A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sóng nhiệt chết chóc khiến châu Âu không kịp trở tay

Vốn là khu vực thường gặp thời tiết giá rét, châu Âu giờ đây cần một sự thay đổi quy mô lớn để thích nghi với những đợt nắng nóng kỷ lục.

Châu Âu đã bị động trước đợt nắng nóng kỷ lục. Điều đó có thể nhìn thấy ở số ca tử vong - với hơn 2.000 người chết ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, và con số này sẽ tăng khi những nước như Anh, Pháp, Bỉ hay Hà Lan công bố dữ liệu về đợt nắng nóng mới nhất.

Nắng nóng khiến tình hình kinh tế, đặc biệt ở lĩnh vực năng lượng, giao thông và công nghệ đều gặp khó khăn khi nhiệt độ vượt mức 40 độ C.

"Hàng trăm sinh mạng đã chết vô ích trong các đợt nắng nóng", Maarten van Aalst, Giám đốc trung tâm khí hậu của Hội Chữ thập đỏ, nói.

Chính phủ các nước châu Âu được cho là đã không có kế hoạch đầy đủ để ứng phó với nắng nóng. Theo luật EU, mỗi quốc gia thành viên được yêu cầu phải báo cáo cụ thể ngân sách chi cho việc "thích ứng khí hậu". Tuy vậy, Politico cho biết có 20/27 thành viên chỉ đưa ra những kế hoạch hạn chế, thiếu chiều sâu.

"Họ đơn giản là không có kế hoạch", theo Wouter Vanneuville, chuyên gia nghiên cứu về thích ứng biến đổi khí hậu tại Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA).

Phản ứng chậm

Nắng nóng là thiên tai gây chết chóc nhất ở châu Âu. Trong 4 thập niên qua, khoảng 76.000-128.000 người đã thiệt mạng vì nắng nóng, theo EEA.

Nhưng số liệu các ca tử vong do nắng nóng thời gian này không tập trung ở Tây Ban Nha hay Italy - những nơi vốn có nhiệt độ cao - mà là Đức.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chưa đến một nửa quốc gia EU có kế hoạch y tế trước tác động của nắng nóng, trong khi những thành viên còn lại không phân bổ ngân sách đầy đủ để đối phó với thời tiết cực đoan này.

"Sự đối lập giữa mức độ nguy hiểm và tốc độ hành động (của châu Âu) là một hạn chế", Martin Herrmann, Giám đốc Liên minh Bảo vệ Khí hậu và Sức khỏe (Đức), cho biết. "Chúng tôi không biết điều gì sẽ đến, và chúng tôi đã không chuẩn bị".

Một vài nước đã hành động sau đợt nắng nóng chết chóc vào năm 2003. Là quốc gia có gần 15.000 người chết do nắng nóng khi đó, Pháp đã tăng cường cảnh báo và bảo vệ người dân. Giới chức địa phương cũng lưu thông tin những người dễ tổn thương để có thể sớm liên lạc khi những đợt nắng nóng ập đến.

Trực thăng lấy nước để dập lửa ở Tây Ban Nha hôm 21/7. Ảnh: Reuters.

Trực thăng lấy nước để dập lửa ở Tây Ban Nha hôm 21/7. Ảnh: Reuters.

Những chính sách như vậy có thể giảm tỷ lệ tử vong, song mỗi nước lại có mức độ chuẩn bị khác nhau. Sau 5 năm kể từ khi bộ Môi trường Đức ra hành động ứng phó với nắng nóng, khảo sát dựa trên 300 quan chức địa phương nước này cho thấy 80% người nói rằng chưa được thông báo về các quy trình cụ thể. Đất nước chưa chuẩn bị đối phó với cháy rừng quy mô lớn và nhiều như hiện nay. Chỉ riêng ở Bắc Rhine - Westphalia đã xảy ra 11 vụ cháy rừng trong 4 ngày.

