Xứng đáng là đầu tàu kinh tế
Làm nên một đô thị đặc biệt thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) năng động, sáng tạo, đầu tàu kinh tế, trung tâm văn hóa - khoa học công nghệ của cả nước, bên cạnh sự lãnh đạo, chỉ đạo của hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, sự đồng lòng, chung sức của người dân còn phải kể đến sự đóng góp rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp (DN), đội ngũ doanh nhân.
Vai trò dẫn dắt
Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khẳng định: Thành phố (TP) tiếp tục là động lực, đầu tàu, dẫn dắt trong vai trò của một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục - đào tạo của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.
Sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM luôn có sự đồng hành và đóng góp hết sức quan trọng của cộng đồng DN và đội ngũ doanh nhân. (Ảnh: Lãnh đạo TP.HCM lắng nghe các DN “hiến kế” tại Diễn đàn kinh tế năm 2023). |
Lãnh đạo Đảng, Quốc hội và Chính phủ luôn khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của TP. Vào ngày 23/9/2022, khi làm việc với cán bộ chủ chốt của TP.HCM, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, TP là một địa bàn chiến lược cực kỳ quan trọng, nhiều lần anh hùng, Thành phố duy nhất của cả nước được vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh; một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, biểu tượng của sự năng động, sáng tạo, đổi mới và luôn gợi nên niềm tin yêu, trìu mến trong đồng bào cả nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài, được bạn bè quốc tế nể trọng.
Năm 2021, do đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư, lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ kinh tế TP tăng trưởng âm tới 6,78% nhưng sau đó hoạt động sản xuất kinh doanh đã nhanh chóng phục hồi, tăng trưởng trở lại mạnh mẽ và vững chắc hơn. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ... của TP tiếp tục phát triển và có nhiều tiến bộ.
Vừa qua, tại Diễn đàn kinh tế TP.HCM năm 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết: TP là địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước, đóng góp khoảng 1/5 GDP, hơn 1/4 thu ngân sách quốc gia, dẫn đầu cả nước về thu hút FDI và xuất nhập khẩu, số DN đang hoạt động chiếm gần 30% cả nước.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cũng đánh giá: TP là đô thị đặc biệt, là cực tăng trưởng kinh tế quan trọng, đóng góp ngân sách quốc gia lớn, có năng suất lao động cao nhất; ngoài ra, là trung tâm dịch vụ và công nghiệp lớn và là địa phương có số lượng doanh nghiệp hoạt động lớn nhất cả nước.
Theo Tổng cục Thống kê, quy mô GRDP TP tăng hơn 16 lần, từ 919.000 tỷ đồng vào năm 2015 lên 1,49 triệu tỷ đồng vào năm 2020. Riêng năm 2021, GRDP của TP chiếm gần 23 % GDP cả nước và chiếm khoảng 48,4% GRDP của Vùng kinh tế trong điểm phía Nam.
Từ đầu năm 2023 đến nay, bức tranh kinh tế TP đã “tươi sáng” trở lại, kỳ vọng có thể đạt chỉ tiêu tăng trưởng 7,5-8% cho cả năm 2023 như đã đề ra. Theo báo cáo của UBND TP.HCM: Trong 9 tháng đầu năm 2023, GRDP của TP tăng 4,57% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,14%, khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 2,57%, khu vực dịch vụ đóng góp lớn nhất vào mức tăng GRDP khi tăng 5,67%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 2,78%.
Tổng thu ngân sách nhà nước đạt hơn 326.000 tỷ đồng, đạt 69,45% dự toán và bằng 93,65% so cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt gần 872.000 tỷ đồng (tăng 8,6%). Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 10,6%, doanh thu lưu trú và ăn uống tăng 31,8%, doanh thu lữ hành tăng 68,9%.
