Gia Lai: Độc đáo nghi lễ Tết ăn con dúi, xua đuổi dịch bệnh của người Ba Na
Nghi lễ ăn con dúi được người dân đồng bào Ba Na ở xã Kon Pne, huyện Kbang (Gia Lai) duy trì suốt nhiều thế hệ, đây cũng là lễ hội lớn nhất của bà con nơi đây. Nghi lễ được tổ chức nhằm cầu xin Yàng phù hộ cho mùa màng bội thu, người dân trong làng khoẻ mạnh, xua đuổi dịch bệnh.
Xuyên rừng săn dúi
Xã Kon Pne cách trung tâm TP Pleiku chừng 250km, được xem là xã xa nhất của tỉnh Gia Lai. Xã được bao phủ bởi những cánh rừng tự nhiên thuộc vườn Quốc gia Kon Ka Kinh nên còn được gọi là “ốc đảo” Kon Pne. Nhiều đời nay, người dân đồng bào Ba Ba ở xã Kon Pne đã duy trì nghi lễ Tết ăn con dúi vào dịp cuối năm suốt nhiều thế hệ.
Tết ăn con dúi được xem là lễ hội lớn nhất trong năm của bà con. Theo đó, Tết ăn con dúi thường được người dân xã Kon Pne tổ chức trước Tết Nguyên đán gần 1 tháng.
Trước khi tổ chức, người dân trong các làng Kon Ktonh Kon Hleng, Kon Kring, thuộc xã Kon Pne sẽ họp riêng để bàn bạc tổ chức và định ngày tổ chức Tết ăn con dúi tại nhà rông. Sau đó, thanh niên trong làng chuẩn bị cuốc, thuổng lên rừng từ sáng sớm để đi săn dúi. Để săn được con dúi béo, to lớn thì các nhóm thanh niên thường phải đi vào những cánh rừng sâu, hiểm trở.
Năm nào cũng vậy, đến hẹn lại lên anh A Uôt (làng Kon Ktonh) cùng khoảng 5 thanh niên trong làng sẽ mang theo gạo đi xuyên rừng khoảng vài ngày để săn dúi. Mục đích của nhóm là bắt từ 7 đến 10 con dúi cho làng thực hiện nghi lễ. Sau nhiều giờ đồng hồ trèo đèo, lội suối, nhóm của A Uôt đã phát hiện những dấu chân dúi dẫn đến hang, nằm sau lụm tre già.
Anh A Uôt chia sẻ: “Loài gặm nhấm này thường làm nơi trú ẩn dưới các đám tre hoặc sản, lúa rẫy của người dân. Dúi thường sống trong hang đất hay khoét sâu dưới những bụi rậm, ngách đá trú ẩn. Loài dúi thường đi ăn đêm nên ban ngày rúc vào hang và ủi đất lấp miệng hang để ẩn mình nghỉ ngơi. Còn nếu không có lớp đất đùn ở cửa hang thì có nghĩa là chúng đã bỏ đi nơi khác”.
Vừa nói, chàng thanh niên vừa dùng cuốc phát dọn cây cối xung quanh để tìm cửa hang của dúi. Sau gần 30 phút hì hục đào sâu xuống lòng đất, nhóm của anh Uôt đã bắt được con dúi nặng hơn 5 lượng.
Sau khi bắt được con dúi đầu tiên, nhóm thanh niên tiếp tục chia nhỏ thành tốp 2 người, tỏa ra cánh rừng già để tìm dúi. Một số thanh niên khác thì đi kiểm tra các bẫy dúi đã đặt từ ngày nước.
Tết ăn con dúi của người Ba Na ở “ốc đảo” Kon Pne
Tết 2025, nghi lễ này được diễn ra đầu tiên ở làng Kon Ktonh, sau đó các làng Kon Hleng và Kon Kring sẽ tổ chức tiếp. Để tổ chức nghi lễ, mỗi gia đình trong được chọn làm lễ sẽ góp từ 1 đến 2 con dúi và rượu ghè, thịt, nếp thơm…
Khi đã chuẩn bị đầy đủ lễ vật, những người phụ việc trong làng sẽ buộc con dúi vào cây le. Phía trên đầu có 1 ngọn nến làm từ sáp ong, với ý nghĩa để “rọi sáng cho ông bà thấy lối về”, “dẫn đường” cho hạt lúa về đến từng nhà, mùa màng thuận lợi, xua đuổi tà ma, bệnh tật.
Nghi lễ Tết ăn dúi được già làng và bà con tổ chức một cách trang nghiêm. Sau nghi thức cúng của già làng, tất cả người dân trong làng thắp nến cầu nguyện, mong những điều tốt lành sẽ đến với gia đình và dân làng. Dân làng cầu mong mùa màng bội thu, lúa thóc đầy kho, mọi gia đình đều ấm no, hạnh phúc.
Già làng A Hing cho biết: “Dúi là con vật hiền lành, không phá hoại mùa màng, chỉ ăn rễ cây ở trên rừng xanh. Con vật này cũng biểu tượng cho sự cần cù, siêng năng và no ấm. Nhiều đời nay, dân làng xã Kon Pne duy trì Tết ăn con dúi để mong mọi điều tốt lành và thể hiện tình đoàn kết, trên dưới đồng lòng.
Nghi lễ cũng muốn giáo dục con cháu nhớ đến cội nguồn, tổ tiên gia đình và buôn làng. Bên cạnh đó phải đoàn kết, chăm chỉ làm việc để có được một cuộc sống no ấm, đầy đủ và hạnh phúc”.
Trải qua một đêm cúng ở nhà rông, dân làng cùng hạ vật tế xuống và chia thịt cho mọi người quây quần uống rượu ghè, trò chuyện cùng khách phương xa. Dân làng cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, từ đó tình đoàn kết giữa các thành viên trong cộng đồng làng càng thêm keo sơn, gắn bó. Ngôi nhà rông cũng rộn ràng, ấm cúng bởi tiếng nói cười, tiếng cồng chiêng.