A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiên phong phát triển kinh tế tuần hoàn

Trong bối cảnh và xu thế phát triển kinh tế thế giới, TP Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh, tiên phong chuyển đổi, phát triển kinh tế tuần hoàn, xem đây là một động lực mới thúc đẩy tăng trưởng bứt phá.

Việc xây dựng kinh tế tuần hoàn cũng giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, tạo sự lan tỏa sâu rộng đến nhiều lĩnh vực trong hành trình phát triển văn minh, hiện đại.

Theo báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh về kết quả thực hiện Đề án “Phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp, chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn, nhất là những đề án chuyển đổi mô hình kinh tế, phát triển công nghiệp xanh, thúc đẩy, hỗ trợ các thành phần kinh tế tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

 Ảnh minh họa: VGP

Thành phố hoàn thiện các chính sách về bảo vệ môi trường như: Cơ chế đặc thù về đặt hàng bổ sung khối lượng chất thải rắn sinh hoạt tại khoản 11, Điều 6 Nghị quyết 98 của Quốc hội đã tháo gỡ vướng mắc của đa số dự án chuyển đổi công nghệ xử lý rác; chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp... UBND các quận, huyện đã ban hành các kế hoạch thực hiện chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020-2030, triển khai chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, thu gom chất thải nguy hại hộ gia đình, giảm khai thác nước dưới đất. Đồng thời tăng cường công tác quản lý, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Khi nói về điều kiện, tiềm năng, lợi thế, có thể nói, TP Hồ Chí Minh có nhiều thuận lợi hơn so với các địa phương trong cả nước khi có số lượng doanh nghiệp quy mô lớn, hợp tác quốc tế sâu rộng, đầu mối xuất khẩu, tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bên cạnh đó còn có các cơ chế, chính sách đặc thù của Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội và quyết tâm chính trị cao của lãnh đạo, chính quyền thành phố trong tiên phong, đổi mới, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế tuần hoàn của TP Hồ Chí Minh gặp rất nhiều thách thức, khó khăn: Phần lớn trong tổng số 260.000 doanh nghiệp ở quy mô vừa và nhỏ, nguồn lực còn thiếu và yếu, tính cạnh tranh quốc tế kém; các doanh nghiệp khó tiếp cận được những tiêu chuẩn, quy chuẩn khắt khe về quản trị, công nghệ của các chuỗi cung ứng toàn cầu; để chuyển đổi xanh; phương thức tối đa hóa giá trị và có tính liên kết cao trong các giai đoạn của quy trình sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an toàn về sản phẩm, môi trường, phát triển bền vững.

Kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu, yêu cầu cần thiết trong mục tiêu phát triển bền vững, hiện đại, hội nhập sâu rộng của TP Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới. Để hiện thực hóa mục tiêu này, nhiều chuyên gia cho rằng thành phố cần tiếp tục chủ động, sáng tạo, tiên phong trong áp dụng các chính sách, cơ chế đặc thù để đổi mới công nghệ, xây dựng những mũi nhọn về kinh tế tuần hoàn, mô hình kinh tế tuần hoàn, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp chuyển giao công nghệ và hỗ trợ. Qua đó, thành phố mới tạo được lợi thế cạnh tranh, nâng cao giá trị sản phẩm, hoàn thiện mô hình kinh tế bền vững, hài hòa, thân thiện với môi trường, bảo đảm cho tăng trưởng xanh trong giai đoạn phát triển mới.

BẢO MINH


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...