Họa sĩ Hùng Khuynh: Hành trình từ hiện thực đến trừu tượng, từ truyền thống đến hiện đại
Hơn 4 thập kỷ theo đuổi nghệ thuật, họa sĩ Hùng Khuynh được biết đến với những tác phẩm hội họa giàu tính dân gian. Tuy nhiên, so với nhiều đồng nghiệp, ông ít xuất hiện trong các triển lãm cá nhân cũng như triển lãm nhóm. Lần này, ông mang đến triển lãm mới nhất của mình 50 bức sơn mài, phần nhiều là những tác phẩm chưa từng công bố.
Sơn mài, như một nhân duyên
Họa sĩ Hùng Khuynh chia sẻ rằng, triển lãm bộ sưu tập sơn mài của ông lần này có thể coi như một sự kiện đánh dấu hành trình hơn 40 năm lao động nghệ thuật của mình.
Trải qua gần một thế kỷ, từ kỹ thuật sơn mài truyền thống được các họa sĩ sử dụng như một chất liệu sáng tác, chất liệu này đã có nhiều biến đổi để phù hợp với trào lưu sáng tác và bối cảnh nghệ thuật đương thời. Sơn mài có những lợi thế và vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác để họa sĩ tiếp tục khám phá, thể nghiệm. Theo họa sĩ Hùng Khuynh, mỗi người đều có sự lựa chọn và cách tiếp cận riêng để đến với nghệ thuật và thực hành nghệ thuật. Với cá nhân ông, việc đến với chất liệu sơn mài như một nhân duyên.
Ngay từ thơ ấu, ở vùng biển quê ông, ngư dân đã sử dụng nhiều loại ngư cụ, thuyền bè làm từ sơn ta. Từ rất bé, ông đã tiếp xúc với hoành phi, câu đối, tượng Phật trong đình chùa, đã cảm nhận được đó là những thứ rất đẹp. Thế nhưng, khi vào học Đại học Mỹ thuật, Hùng Khuynh lại ghi danh vào chuyên ngành đồ họa.
Suốt 5 năm chương trình đại học, sơn mài không được dạy nhiều, chàng sinh viên trẻ chỉ được xem các bạn làm chứ chưa được thực tế thử qua. Đến khi ra trường, nhiều người học chuyên ngành sơn mài phải bỏ nghề thì Hùng Khuynh lại “bập” vào và ngay lập tức bị chất liệu kỳ lạ này cuốn hút. Thế rồi, khi đồng nghiệp đang mải kiếm sống bằng các chất liệu khác, năm 1996, Hùng Khuynh đã gây sốc khi bán được bức tranh sơn mài với giá 13.000 USD - số tiền rất lớn lúc bấy giờ.
Thành công đầu tay ấy đã khích lệ Hùng Khuynh đi sâu vào chất liệu sơn mài. Càng tìm hiểu, khám phá, ông càng bị mê hoặc bởi sự ảo diệu, kỳ thú của nó. Và ông phát hiện ra, các sáng tác được lấy cảm hứng từ dân gian thì không gì phù hợp bằng việc thể hiện chúng qua chất liệu sơn mài. “Sơn mài giúp nghệ sĩ chuyển tải được tình cảm, tinh thần và tâm hồn người Việt. Chất liệu này không chỉ mang lại chiều sâu về thị giác mà còn chứa đựng tầng tầng ý nghĩa, tạo nên sự đối thọai giữa các thời đại và ý niệm”, họa sĩ Hùng Khuynh cho biết.
Sơn mài giúp họa sĩ Hùng Khuynh thoả sức sáng tạo, vậy nên dù đã “thử” qua tranh giấy, lụa, sơn dầu nhưng sau này ông gần như chỉ sáng tác trên nền chất liệu này. Những tác phẩm của ông tại triển lãm có đề tài rất phong phú. Từ phong cảnh, chân dung, phụ nữ… cho đến trừu tượng, nhưng điểm chung lớn nhất ở các tác phẩm mà ai cũng có thể nhận ra, đó là cảm hứng sáng tác lấy từ chất liệu văn hóa dân gian.
Thế giới trong tranh của họa sĩ Hùng Khuynh là đình chùa miếu mạo, là hoành phi câu đối, là những nghi trượng điện thờ, là những nhân vật được tạo hình từ sân khấu tuồng, chèo; là câu chuyện về lễ hội, phong tục và cả những câu ca dao, hò vè... Ông sử dụng nhiều nét và mảng, đó là ảnh hưởng từ phong cách đồ họa đã được học, nhưng cũng là cách mà các cụ hay dùng ở tranh dân gian Đông Hồ hay Kim Hoàng. Bởi vậy, đến với triển lãm, người xem như bị cuốn theo những mảng màu tươi sáng, những hình bóng gợi nhớ tuổi thơ và một miền quê ẩn giấu nhiều truyền thống.