Tổng doanh thu du lịch đạt hơn 125.000 tỷ đồng, tăng 35,8%, trong đó khách du lịch nội địa đạt gần 27 triệu lượt (tăng 24,9%), khách quốc tế đạt hơn 3,5 triệu lượt (tăng 69%). Sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển ước đạt 126,39 triệu tấn, tăng 4,4% (121,96 triệu tấn); tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến cuối tháng 9/2023 ước đạt 3.350.400 tỉ đồng, tăng 1,9% so với cuối năm 2022 và tăng 2,54% so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn TP tăng 3,2%, trong đó ngành khai khoáng tăng 4,3%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,2%, sản xuất và phân phối điện tăng 6%, cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 3,3%.
Đối với 4 ngành công nghiệp trọng điểm, chỉ số sản xuất 4 ngành công nghiệp trọng điểm tăng 5,8%, trong đó ngành hóa dược tăng 17,7%, ngành cơ khí tăng 7%, ngành sản xuất hàng điện tử tăng 5,4%, ngành lương thực thực phẩm và đồ uống giảm 5,7%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 9 tháng năm 2023 tăng cao so với cùng kỳ như: Bao bì đóng gói bằng plastic (tăng 31,8%), phân khoáng hoặc phân hóa học tăng 26,8%, sữa hoặc kem đặc có hoặc không có đường tăng 15,6%, tivi tăng 11,9%.
TP đã đón tiếp và làm việc với hơn 194 đoàn trong và ngoài nước đến tìm hiểu về môi trường đầu tư kinh doanh, tổ chức 158 chương trình xúc tiến thương mại và đầu tư trong và ngoài nước, hỗ trợ DN phục hồi sản xuất kinh doanh, quảng bá giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua hàng loạt các sự kiện nổi bật như Tuần lễ triển lãm sản phẩm ngành lương thực thực phẩm, đồ uống, triển lãm sản phẩm tiêu biểu của TP, tuần lễ triển lãm sản phẩm ngành cơ khí, thiết bị điện và công nghệ số… Tổ chức 11 hội nghị đối thoại trực tiếp với DN trong nước và nước ngoài, thu hút 2.697 lượt DN tham dự, tiếp nhận và giải đáp hơn 712 câu hỏi nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cho các DN.
Mặt khác, trong 9 tháng đầu năm 2023, số DN thành lập mới là 37.224 DN với số vốn đăng ký mới gần 343.000 tỉ đồng, tăng 13% về số lượng qua đó nâng tổng số DN trên hệ thống hiện tại là 550.905 DN với số vốn đăng ký hơn 11,22 triệu tỉ đồng. Dự ước tình hình đăng ký DN của năm 2023 khoảng 48.000 DN thành lập mới với 444.000 tỉ đồng vốn đăng ký mới. Cùng với đó, TP thu hút được khoảng 1,955 tỉ USD vốn FDI, chấp thuận cho 1.683 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước với vốn góp đăng ký tương đương 1,02 tỉ USD. TP.HCM đã tiếp tục cải thiện giải ngân đầu tư công và có những chính sách miễn, giảm, giãn thuế thiết thực cho doanh nghiệp.
Điều này cho thấy, các hoạt động kinh doanh sản xuất vẫn tăng trưởng đều và TP vẫn là điểm đến, có sức hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. TP tiếp tục giải quyết các khó khăn, vướng mắc của DN. Cụ thể, TP tập trung thu hút đầu tư của các DN lớn từ các tập đoàn quốc tế trong các lĩnh vực trọng yếu như dịch vụ tài chính, ngân hàng, du lịch, thương mại, logistics, các ngành công nghiệp chiến lược, các khâu, công đoạn trong chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng mà Việt Nam có thế mạnh.
Mặc dù khó khăn vẫn còn nhiều phía trước nhưng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, với sự đồng lòng, chung tay của người dân, doanh nhân, DN, TP.HCM sẽ vượt qua thách thức, tận dụng mọi nguồn lực để hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra từ đầu năm 2023 với tinh thần “vì cả nước, cùng cả nước”.