Ngoài ra, đội cứu hỏa tại Đức gặp trở ngại về thủ tục hành chính khi mất nhiều giờ để giới chức khu vực thông qua các quy trình điều trực thăng dập lửa. So sánh với Hy Lạp, nước này đã điều 15 máy bay chỉ sau 26 phút ghi nhận vụ cháy ở Athens, theo tờ Kathimerini.

Bén lửa vào nền kinh tế

Kinh tế cũng trở thành động lực để các nước phải thích ứng với nắng nóng. Ở nhiều nước châu Âu, nắng nóng khiến nhiều hạ tầng hư hại do nhiệt độ cao, mặt đường bị nứt hay đường ray biến dạng đã khiến giao thông ở những nước như Anh, Hà Lan hay Italy ngưng trệ.

Ngay cả không gian mạng cũng không thoát khỏi tác động từ nắng nóng. Nền tảng đám mây của Google hay Oracle đều gặp "sự cố" với hệ thống tản nhiệt của máy chủ ở Anh tuần này, khi Oracle cho biết nguyên nhân đến từ "nhiệt độ cao bất thường".

Trong khi đó, các trung tâm dữ liệu châu Âu, nơi xử lý các hoạt động truy cập website mỗi ngày, phải vật lộn để đảm bảo hệ thống làm mát vào giờ cao điểm. Đó là một trong những nguyên nhân một số trung tâm dữ liệu của các tập đoàn công nghệ được đặt ở miền Bắc và cạnh nguồn nước để có thể làm mát máy chủ.

Giờ đây, khi nắng nóng lan rộng, các công ty công nghệ phải tìm giải pháp đảm bảo hệ thống tản nhiệt hoạt động tốt trước cái nóng gay gắt hơn trong tương lai, trong khi giám sát lượng nước sử dụng - tài nguyên ngày càng khan hiếm.

Hàng trăm con cá chết ở Áo sau khi nắng nóng làm bốc hơi hồ Zicksee. Ảnh: AP.

Hàng trăm con cá chết ở Áo sau khi nắng nóng làm bốc hơi hồ Zicksee. Ảnh: AP.

Thay đổi cơ sở hạ tầng thành phố để thích nghi với nắng nóng cũng sẽ tốn nhiều chi phí. Với khí hậu lạnh ở phía bắc châu Âu, nhiều ngôi nhà được thiết kế để giữ nhiệt, và không có điều hòa. Tỷ lệ nhà có máy lạnh ở Tây Ban Nha nhiều hơn gấp 4 lần tại Pháp, trong khi tại Anh, chỉ 20% hộ gia đình lắp điều hòa.

Trồng nhiều cây xanh, thay đổi các quy chuẩn xây dựng và sử dụng vật liệu chống chọi được cả nóng và lạnh sẽ là những giải pháp để các thành phố thích ứng với thời tiết sẽ nóng hơn trong tương lai.

Thay đổi tư duy

Bên cạnh giới lãnh đạo, đối phó với nắng nóng hiệu quả hay không còn nằm trong tư duy người châu Âu. Dù những cơ quan khí tượng liên tục phát cảnh báo về mối đe dọa do nắng nóng kỷ lục, nhiều gia đình vẫn chuẩn bị các buổi tiệc nướng và hoạt động vui chơi cho kỳ nghỉ hè.

"Đây là vấn đề hóc búa, vì nhiều người cho rằng nắng nóng có thể kiểm soát", ông van Aalst nói. Một số phương tiện truyền thông tại Anh gắn mác "yếu đuối" khi nhiều bên bắt đầu lo ngại cho nhóm người dễ tổn thương.

Tại Đức, ngay với những nơi như nhà trẻ hay viện dưỡng lão cũng không coi nhiệt độ cao là mối đe dọa. Không nơi nào tại bang Bavaria đưa ra kế hoạch ứng phó với nắng nóng trong tuần này.

"36 độ C, và trường học vẫn tổ chức các cuộc thi thể thao cho đến khi họ bất ngờ khi thấy những đứa trẻ ngất xỉu", ông Hermann nói. "Chúng ta vẫn chưa nhận thức đúng về mối nguy từ nắng nóng".


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết