Xuất khẩu lao động phục hồi tích cực
Hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài hiện phục hồi tích cực sau khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, các nước tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam dần khôi phục trở lại như trước khi bùng phát dịch, góp phần quan trọng giải quyết việc làm gắn với thu nhập cao cho người lao động.
Thông tin về tình hình đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH)) cho biết, trong tháng 7/2023, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài là 12.930 lao động (4.619 lao động nữ), xấp xỉ 0,82 lần so với cùng kỳ năm ngoái (tháng 7/2022 là 15.349 lao động, trong đó có 5.607 lao động nữ).
Nhật Bản là thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam nhiều nhất với 6.631 lao động (2.987 lao động nữ), tiếp sau là Đài Loan với 5.418 lao động (1.539 lao động nữ), Hàn Quốc với 191 lao động nam, Trung Quốc với 122 lao động nam, Ba Lan với 109 lao động (18 lao động nữ), Hungari với 90 lao động (17 lao động nữ), Singapore với 73 lao động nam, Liên bang Nga với 39 lao động nữ, Malaysia với 12 lao động nam và các thị trường khác.
Như vậy, trong 7 tháng đầu năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 85.224 lao động (29.712 lao động nữ), đạt 77,48% kế hoạch năm 2023 (năm 2023, kế hoạch đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là từ 110.000 lao động).
Ảnh minh họa |
Số lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài 7 tháng qua cũng gấp hơn 1,55 lần so với cùng kỳ năm ngoái (7 tháng năm 2022 đưa được 46.578 lao động). Nhật Bản tiếp tục dẫn đầu các thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc với 41.139 lao động (17.774 lao động nữ).
Những năm gần đây, Nhật Bản cũng luôn là thị trường tiếp nhận nhiều lao động nhất, do có điều kiện làm việc, thu nhập hấp dẫn và mở ra nhiều cơ hội việc làm cho lao động Việt Nam.
Trong tháng 7 vừa qua, Cục Quản lý lao động ngoài nước và tỉnh Wakayama (Nhật Bản) cũng đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác khung pháp lý cơ bản về tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại nước này.
Do sự thiếu hụt nguồn nhân lực, tỉnh Wakayama có chủ trương đẩy mạnh việc đào tạo và tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam, lao động kỹ năng đặc định và lao động là kỹ sư sang thực tập và làm việc tại Nhật Bản. Thông qua Bản ghi nhớ khung về hợp tác lao động giữa hai bên, người lao động Việt Nam có thể thực tập và làm việc trong khuôn khổ luật pháp Việt Nam và Nhật Bản, phát huy thế mạnh mỗi bên, cùng có lợi trong hoạt động hợp tác.
Cũng trong tháng 7, Tập đoàn JHL Việt Nam và Công ty Cổ phần Nozomi (Nhật Bản) đã ký kết triển khai Chương trình đào tạo E-Learning Chăm sóc viên Y tế chuẩn Nhật Bản tại Việt Nam.
Ngoài Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc cũng là những thị trường truyền thống có nhiều cơ hội việc làm cho lao động Việt Nam. 7 tháng qua, Đài Loan tiếp nhận 36.956 lao động (11.006 lao động nữ), Hàn Quốc 1.799 lao động (53 lao động nữ).
Các thị trường còn lại như Trung Quốc 1.024 người, Singapore 800 lao động nam, Hungari 802 lao động (369 lao động nữ), Romani 537 lao động (70 lao động nữ) và các thị trường khác.
Bộ LĐTBXH đánh giá, thời gian qua, các giải pháp ổn định và phát triển thị trường lao động ngoài nước luôn được đẩy mạnh. Công tác tuyển chọn, đào tạo nguồn và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được tăng cường và quản lý chặt chẽ hơn.
Đồng thời, Bộ cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Hiện nay, hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phục hồi tích cực sau khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, các nước tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam dần khôi phục trở lại như trước khi bùng phát dịch, góp phần quan trọng giải quyết việc làm gắn với thu nhập cao cho người lao động.