“Từ cội nguồn dân gian, tôi tìm về những giá trị văn hoá đã được khắc sâu trong tâm hồn của dân tộc qua bao thế hệ. Dân gian không chỉ là quá khứ mà còn là dòng chảy sống động qua từng nét vẽ, từng lớp màu. Chất liệu tôi chọn trong hành trình này chính là sơn mài truyền thống, chất liệu đã cùng người Việt Nam ghi dấu lịch sử trong văn hoá, nghệ thuật từ thuở xa xưa”, họa sĩ Hùng Khuynh chia sẻ.
Nghệ thuật không thoát ly hiện thực
Theo họa sĩ Hùng Khuynh, triển lãm có tên “Từ hiện thực đến trừu tượng, từ truyền thống đến hiện đại” nói lên sự chiêm nghiệm về quãng thời gian hoạt động nghệ thuật hơn 40 năm và đây chính là triết lý làm nghệ thuật của ông. Người xem triển lãm có thể nhận ra, tuy khai thác chất liệu dân gian nhưng tranh của Hùng Khuynh không hề xưa cũ, ngược lại, chúng được thể hiện mới mẻ và đầy sáng tạo. Còn đồng nghiệp nhận xét rằng, chất hiện thực, chất dân gian thấm đẫm trong các sáng tác của họa sĩ Hùng Khuynh, từ chất liệu, đề tài, nội dung cho đến cách thể hiện.
Tuy nhiên, triển lãm lần này còn cho thấy một Hùng Khuynh khác với những tác phẩm sơn mài phong cách trừu tượng. Tự nhận mình không phải là nhà nghiên cứu để tìm hiểu phong cách nghệ sĩ, nhưng Hùng Khuynh cho biết, khi xem những tác phẩm sơn mài trừu tượng của các họa sĩ đi trước, ông vẫn cảm thấy thiêu thiếu một thứ gì đó khiến bức tranh chưa đủ sức hấp dẫn.
Chính vì thế, ông buộc phải lấy cảm hứng từ dân gian và ông muốn đi đến tận cùng của trừu tượng. Dễ hiểu rằng, với tâm thế ấy, những bức tranh trừu tượng của Hùng Khuynh vẫn đầy ắp trong nó chất dân gian như hình trang trí thổ cẩm, những chiếc đàn tỳ bà hay hình tượng rồng Việt uốn lượn cách điệu, các họa tiết sóng, mây… Như Hùng Khuynh tự bạch, mỗi lớp sơn, mỗi đường nét, mỗi ánh sắc vàng, son hay then trong tác phẩm của ông đều mang trong mình câu chuyện của dân tộc, nhưng cũng phản chiếu sự phức tạp, đa chiều của đời sống đương đại.
“Trừu tượng đối với tôi không đơn giản là người nghệ sĩ ngẫu hứng vẽ ra một thứ bằng cảm xúc, một vài mảng màu, đường nét; không phải chỉ là việc mơ tưởng đến một cái gì đó viển vông, đẹp mắt mà thoát ly hiện thực. Ngược lại, trừu tượng chính là hiện thực, là thứ hiện hữu trong đời sống của chúng ta, nó biến ảo đi và trở thành cái siêu hình. Nhưng cuối cùng, trừu tượng lại quay trở về với hiện thực; cũng như sự hiện đại phải bắt nguồn từ truyền thống và cuối cùng cũng quay trở lại với truyền thống”, họa sĩ Hùng Khuynh nói.
Chia sẻ thêm, họa sĩ Hùng Khuynh cho biết, nghệ thuật đối với ông là hành trình không ngừng nghỉ. Ở đó, ông giống như một người lữ hành, không đi lướt qua những thứ mình nhìn thấy mà còn muốn khám phá những ý nghĩa ẩn sâu đằng sau nó.
Theo họa sĩ, Tiến sĩ mỹ học Nguyễn Thế Hùng, suốt bốn thập niên, họa sĩ Hùng Khuynh đã kế thừa và sáng tạo thêm những phương thức biểu hiện mới trong chất liệu, phát triển thêm kỹ thuật để tạo nên những tác phẩm sơn mài hoành tráng và rực rỡ, truyền tải tinh thần và triết lý độc đáo của riêng mình trong khi vẫn giữ nguyên vẹn vẻ đẹp của các giá trị truyền thống. “Tôi cho rằng đây là một diện mạo đáng chú ý của hội họa Việt Nam. Lâu lắm rồi giới mỹ thuật mới có một triển lãm tranh sơn mài quy mô và đầy đủ quy cách như vậy”, họa sĩ Nguyễn Thế Hùng đánh giá.
Thế Vũ