A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dự báo chỉ hoàn thành 10/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội cả năm 2023

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, 5 chỉ tiêu không đạt đều là những chỉ tiêu "phản ánh chất lượng tăng trưởng" của nền kinh tế.

Giải quyết vấn đề cấp bách

Tại họp báo về Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 sáng 17/9, ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ của năm 2021-2025, đồng thời là năm thứ hai thực hiện chương trình phục hồi và phát triển nền kinh tế.

Ông Hiển nêu rõ, Diễn đàn năm nay giải quyết vấn đề cấp bách - tức là những vấn đề còn tồn đọng của năm 2023 để từ đó nhận diện được các rào cản trong phát triển kinh tế hiện nay.

"Dự báo năm 2023 chỉ hoàn thành 10/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Quốc hội đề ra", ông Hiển nói và nhấn mạnh, 5 chỉ tiêu không đạt lại là những chỉ tiêu "phản ánh chất lượng tăng trưởng" như tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, tỉ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trong GDP…

"Rõ ràng chỉ tiêu không đạt được vừa có tính cấp bách trong ngắn hạn vừa đặt ra vấn đề trong dài hạn", ông Hiển nói và cho biết đây là lý do Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2023 tập trung vào vấn đề tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững.

Kinh tế vĩ mô - Dự báo chỉ hoàn thành 10/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội cả năm 2023

 Ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương trả lời tại họp báo.

Trong 2 kỳ Diễn đàn trước, diễn ra vào các năm 2021, 2022, nhiều kiến nghị, đề xuất đã được nghiên cứu, tổng hợp, đưa vào các nghị quyết của Quốc hội, điều hành của Chính phủ, góp phần tháo gỡ khó khăn trước mắt, đồng thời thúc đẩy các giải pháp phát triển dài hạn của nền kinh tế.

Có thể kể tới Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 6 công trình giao thông quan trọng quốc gia được Quốc hội bấm nút...

Hiện tại, tình hình trong nước, quốc tế đang đối mặt với nhiều thách thức. Đặc biệt, những điểm nghẽn, tồn tại của nội tại nền kinh tế tiếp tục bộc lộ, tăng trường kinh tế có dấu hiệu chậm lại, hoạt động đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng trong nước cũng có dấu hiệu tương tự. Sau hơn 2 năm Covid-19 sức khỏe doanh nghiệp bị bào mòn, giờ lại thêm khó khăn thiếu đơn hàng...

Do đó, theo ông Hiển, việc tháo gỡ điểm nghẽn trước mắt là vô cùng cần thiết, nhưng đặt trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự phát triển của kinh tế số, kinh tế xanh, cần kiến tạo động lực mới cho tăng trưởng mới, các kiến giải, kế sách mới, để giúp chúng ta phục hồi và tăng trưởng bền vững.

Kéo dài giảm thuế VAT kích thích tăng trưởng

Tại họp báo, trả lời về chính sách giảm 2% thuế VAT, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, chính sách này được triển khai giảm từ 10% xuống 8% đến hết năm 2023.

Về việc có tiếp tục kéo dài chính sách này hay không, ông Thanh cho rằng cần phải có tổng kết, đánh giá quá trình triển khai thời gian qua về cả mặt tích cực và hạn chế.

Kinh tế vĩ mô - Dự báo chỉ hoàn thành 10/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội cả năm 2023 (Hình 2).

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trả lời tại họp báo.

"Chính phủ sẽ có báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 vào tháng 10 tới đây về nội dung này, để xem xét có cần thiết kéo dài chính sách giảm thuế VAT hay không", ông Thanh nói.

Trên quan điểm cá nhân, ông Vũ Hồng Thanh cho rằng thị trường nội địa sẽ là động lực tăng trưởng quan trọng trong bối cảnh xuất khẩu có dấu hiệu suy giảm, do đó chính sách giảm thuế VAT có thể xem xét theo hướng kéo dài để kích cầu nội địa.

Nghị quyết 68 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 nêu rõ 15 chỉ tiêu chủ yếu như sau:

Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5%.
GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 USD.
Tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,4 - 25,8%.
Tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4,5%.
Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5,0 - 6,0%.
Tỉ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 26,2%.
Tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 68%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 27,5%.
Tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.
Tỉ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm khoảng 1 - 1,5%.
Số bác sĩ trên 10.000 dân đạt khoảng 12 bác sĩ.
Số giường bệnh trên 10.000 dân đạt khoảng 32 giường bệnh.
Tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,2% dân số.
Tỉ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 78%.
Tỉ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 95%.
Tỉ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 92%


Tác giả: Trong 2 kỳ Diễn đàn trước, diễn ra vào các năm 2021, 2022, nhiều kiến nghị, đề xuất đã được nghiên cứu, tổng hợp, đưa vào các nghị quyết của Quốc hội, điều hành của Chính phủ, góp phần tháo gỡ khó khăn trước mắt, đồng thời thúc đẩy các giải pháp phát triển dài hạn của nền kinh tế.
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...