Linh cẩu đốm xuất hiện ở Ai Cập lần đầu sau 5.000 năm
Các nhà khoa học vừa ghi nhận lần đầu tiên trong 5.000 năm, một con linh cẩu đốm được phát hiện ở đông nam Ai Cập, gây bất ngờ lớn cho cộng đồng nghiên cứu.
Nhà sinh thái học Abdullah Nagy từ Đại học Al-Azhar cho biết ban đầu ông không tin nổi sự việc cho đến khi kiểm tra ảnh và video bằng chứng về hài cốt của con vật. "Khi nhìn thấy bằng chứng, tôi hoàn toàn sửng sốt. Đây là điều vượt xa mọi dự đoán về hệ sinh thái ở Ai Cập", ông chia sẻ.
Con linh cẩu, loài vốn phổ biến ở vùng cận Sahara châu Phi, được người dân địa phương bắt và giết tại Wadi Yahmib, cách biên giới Ai Cập - Sudan khoảng 30 km. Vị trí này nằm xa khoảng 50 km về phía bắc so với phạm vi sinh sống đã biết của loài ở Sudan.
Con linh cẩu vừa được phát hiện đã bị giết sau khi tấn công và giết chết hai con dê của người dân địa phương trong Khu bảo tồn Elba, một công viên quốc gia.
Các nhà nghiên cứu cho rằng hiện tượng thời tiết hiếm gặp, liên quan đến Rãnh Biển Đỏ, có thể đã tạo ra hành lang di cư mới. Rãnh này, một dải áp suất thấp kéo dài từ Biển Đỏ, thường mang theo gió mạnh và mưa lớn, gây ra sự phát triển thực vật bất thường ở khu vực biên giới Ai Cập - Sudan trong vài năm qua.
Phân tích hình ảnh vệ tinh lịch sử cho thấy khu vực này đã chứng kiến mức độ phát triển thực vật cao hơn trong vòng 5 năm qua, đủ điều kiện để hỗ trợ các loài động vật ăn cỏ và từ đó thu hút loài linh cẩu đốm.
Theo ông Nagy, sự thay đổi môi trường ở khu vực này đã tạo điều kiện thuận lợi cho linh cẩu di chuyển xa hơn về phía bắc. Tuy nhiên mục đích chính của hành trình này vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải và đòi hỏi nghiên cứu sâu hơn.
Linh cẩu đốm, một loài ăn thịt sống theo bầy đàn, có khả năng di chuyển đến 27 km mỗi ngày, thường theo sau các đàn gia súc di cư do con người chăn dắt.
Những phát hiện này không chỉ làm thay đổi hiểu biết của chúng ta về phạm vi phân bố của linh cẩu đốm, mà còn nêu bật tác động của biến đổi khí hậu khu vực đến mô hình di cư của động vật.
Theo nhóm nghiên cứu, những thay đổi môi trường đang mở ra các hành lang di cư mới, đồng thời đặt ra thách thức lớn trong việc bảo tồn các loài động vật hoang dã khi hệ sinh thái không ngừng biến đổi.
Ngọc Ánh (theo Newsweek, IFL Science)