A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh: Tiếp tục đà tăng trưởng

Tình hình kinh tế - xã hội thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) 7 tháng đầu năm đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, trong những tháng còn lại của năm 2023, TP.HCM cần tiếp tục thực hiện nhiều kế hoạch để đưa kinh tế - xã hội Thành phố phát triển.

Tổng thu ngân sách đạt 57,1% kế hoạch

Tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM tháng 7, 7 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 8/2023 vừa qua, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Khế hoạch - Đầu tư TP. HCM cho biết, trong tháng 7, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của TP.HCM ước đạt 103.857 tỷ đồng, tăng 4,3% so với tháng trước và tăng 11,7% so với cùng kỳ. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2023 ước đạt 660.011 tỷ đồng, tăng 6,9% so với cùng kỳ.

Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh: Tiếp tục đà tăng trưởng
Ảnh minh họa

Xuất khẩu của TP.HCM ước đạt 4,1 tỷ USD, tăng 11,8% so với tháng trước; nhập khẩu ước đạt 5,4 tỷ USD, tăng 10,6% so với tháng trước. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7 ước tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 6,5% so với cùng kỳ. Về thực hiện đầu tư công, TP.HCM đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 là 68.490 tỷ đồng. Đến cuối tháng 7, TP.HCM đã giải ngân 18.107 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 26%.

Trong tháng 7/2023, TP.HCM có 27.666 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn là 261.167 tỷ đồng, tăng 9% về số lượng và giảm 14% về vốn đăng ký so với cùng kỳ. Có 2.215 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 12% so với cùng kỳ; có 20.768 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, tăng 26% so với cùng kỳ; 8.586 doanh nghiệp hoạt động trở lại, giảm 16% so với cùng kỳ.

Tổng thu ngân sách Nhà nước 7 tháng đầu năm ước đạt 268.316 tỷ đồng, đạt 57,1% dự toán năm và bằng 93,9% so cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương (không tính tạm ứng) là 34.213 tỷ đồng, đạt 30,9% dự toán, tăng 11,5% so cùng kỳ.

Phát biểu tại cuôc họp, ông Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) TP.HCM đánh giá tình hình kinh tế - xã hội của TP.HCM đang tiếp tục đà tăng trưởng. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm, tỷ giá đồng ngoại tệ tương đối ổn định, góp phần nâng tỷ lệ dư nợ tín dụng đạt 6,6%, thị trường có dấu hiệu hấp thụ vốn. Chỉ số giá tiêu dùng ở mức 3,5%, thấp hơn 1,15% so với mặt bằng chung của cả nước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 6,9%. Các hoạt động văn hóa, an sinh xã hội, an ninh trật tự được thực hiện theo đúng kế hoạch, đảm bảo ổn định cho sự phục hồi và phát triển.

Vẫn còn 115 nhóm vướng mắc

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, ông Phan Văn Mãi cho biết, hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế - xã hội của Thành phố vẫn còn nhiều khó khăn. Một số chỉ số tăng trưởng chưa đạt yêu cầu, trong đó có việc giải ngân vốn đầu tư công. Thời gian qua, TP.HCM đã đề ra nhiều giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp nhưng vẫn còn tồn đọng. Công tác lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM còn chậm, cần phải tập trung thực hiện.

Do đó, trong thời gian tới, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị các đơn vị tiếp tục đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Hiện TP.HCM vẫn còn 115 nhóm vướng mắc chưa được tháo gỡ, phải đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hoàn thành trong quý 3. Chủ tịch UBND TP.HCM cũng đề nghị giải quyết nhanh các vướng mắc liên quan đến nhà ở xã hội, chung cư cũ để chậm nhất ngày 2/9 mở bán một số dự án.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP.HCM cũng yêu cầu các sở ngành địa phương tập trung cao độ, nhất là công tác giải phóng mặt bằng; rà soát thủ tục các dự án, xác định trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh thực hiện công tác lập quy hoạch chung TP.HCM, đảm bảo đến cuối năm phải trình đồ án. Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cũng yêu cầu các đơn vị liên quan giải quyết dứt điểm các khiếu nại liên quan đến khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu công nghệ cao. Đến quý III cơ bản phải dứt điểm các vụ khiếu nại, khiếu kiện, cần tập trung các trường hợp khiếu kiện đông người, dai dẳng, phức tạp…

Nghị quyết 98 bắt đầu có hiệu lực

Từ ngày 1/8, Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM bắt đầu có hiệu lực. Nói về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu lãnh đạo các sở ban ngành, địa phương quyết tâm thực hiện có hiệu quả nghị quyết này. Theo đó, hiện UBND TP.HCM đang hoàn thiện kế hoạch thành lập Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15, trong đó có đội ngũ chuyên gia để tư vấn, theo dõi, đôn đốc TP.HCM triển khai thực hiện. UBND TP.HCM cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện, phân công công việc cụ thể cho từng đơn vị, xác định những công việc thuộc thẩm quyền của UBND TP.HCM, các nội dung cần tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, các nội dung trình HĐND TP.HCM trong kỳ họp tháng 9 và kỳ họp cuối năm . Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 98, Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị các sở ngành đổi mới phương thức hành động, các đơn vị thành lập tổ công tác thực hiện, trong đó có chuyên gia, các sở ngành khác, tổ chức theo dõi, đôn đốc, có như vậy mới đảm bảo tiến độ thực hiện.

Thành Đồng


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...