Phát huy vai trò doanh nhân
Tăng trưởng kinh tế của TP.HCM luôn gắn với hoạt động ổn định, phát triển của DN, có sức đóng góp to lớn của đội ngũ doanh nhân. TP hiện có 550.905 doanh nghiệp trên hệ thống, 3 khu chế xuất, 19 khu công nghiệp, 1 khu công nghệ cao, 22 cụm công nghiệp với 4,7 triệu lao động.
Theo các chuyên gia kinh tế, sau hơn 37 đổi mới kinh tế (1986 – 2023) nền kinh tế của TP.HCM đã liên tục đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Sự phát triển vượt bậc của TP không chỉ đến từ sự ứng dụng hiệu quả các nguồn lực, mà còn đến từ sự đóng góp quan trọng của các DN.
Cộng đồng DN và đội ngũ doanh nhân được xem là động lực đẩy mạnh cho sự phát triển kinh tế của TP, đã và đang đóng góp rất nhiều vào tăng trưởng kinh tế của TP.HCM, tăng cạnh tranh, hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế và tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động.
Theo Cục Thống kê và Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM, chỉ tính riêng cộng đồng DN vừa và nhỏ cũng đã chiếm tới 98% tổng số DN TP, đóng góp rất lớn vào GRDP của TP với mức 23,45%, 21,3%, 26,22% và 26,86% lần lượt vào các năm 2016, 2017, 2018 và 2019.
Kinh tế TP.HCM đang hồi phục và tăng trưởng, thu hút mạnh mẽ khách du lịch trong nước và quốc tế (Ảnh: Khách du lịch tham quan tại Bưu điện TP). |
Cộng đồng DN vừa và nhỏ đã tạo ra khoảng 60% lực lượng lao động và đóng góp hơn 23,34% GDP của TP vào năm 2021; tạo ra sự đa dạng và sự phát triển trong các ngành công nghiệp khác nhau, góp phần nâng cao chất lượng và năng suất của nền kinh tế TP; tham gia chuỗi cung ứng, gia công cho các DN lớn.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong 8 tháng đầu năm 2023 cả nước có 103.700 DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 970.000 tỉ đồng và tổng số lao động đăng ký 668.800 lao động. Riêng TP.HCM đã chiếm tới gần 40% về số lượng DN thành lập mới và hơn 30% về vốn đăng ký so với cả nước. TP.HCM vẫn là địa phương có số lượng DN nhiều nhất cả nước, cùng với đó là lực lượng doanh nhân hùng hậu, là lãnh đạo nhiều DN, tập đoàn lớn, có sức lan tỏa quốc tế cao và cũng như là nơi thu hút đông đảo nhiều DN FDI đến đầu tư.
Trong cao điểm bùng phát dịch Covid-19, hoạt động kinh doanh, sản xuất của DN bị đình trệ, thậm chí phá sản đã khiến kinh tế TP.HCM – lần đầu tiên trong lịch sử tăng trưởng âm tới mức 6,78%. Tuy nhiên với chiến lược mục tiêu kép, kinh tế TP đã nhanh chóng hồi phục và bước vào đà tăng tốc trở lại. Hoạt động của DN dù vẫn còn rất khó khăn nhưng bước đầu đã ổn định, duy trì và tăng trưởng. Bản lĩnh, xông pha, đi đầu của lực lượng DN, đội ngũ doanh nhân TP.HCM tiếp tục được khẳng định.
Cũng trong đại dịch Covid-19 nếu không có sự đóng góp của cộng đồng DN, đội ngũ doanh nhân thì cuộc chiến chống dịch của cả nước nói chung, của TP.HCM nói riêng sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Lãnh đạo TP luôn đánh giá cao và ghi nhận sức đóng góp to lớn của cộng đồng DN và đội ngũ doanh nhân; luôn tạo điều kiện thuận lợi, nỗ lực tiếp sức, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để DN duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng đội ngũ doanh nhân, lực lượng DN ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng.
