Vì sao doanh nghiệp xuất khẩu gỗ “kêu cứu”?
Tại các nước trên thế giới, giá tiêu dùng tăng mạnh, lạm phát ở mức cao, hàng hóa trở nên đắt đỏ, nhu cầu tiêu dùng về các sản phẩm không thiết yếu giảm, trong đó có mặt hàng gỗ. Điều này đã tác động trực tiếp đến ngành gỗ Việt Nam với 80% sản lượng sản xuất để xuất khẩu.
Xuất khẩu gỗ giảm do lạm phát toàn cầu
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 6/2022 đạt 1,5 tỷ USD, giảm 4,9% so với tháng 6/2021. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ là 1,03 tỷ USD, giảm 18,1% so với tháng 6/2021. Giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản tháng 7 ước đạt 1,41 tỷ USD, giảm 5,5 % so với tháng 6/2022 và giảm 1,6 % so với cùng kỳ năm 2021.
Ảnh minh họa |
Tại hội nghị giao ban ngành gỗ quý 3 vừa qua, ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết, thị trường thế giới đang chứng kiến những thay đổi vĩ mô vô cùng lớn do tác động của đại dịch Covid-19, cuộc xung đột Nga - Ukraine, mức lạm phát cao tại nhiều quốc gia, nhất là các thị trường lớn như Mỹ, khu vực đồng tiền chung châu Âu và Anh.
Tại các nước trên, giá tiêu dùng tăng mạnh, lạm phát ở mức cao, hàng hóa trở nên đắt đỏ, nhu cầu tiêu dùng về các sản phẩm không thiết yếu giảm, trong đó có mặt hàng gỗ. Điều này đã tác động trực tiếp đến ngành gỗ Việt Nam với 80% sản lượng sản xuất để xuất khẩu.
Kết quả khảo sát nhanh tại 52 doanh nghiệp do các hiệp hội và nhóm nghiên cứu của hiệp hội gỗ phối hợp với tổ chức Forest Trends thực hiện trong 2 tuần qua cũng cho thấy, 33/45 doanh nghiệp xuất khẩu gỗ sang Mỹ có doanh thu giảm gần 40% so với các tháng đầu năm; có 10 doanh nghiệp có doanh thu tăng so với các tháng trước đó nhưng mức tăng rất ít (11%).
Tương tự tại thị trường EU, 24/38 doanh nghiệp giảm trên 41% doanh thu so với các tháng trước đó; có 4 doanh nghiệp có nguồn thu tăng ở mức 14%. Tại thị trường Anh, 17/25 doanh nghiệp thông báo có nguồn thu giảm ở mức trên 41%. Khoảng 71% doanh nghiệp cho biết tình hình đơn hàng từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giảm; 44% doanh nghiệp cho rằng nguồn thu giảm khoảng 44% trong cả năm 2022.
Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 3 cho Trung Quốc. Tuy nhiên, xuất khẩu đồ gỗ sang Trung Quốc trong những tháng đầu năm nay giảm rất mạnh, với mức giảm hơn 21%. Do tác động bởi tình hình dịch bệnh, chính sách “Zero Covid” tại Trung Quốc khiến các doanh nghiệp đồ gỗ rất khó khăn khi thông quan hàng đồ gỗ tại các cửa khẩu cả trên bộ và tại các cảng biển của Trung Quốc.“Các con số này cho thấy bức tranh thị trường rất ảm đạm” - ông Đỗ Xuân Lập nhấn mạnh.
Ngành gỗ Việt Nam hội nhập sâu rộng với thị trường thế giới, do đó, tác động của cuộc chiến tới nguồn cung gỗ nguyên liệu là điều không thể tránh khỏi. Bên cạnh đó, giá cước vận tải ở mức cao, cùng với giá mua gỗ nguyên liệu tăng, càng gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ nước ta.
Tìm phương án cho xuất khẩu gỗ
Nhiều doanh nghiệp cho biết, do đơn hàng đang có xu hướng giảm, không còn đổ về dồn dập như trước nên các doanh nghiệp cũng đang tính toán lại về đơn hàng, bạn hàng để đạt hiệu quả sản xuất, kinh doanh tối ưu nhất và giữ được thị trường, khách hàng trong bối cảnh lạm phát cao vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trên toàn cầu.
Tình hình trên đã khiến doanh nghiệp trong ngành đang đối mặt với nhiều khó khăn về vốn, chi phí cho người lao động, nguyên liệu đầu vào. Theo ông Võ Quang Hà - Phó Chủ tịch thường trực Hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai, qua khảo sát nhanh trong tháng 7 tại Đồng Nai, giá các sản phẩm gỗ xuất khẩu giảm 30% khiến doanh thu của nhiều doanh nghiệp giảm một nửa, thậm chí một vài doanh nghiệp đóng cửa. Trong tháng 8, dự báo tình hình tiếp tục khó khăn hơn. Ông Võ Quang Hà cũng kiến nghị các ngân hàng tạo điều kiện giãn nợ, giảm lãi suất, gia hạn vay, giảm chi phí container, thiết kế gói cứu trợ doanh nghiệp.
Còn ông Nguyễn Liêm - Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương cho biết: Ngoài xuất khẩu dăm và viên nén sang các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc tăng trưởng thì các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đều sụt giảm đơn hàng hơn 40%. Hiện hàng tồn kho tương đối lớn. Thông thường các năm, thời điểm này các nhà nhập khẩu đặt hàng để bán dịp Giáng sinh và năm mới.
Đề cập đến các giải pháp vượt qua giai đoạn khó khăn này, đồng quan điểm với ông Võ Quang Hà, ông Nguyễn Liêm cho rằng, nếu doanh nghiệp chấp nhận giảm giá bán, có thể hòa vốn hoặc chấp nhận lỗ. Khó khăn nhất của doanh nghiệp là dòng tiền về rất yếu do đơn hàng giảm nên rất mong ngành ngân hàng giảm lãi suất, giãn nợ, khoanh nợ, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn này.
Cũng liên quan đến giải pháp, đại diện Tổng cục Lâm Nghiệp cho rằng, đối với nguồn nguyên liệu trong chế biến xuất khẩu, các doanh nghiệp cần tăng cường việc sử dụng nguyên liệu trong nước, đặc biệt là gỗ rừng trồng. Các doanh nghiệp cũng cần chủ động sản xuất các sản phẩm phụ trợ để giảm giá thành một cách thấp nhất và đa dạng hóa các sản phẩm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Ngành lâm nghiệp sẽ tập trung thực hiện, phối hợp các ngành chức năng trong việc ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại của một số doanh nghiệp xuất khẩu, kiểm soát chặt gỗ nhập khẩu từ các nước có nhiều rủi ro về nguồn gốc gỗ bất hợp pháp. Đồng thời nhân rộng mô hình liên kết thành công giữa doanh nghiệp chế biến gỗ và hộ gia đình trồng rừng để vừa đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp trong nước, vừa tăng giá trị gia tăng, giảm chi phí giá thành cho sản phẩm, qua đó nâng cao tính cạnh tranh cho gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam.
Tổng cục Lâm nghiệp đề nghị các Hiệp hội chế biến gỗ và lâm sản thường xuyên phản ánh kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong việc thực thi các quy định pháp luật; kiến nghị Chính phủ, các Bộ ngành và địa phương để tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực cho phát triển ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ./.