A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Căng thẳng Trung Đông leo thang, chứng khoán có trồi sụt?

Theo các chuyên gia, thị trường chứng khoán trong nước và thế giới tuần cuối tháng 6/2025, có thể chịu tác động đến từ căng thẳng Trung Đông đang leo thang, các hợp đồng tương lai trên thị trường Mỹ giảm mạnh và giá dầu bật tăng sau khi Mỹ không kích Iran.

Thị trường chứng khoán nhiều biến động giữa căng thẳng Trung Đông. Ảnh: A.I

Trong bối cảnh này, nhà đầu tư được khuyến nghị chỉ nên cân nhắc giải ngân ở các nhịp điều chỉnh, rung lắc, ưu tiên vẫn là các nhóm cổ phiếu duy trì xu hướng tăng ngắn hạn, có câu chuyện hỗ trợ rõ ràng và ít chịu tác động từ rủi ro thuế quan.

Thị trường “nóng” theo căng thẳng Trung Đông

Căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông đang tác động đáng kể đến tâm lý thị trường tài chính toàn cầu. Theo nhóm chuyên gia của MBS Research, thị trường cổ phiếu thế giới đã tuột khỏi các mức đỉnh gần đây. Tại châu Âu, chỉ số đo lường biến động cổ phiếu tăng lên mức cao nhất trong vòng hai tháng, cho thấy tâm lý bất ổn lan rộng khi các thị trường khu vực đồng loạt giảm điểm.

Đáng chú ý, ngay cả trái phiếu Chính phủ, vốn được coi là nơi trú ẩn an toàn khi rủi ro địa chính trị gia tăng, cũng bị bán tháo. MBS nhận định các yếu tố như chính sách thuế quan của Mỹ, căng thẳng leo thang tại Trung Đông và sự thiếu ổn định của đồng USD đang khiến triển vọng chính sách tiền tệ toàn cầu và diễn biến lạm phát trở nên khó đoán định hơn.

Trong bối cảnh đó, rủi ro từ Trung Đông đang đặc biệt được chú ý, nhất là khả năng Iran đóng cửa Eo biển Hormuz, tuyến hàng hải chiến lược vận chuyển khoảng 25% sản lượng dầu thô và 1/3 khí hóa lỏng (LNG) toàn cầu. Lo ngại về gián đoạn nguồn cung năng lượng, lạm phát gia tăng và nguy cơ suy thoái đang phủ bóng Phố Wall.

Tại thị trường trong nước, chỉ số VN-Index tuần trước đã vượt đỉnh, đạt mức cao nhất trong ba năm. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường lại không đồng pha với diễn biến chỉ số. So với giai đoạn cuối tháng 5 và đầu tháng 6/2025, khi VN-Index dao động quanh vùng 1.350 điểm, thanh khoản tuần qua đã giảm hơn 10%, xuống dưới mức 25.500 tỷ đồng. Hoạt động cơ cấu danh mục của các quỹ ETF cũng không kéo thêm dòng tiền mới vào thị trường.

Một điểm đáng chú ý khác là độ rộng thị trường không ủng hộ xu hướng tăng. Dù chỉ số chung vượt đỉnh, chỉ một số nhóm cổ phiếu theo kịp đà tăng như ngân hàng, bất động sản, thủy sản… Trong khi đó, nhiều nhóm ngành vẫn cách xa đỉnh cũ, như cổ phiếu Vingroup giảm 10,7%, logistics giảm 7,9%, chứng khoán giảm 4,2%. Điều này cho thấy sự phân kỳ về kỹ thuật đang hiện diện.

Về mặt chính sách, giới đầu tư đang theo sát mốc thời gian 9/7, thời hạn chốt cho các quyết định về thuế quan của Mỹ. Theo dự báo của Nomura Holdings, Mỹ có thể áp mức thuế đối ứng trung bình 15,5% với hàng hóa từ Đông Nam Á. Cụ thể, hàng Việt Nam và Thái Lan có thể chịu mức thuế lần lượt 24,3% và 20%, trong khi hàng hóa từ Singapore và Philippines có thể ở mức 10%.

Trong kịch bản tích cực, nếu mức thuế đối ứng với Việt Nam dưới ngưỡng trung bình 15,5%, thị trường có thể phản ứng nhẹ hơn. Tuy nhiên, các kịch bản bất lợi, gồm leo thang căng thẳng Trung Đông và áp lực thuế quan, đều có thể tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư trong ngắn hạn.

Theo dự báo của MBS Research, trong kịch bản cơ sở, thị trường có thể điều chỉnh về vùng hỗ trợ tâm lý 1.300 điểm. Nếu căng thẳng địa chính trị hoặc chính sách thuế quan diễn biến xấu, vùng hỗ trợ tiếp theo được xác định là 1.270 - 1.280 điểm.

Chiến lược giao dịch nào giữa biến động địa chính trị?

Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông tiếp tục chi phối thị trường, giới phân tích khuyến nghị nhà đầu tư nên thận trọng, ưu tiên các nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ biến động giá hàng hóa. Cụ thể, nhóm dầu khí, phân bón, vận tải biển và logistics được đánh giá có khả năng hưởng lợi nếu giá nhiên liệu tiếp tục tăng.

Ông Đinh Quang Hinh, chuyên gia của Chứng khoán VnDirect, nhận định bước sang tuần giao dịch cuối tháng 6, thị trường sẽ tiếp tục kiểm định lực cung tại vùng đỉnh quanh 1.350 điểm. Nếu VN-Index giữ vững mốc này, đà tăng ngắn hạn có thể được củng cố, mở ra kỳ vọng hướng đến vùng 1.380 - 1.400 điểm.

Tuy vậy, theo ông Hinh, nhà đầu tư cần duy trì trạng thái danh mục cân bằng trong bối cảnh nhiều yếu tố rủi ro vẫn hiện hữu, đặc biệt là khả năng căng thẳng Trung Đông leo thang thành xung đột khu vực. “Quản trị rủi ro vẫn là yếu tố then chốt. Nhà đầu tư có thể ưu tiên nắm giữ các nhóm cổ phiếu có thanh khoản tốt và triển vọng kinh doanh ổn định như bán lẻ, công nghệ và bất động sản”, ông Hinh khuyến nghị.

Trong khi đó, Chứng khoán Asean (AseanSC) đánh giá VN-Index có thể hướng đến vùng kháng cự 1.365 - 1.370 điểm, nhưng điều kiện để duy trì đà tăng là thanh khoản cần được cải thiện. Sau khi vượt mốc 1.350 điểm, khu vực này hiện trở thành vùng hỗ trợ quan trọng cho chỉ số.

“Nhà đầu tư ngắn hạn chỉ nên tăng tỷ trọng cổ phiếu tại các nhịp điều chỉnh, tập trung vào các nhóm đang có yếu tố hỗ trợ và ít chịu tác động từ rủi ro thuế quan, bao gồm: ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, bán lẻ và đầu tư công”, báo cáo AseanSC nêu.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...