Đơn cử, từ đầu năm 2023 đến nay, TP.HCM đã quyết liệt giải quyết 44/148 dự án, 52/189 kiến nghị của DN bất động sản; họp, giải quyết, tháo gỡ vướng mắc cho 19 công trình, dự án cụ thể; giải quyết 348/362 kiến nghị của DN FDI, giải quyết 11/14 nội dung kiến nghị của DN tư nhân.
Theo Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị, đến năm 2023 tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 8 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người khoảng 14.500 USD; kinh tế số đóng góp 40% vào GRDP. Đến năm 2025, TP.HCM phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của Châu Á; là hạt nhân của vùng TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ, cực tăng trưởng của cả nước; nơi thu hút các định chế tài chính và tập đoàn kinh tế quốc tế.
Để đạt được mục tiêu đó, không thể không nhắc đến vai trò, sứ mệnh của cộng đồng DN, đội ngũ doanh nhân. Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, đội ngũ doanh nhân tăng nhanh về số lượng và chất lượng. Nhiều DN chú trọng đầu tư đổi mới thiết bị, ứng dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ, tạo thương hiệu uy tín trong nước và trên thế giới. Không chỉ vậy, doanh nhân, DN còn có trách nhiệm cao với xã hội, tích cực thực hiện các chương trình an sinh, bảo vệ môi trường. Có thể khẳng định, đội ngũ doanh nhân là lực lượng quan trọng, đóng góp to lớn vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Xác chủ đề năm 2023 là năm “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội” nên TP.HCM triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tăng trưởng kinh tế sau đại dịch Covid-19, lấy lại vị thế “đầu tàu” kinh tế. Trong đó TP sẽ thường xuyên tiếp xúc với các nhà đầu tư, các hiệp hội DN, lắng nghe ý kiến DN về cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành hỗ trợ DN phục hồi và ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Về chỉ tiêu kinh tế, năm 2023 tốc độ tăng GRDP đạt từ 7,5% - 8%; tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo nghề có chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận đạt 86,45% trong tổng số lao động đang làm việc. Thành phố sẽ giải quyết việc làm cho 300.000 lượt người, trong đó tạo việc làm mới là 140.000 chỗ, giảm tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 4%.
TP xác định 3 trụ cột phát triển kinh tế gồm “nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư”, “thúc đẩy phát triển kinh tế”,“đảm bảo an sinh xã hội”. Từ nay đến hết năm 2023 TP tập trung và quyết liệt thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP để tạo chuyển biến rõ nét trên toàn TP.
Phát biểu tại cuộc họp về kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm 2023 tổ chức mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, Ban Thường vụ Thành ủy TP sẽ họp bàn các giải pháp để tiếp tục cải thiện đầu tư công, đầu tư tư nhân và nước ngoài cũng như tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Đồng thời TP xác định sẽ tiếp tục kích cầu tiêu dùng nội địa, du lịch và hỗ trợ cộng đồng DN khơi vòng dòng vốn và giải quyết vướng mắc về đất đai.
UBND TP.HCM vừa ban hành Kế hoạch 2972/KH-UBND phát động phong trào thi đua “DN, doanh nhân sáng tạo cùng TP phát triển” giai đoạn 2023 - 2025. Mục đích nhằm xây dựng DN có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, tích cực đóng góp vào công tác an sinh xã hội. Hỗ trợ và phát triển DN chủ động thích ứng với tình hình mới, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và phục hồi nhanh, đổi mới sáng tạo. TP đề ra chỉ tiêu tăng số lượng DN hoạt động trung bình mỗi năm 40.000 DN. Đảm bảo tỷ lệ giải quyết việc làm đạt kế hoạch đề ra; đảm bảo quy mô, phát triển DN đạt kế hoạch đề ra; giảm tỷ lệ hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không an toàn; giảm tình trạng gây ô nhiễm môi trường, thực hiện chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững. |
Trần Tình