A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cổ phiếu ngành nào “đắt hàng” nhất thị trường chứng khoán tháng 6?

Giá phân bón và dầu khí tăng mạnh do căng thẳng tại Trung Đông đã trở thành lực đẩy quan trọng khiến dòng tiền trên thị trường chứng khoán dồn về nhóm cổ phiếu hóa chất và dầu khí trong tháng 6/2025.

 

Thị trường chứng khoán tháng 7 kỳ vọng tích cực, nhưng sóng sẽ chọn lọc. Ảnh: VFS

Theo báo cáo vừa được công bố bởi nhóm chuyên gia phân tích thuộc Chứng khoán Nhất Việt (VFS), xu thế tăng giá trên thị trường tiếp tục được củng cố trong tháng 6 khi VN-Index vượt ngưỡng kháng cự mạnh 1.350 điểm, tăng 43,47 điểm, tương đương 3,26% so với cuối tháng 5.

Điểm đáng chú ý là đà tăng không còn phụ thuộc vào một vài cổ phiếu trụ lớn như VIC (Vingroup) hay VHM (Vinhomes). Dòng tiền xoay vòng đã tìm đến nhiều mã cổ phiếu khác trong rổ VN30 như TCB (Techcombank), CTG (Vietinbank,) MSN (Masan)… giúp chỉ số nhóm này tăng 3,78%.

Trong khi đó, thanh khoản thị trường lại có dấu hiệu chững lại. Giá trị giao dịch trung bình một phiên trong tháng 6 đạt khoảng 17.100 tỷ đồng, giảm 4% so với tháng trước. Hầu hết các phiên giao dịch đều ghi nhận thanh khoản thấp hơn mức trung bình 20 phiên, phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trong bối cảnh thiếu thông tin hỗ trợ mới.

Về nhóm ngành, báo cáo của VFS cho thấy cổ phiếu hóa chất và dầu khí là hai điểm đến “hút tiền” nhất trong tháng. Tăng giá mạnh của phân bón và dầu thô do xung đột tại Trung Đông đã khiến nhiều mã trong nhóm này bứt phá. Cụ thể, các cổ phiếu như OIL (PV OIL), PLX (Petrolimex), PVS (PTSC), DDV (DAP - Vinachem), PHR… đều tăng trên 10%, vượt xa hiệu suất chung của thị trường.

Ngoài hai nhóm dẫn sóng trên, dòng tiền cũng luân chuyển sang các nhóm ngân hàng, bất động sản, bán lẻ và chứng khoán phản ánh chiến lược phân hóa mạnh mẽ theo triển vọng kết quả kinh doanh quý II của nhà đầu tư.

Bước sang tháng 7, VFS lưu ý nhà đầu tư cần theo sát các sự kiện có thể tác động đến thị trường như: Mỹ dự kiến công bố mức thuế đối ứng mới, báo cáo kinh doanh quý II/2025 bắt đầu lộ diện, và diễn biến chính sách tiền tệ trong nước khi Ngân hàng Nhà nước nối lại hoạt động hút tiền qua kênh tín phiếu sau 4 tháng tạm ngưng.

Mặc dù chỉ số USD (DXY) tiếp tục giảm, tỷ giá USD/VND vẫn đang neo ở mức cao, tạo áp lực lên dòng vốn ngắn hạn. Tuy nhiên, xét theo dữ liệu quá khứ, VN-Index từng ghi nhận tăng điểm trong 7/10 năm gần nhất vào tháng 7. Do đó, kỳ vọng thị trường giữ được đà tích cực là có cơ sở.

VFS đưa ra hai kịch bản cho tháng 7. Trong trường hợp tích cực, VN-Index có thể tiến lên vùng 1.400 điểm nếu lực cầu được cải thiện và dòng tiền tiếp tục lan tỏa. Ngược lại, nếu áp lực chốt lời gia tăng, chỉ số có thể dao động trong biên độ 1.310 -1.370 điểm, phù hợp với chiến lược giao dịch theo biên của nhà đầu tư lướt sóng.

“Nhà đầu tư có thể tham gia giải ngân ở những cổ phiếu xuất hiện tín hiệu tiếp diễn xu thế tăng giá hoặc bứt phá khỏi vùng nền tích lũy”, chuyên gia VFS khuyến nghị.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...