A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thách thức thống kê tỷ trọng kinh tế số trong GDP

Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang thực hiện Điều tra Doanh nghiệp 2023 nhằm biên soạn Sách trắng doanh nghiệp, Sách trắng Hợp tác xã thường niên. Cơ quan chức năng thử nghiệm đo lường đóng góp của kinh tế số vào GDP - một chỉ tiêu mới được cụ thể hóa trong Luật Thống kê (sửa đổi).

Đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng trong bối cảnh tăng tốc chuyển đổi số toàn nền kinh tế, cần sự phối hợp tích cực liên ngành, đặc biệt là khối doanh nghiệp.

Với doanh nhân trẻ Trần Quang Châu, số liệu thống kê kinh tế đặc biệt quan trọng trong nghiên cứu, định hướng phát triển doanh nghiệp. Anh là Giám đốc điều hành Công ty Zsolution vừa có sản phẩm Z.One đoạt Giải Sao Khuê 2023 – Một thương hiệu có triển vọng đạt giá trị vốn hoá 1 tỷ USD (còn gọi là kỳ lân công nghệ).

Trong nỗ lực định hình Z.One và thương hiệu doanh nghiệp, doanh nhân này cùng các cộng sự đa phần phân tích thị trường dựa trên những số liệu thống kê “trôi nổi” – thiếu tính bao quát và độ xác thực.

“Việc tìm kiếm các chỉ số liên quan đến kinh tế số, chuyển đổi số ở Việt Nam rất khó. Có chỉ số ở cơ quan nhà nước, có chỉ số của công ty tư nhân, có chỉ số của quỹ đầu tư ngoài nước nhưng sự chênh lệch khác biệt rất là lớn. Doanh nghiệp nhìn vào đâu, khi có quá nhiều chỉ số? Nói thật, doanh nghiệp đang quan tâm đến chỉ số của các quỹ đầu tư ngoài nước. Cho nên, mong muốn khi đào sâu phát triển kinh tế số, chuyển đổi số thì sẽ có cơ chế chính sách để cơ quan chức năng tạo ra bộ chỉ số giống như kim chỉ nam để các doanh nghiệp định hướng, phát triển” - ông Trần Quang Châu nói.

Thách thức thống kê tỷ trọng kinh tế số trong GDP - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa - KT)

“Nếu tiếp diễn thực trạng nhiều doanh nghiệp nội dựa vào số liệu thống kê trôi nổi hoặc số liệu thống kê từ nước ngoài, để hoạch định chiến lược, sẽ rủi ro cho nền kinh tế” - Đó là lí do kinh tế số được Quốc hội, Chính phủ quyết định trở thành chỉ tiêu quan trọng trong Luật Thống kê sửa đổi (năm 2021).

Tổng Cục trưởng Tổng Cục thống kê – bà Nguyễn Thị Hương nhìn nhận, đây là khái niệm mới, vấn đề mới với mọi ngành nghề, lĩnh vực, bao gồm cả ngành thống kê nhưng đã đến lúc không thể chậm trễ biên soạn bộ chỉ số xác định tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong tổng sản phẩm nội địa.

“Phải triển khai một khối lượng công việc đồ sộ. Tổng Cục thống kê đã tham mưu phân công Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Ngân hàng Nhà nước... thu thập, tổng hợp và công bố 50 chỉ tiêu thống kê đảm bảo đầy đủ, chính xác, kịp thời, đáp ứng yêu cầu so sánh quốc tế, trong đó xác định: kinh tế số bao gồm các hoạt động kinh tế dựa vào hoặc được tăng cường bằng cách sử dụng các đầu vào kỹ thuật số bao gồm công nghệ kỹ thuật-cơ sở hạ tầng-dịch vụ kỹ thuật số và dữ liệu”.

Ngày càng có nhiều tín hiệu tích cực trong công cuộc này – từ những doanh nghiệp tư nhân diện startup cho đến các doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn, và đặc biệt là từ khối doanh nghiệp nhà nước.

Ông Nguyễn Xuân Vĩnh - Phó Giám đốc Trung tâm kinh doanh VNPT Hà Nội, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam xác định, “việc phối hợp cung cấp số liệu cho cơ quan thống kê vừa là mong muốn, vừa là nhiệm vụ - để đơn vị định vị thương hiệu doanh nghiệp công nghệ trong bối cảnh chuyển đổi số và để đóng góp vào tăng trưởng chung”.

“Kinh tế số sẽ là đòn bẩy của kinh tế Việt Nam trong các thập kỷ tới. Các nhà chuyên gia nhận định kinh tế số 20-25%/năm. Trong chừng mực nào đấy, khi thị trường còn sơ khai thì doanh nghiệp có thể mày mò nhưng về nguyên tắc thì phải có những kế hoạch cụ thể ngắn hạn – dài hạn - trung hạn. Kế hoạch đó dựa hoàn toàn vào các con số thống kê. Các con số thống kê là sở cứ quan trọng để VNPT Hà Nội và VNPT định vị đúng mình, định vị tính hiệu quả trong kinh doanh, đặc biệt là trong kinh doanh và triển khai 1 chiến lược hoàn toàn mới mà doanh nghiệp trước đây chưa hề có kinh nghiệm” - ông Nguyễn Xuân Vĩnh nói.

Thống kê giá trị tăng thêm của kinh tế số - một hoạt động rất mới, kinh nghiệm quốc tế cũng rất ít, nhưng vai trò của từng Bộ, ngành, địa phương đã được xác định - nguồn lực, nhân lực, thời gian thực hiện đã có. Nhận thức về tầm quan trọng của số liệu thống kê kinh tế số đã rất tích cực-đúng đắn, thường trực ở người đứng đầu các Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, đặc biệt là khối doanh nghiệp. Phương pháp thu thập dữ liệu đã được cơ quan chức năng cập nhật hiện đại – cả trực tiếp và trực tuyến... Đó là thuận lợi.

Các vấn đề thách thức còn lại, bao gồm: Thách thức xác định nguồn số liệu từ các báo cáo, hồ sơ hành chính theo phương pháp truyền thống, cho đến big data, dữ liệu trực tuyến; thách thức xác định hoạt động kinh tế số ở từng ngành, lĩnh vực kinh tế; thách thức cập nhật và phản ánh sản phẩm số cả trong chi phí đầu vào lẫn chi phí đầu tư; thách thức phương pháp và kết quả thống kê đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn quốc tế…

Cơ quan thống kê đang rất cần sự phối hợp tích cực - có trách nhiệm từ liên ngành, tỉnh-thành, đặc biệt là từ cộng đồng doanh nghiệp, để bộ chỉ số đầu tiên ‘thống kê tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP Việt Nam’ có thể được công bố vào cuối năm nay - sát thực, hữu dụng nhất cho tăng trưởng từ cấp doanh nghiệp, đến tầm vĩ mô./.

Theo Thu Trang


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...