xuất bản, điện ảnh, âm nhạc, sân khấu. Ví dụ, tại Hàn Quốc, chính phủ đã thành lập các quỹ hỗ trợ điện ảnh, âm nhạc, giúp thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa trở thành một trong những trụ cột kinh tế quan trọng. Việt Nam cũng có thể học hỏi mô hình này để phát triển mạnh mẽ hơn công nghiệp văn hóa.
Hiện nay, việc sao chép, tán phát trái phép tác phẩm văn học, phim ảnh, âm nhạc trên mạng chưa được kiểm soát chặt chẽ. Cần có chế tài mạnh hơn để xử lý các trang web tán phát nội dung lậu, đồng thời phối hợp với các nền tảng số như YouTube, Facebook, TikTok để bảo vệ quyền lợi của nghệ sĩ; xây dựng cơ chế giám sát và bảo vệ bản quyền chặt chẽ hơn trên nền tảng số. Hiện nay, một số nước đã áp dụng công nghệ blockchain để xác thực quyền sở hữu tác phẩm, ngăn chặn sao chép trái phép. Việt Nam có thể nghiên cứu áp dụng công nghệ này để bảo vệ bản quyền trong xuất bản, âm nhạc, điện ảnh. Cần tạo điều kiện để nghệ sĩ dễ dàng đăng ký bảo hộ quyền tác giả, đơn giản hóa quy trình này, đồng thời xây dựng hệ thống đăng ký bản quyền trực tuyến để giúp nghệ sĩ bảo vệ tác phẩm của mình dễ dàng hơn.
Một số quy định kiểm duyệt hiện nay vẫn còn cứng nhắc, gây khó khăn cho nghệ sĩ trong việc thể hiện những góc nhìn mới mẻ. Do đó, cần cải cách quy trình kiểm duyệt theo hướng minh bạch, rõ ràng hơn. Cần có các hướng dẫn cụ thể về nội dung nào được phép thể hiện, nội dung nào cần điều chỉnh, thay vì áp dụng các quy định chung chung, gây khó khăn trong việc xét duyệt tác phẩm. Xây dựng cơ chế đối thoại giữa cơ quan quản lý và giới nghệ sĩ, giúp nghệ sĩ hiểu rõ hơn về các quy định, đồng thời tạo điều kiện để họ có thể phản biện, góp ý nhằm cải thiện chính sách quản lý. Tạo môi trường khuyến khích thử nghiệm và sáng tạo. Một số nước đã có chính sách hỗ trợ các dự án nghệ thuật thử nghiệm, giúp nghệ sĩ có không gian tự do sáng tạo hơn. Việt Nam có thể học hỏi mô hình này để phát triển các dòng nghệ thuật mới, phản ánh đa dạng hơn đời sống xã hội.
Trong thời đại công nghệ số, việc ứng dụng công nghệ vào phát triển VHNT không chỉ giúp mở rộng thị trường mà còn tạo ra nhiều cơ hội mới cho nghệ sĩ. Để làm được điều này, cần xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa gắn với chuyển đổi số. Hiện nay, ngành xuất bản số, âm nhạc trực tuyến, phim ảnh trên nền tảng số đang phát triển mạnh, nhưng Việt Nam chưa có chiến lược bài bản để hỗ trợ các lĩnh vực này. Cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực sáng tạo nội dung số, tạo điều kiện để các nghệ sĩ dễ dàng tiếp cận công nghệ mới. Ví dụ, Hàn Quốc đã thành lập các quỹ hỗ trợ phim ảnh, giúp nhiều bộ phim nội địa có cơ hội phát hành trên Netflix, Amazon Prime. Việt Nam cũng có thể học hỏi mô hình này để thúc đẩy văn học, điện ảnh phát triển mạnh hơn.
Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể thấy rằng dù đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong xây dựng thể chế, chính sách phát triển VHNT, nhưng vẫn còn những khoảng trống cần được lấp đầy, những rào cản cần được tháo gỡ. Chúng ta cần một chính sách đầu tư mạnh mẽ hơn, không chỉ dừng lại ở hỗ trợ vật chất mà còn là sự đầu tư về tư duy, tầm nhìn, chiến lược phát triển dài hạn.
PGS, TS BÙI HOÀI SƠN, Ủy viên Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội