Tài nguyên, hệ sinh thái biển là đầu vào cho phát triển kinh tế biển
Tài nguyên, môi trường và hệ sinh thái biển… là những nguồn “vốn biển tự nhiên” quan trọng, là đầu vào cho phát triển kinh tế biển. Vì vậy, không thể đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế mà cần xem xét trong tổng thể hài hòa với lợi ích kinh tế, đảm bảo cân bằng giữa phát triển và bảo tồn biển, đặc biệt là môi trường và các hệ sinh thái biển.
Ảnh minh họa: TL |
Đó là khẳng định của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Phạm Thu Hằng khi trao đổi với Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về giải pháp phát triển kinh tế biển xanh và ý nghĩa, vai trò của Nghị quyết 36-NQ/TW về “Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Phóng viên (PV): Trên cương vị là nhà quản lý về lĩnh vực biển, hải đảo, bà có thể cho biết ý nghĩa của việc phát triển kinh tế biển xanh và Nghị quyết 36-NQ/TW có vai trò như thế nào trong việc đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển?
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Phạm Thu Hằng: Ngày nay, các quốc gia trên thế giới đều đặt mục tiêu phát triển kinh tế cân bằng với bảo vệ môi trường và đảm bảo công bằng xã hội. Hướng tới phát triển bền vững, Liên hợp quốc đã đề ra 17 mục tiêu toàn cầu, trong đó mục tiêu số 14 về bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và nguồn lợi biển để phát triển bền vững các vùng biển và đại dương. Việc chuyển đổi sang “mô hình kinh tế biển xanh” trên cơ sở bảo tồn và phát huy các “nguồn vốn biển tự nhiên”, đặc biệt là các nguồn tái tạo như: năng lượng gió, nuôi biển, du lịch sinh thái… đang được xem như là một giải pháp căn cơ, lâu dài và bền vững đối với nhiều quốc gia có biển.
Kể từ Hội nghị quốc tế về phát triển bền vững của Liên hợp quốc tại Rio de Janerio, Brazil (Rio +20) tháng 6/2020, nhiều tổ chức, nhà khoa học đã đưa ra các nhìn nhận khác nhau đối với thuật ngữ “Kinh tế biển xanh”.
Tuy nhiên, hầu hết các định nghĩa đều tập trung vào 03 vấn đề: Bền vững môi trường, Tăng trưởng kinh tế và Công bằng xã hội, được thúc đẩy bởi cách tiếp cận quản trị đại dương tổng hợp và đổi mới công nghệ hiện đại.
Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” được ra đời trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/02/2007 của Ban chấp hành Trung ương đảng khóa X về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020" đã tiếp tục kế thừa mục tiêu tổng quát của Nghị quyết số 09-NQ/TW về “Phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển”, “Phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH), các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hoà giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển, giữa lợi ích của địa phương có biển và địa phương không có biển; tăng cường liên kết, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát huy tiềm năng, lợi thế của biển, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước”.
Cùng với đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định kinh tế biển như là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đưa Việt Nam đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
Chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế biển thể hiện trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 – 2030 là: Phát triển thành công, đột phá các ngành kinh tế biển, đóng góp vào 10% GDP của cả nước; Phát triển các vùng biển dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, cụ thể là GDP của 28 tỉnh, thành phố ven biển đóng góp 65 – 70% GDP của cả nước; Bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển; theo đó 100% khu kinh tế, khu công nghiệp và khu đô thị ven biển được quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững, sinh thái, thông minh, thích ứng với BĐKH, nước biển dâng, có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường.
Có thể nói Nghị quyết số 36-NQ/TW là một nghị quyết toàn diện, có vai trò to lớn đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững kinh tế biển; góp phần to lớn trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và hiện đại hóa đất nước trong thời gian tới.
PV: Kinh tế biển có vai trò và là động lực quan trọng để phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, hiện nay việc khai thác quá mức tài nguyên biển có thể gây hậu quả nghiêm trọng tới môi trường, hệ sinh thái biển. Bà có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Phạm Thu Hằng: Tài nguyên biển, môi trường, hệ sinh thái biển… là những nguồn “vốn biển tự nhiên” quan trọng, là đầu vào cho phát triển kinh tế biển. Vì vậy, không thể đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế mà cần xem xét trong tổng thể hài hòa với lợi ích kinh tế, đảm bảo cân bằng giữa phát triển và bảo tồn biển, đặc biệt là môi trường và các hệ sinh thái biển.
Năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia giai đoạn 2016 – 2020. Nhìn chung, chất lượng môi trường biển Việt Nam tương đối tốt. Chất lượng nước biển ven bờ còn khá tốt với hầu hết giá trị các thông số đặc trưng cho chất lượng nước biển nằm trong giới hạn cho phép của Quy chuẩn Việt Nam (QCVN10-MT:2015/BTNMT).
Như vậy, chất lượng môi trường nước biển và hệ sinh thái ven bờ và hải đảo của Việt Nam chưa đáng quan ngại. Tuy nhiên, qua tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW và khoảng hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, chúng tôi cho rằng có 04 thách thức lớn đối với môi trường và hệ sinh thái biển cần phải quan tâm trong thời gian tới:
Thứ nhất, về vấn đề rác thải nhựa đại dương. Hiện nay, chúng ta chưa có quy định cụ thể về phạm vi đối tượng, phương pháp điều tra, thống kê rác thải nhựa đại dương. Tổng hợp một số kết quả các dự án, chương trình điều tra, đánh giá, thống kê rác thải nhựa chủ yếu triển khai tại một số tỉnh, một số vùng ven biển cho thấy rác thải nhựa tập trung ở một số khu vực như các bãi biển ven bờ, trên sông, khu vực bảo tồn và rừng ngập mặn, khu vực các đảo xa bờ.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Phạm Thu Hằng. (Ảnh: TL) |
Thứ hai, về sự cố tràn dầu trên biển. Sự cố tràn dầu gây ảnh hưởng xấu không chỉ để lại hậu quả nặng nề đối với môi trường, đặc biệt là các hệ sinh thái, rừng ngập cỏ biển, vùng triều bãi cát, đầm phá và các rạn san hô; tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế biển như du lịch, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, tác động trực tiếp đến sinh kế của người dân. Trong số các sự cố môi trường biển, sự cố tràn dầu xuất hiện nhiều nhất trên vùng biển Việt Nam. Tuy nhiên, hầu hết các sự cố tràn dầu trên biển Việt Nam đều là các sự cố nhỏ, được ứng phó, khắc phục và giải quyết hậu quả kịp thời. Vấn đề khắc phục sau sự cố tràn dầu phải được quan tâm sâu sắc trong thời gian tới.
Thứ ba, về vấn đề kiểm soát các nguồn thải. Hầu hết các chất gây ô nhiễm trên biển đều từ đất liền theo sông đổ ra biển dẫn đến ô nhiễm cục bộ ở một số khu vực ven bờ. Theo báo cáo của 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển, đã thống kê được được 647 đơn vị, doanh nghiệp có hoạt động xả thải trực tiếp ra với tổng lưu lượng khoảng 88.667,902 m3/ngày đêm. Trong tổng lượng nước thải phát sinh ra các lưu vực, thì nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất. Việc xả thải ra biển của các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh đang diễn ra hàng ngày với lưu lượng xả thải ngày một tăng và diễn ra phức tạp, khó kiểm soát. Các thiết bị quan trắc, giám sát còn thiếu, lạc hậu và đã xảy ra nhiều vụ việc vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, xả thải ra biển chưa qua xử lý, gây ô nhiễm môi trường biển.
Thứ tư, về biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ BĐKH và nước biển dâng, đặc biệt là những vùng đất ngập nước ven biển như Cà Mau, TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Nam Định… Những năm gần đây, tình trạng sạt lở bờ đê, bờ biển có diễn biến ngày càng nghiêm trọng, dẫn đến tình trạng mất ổn định bờ biển, diễn ra ở ven bờ cả ba miền, với 397 đoạn có tổng chiều dài trên 920 km.
Mức độ, quy mô xói lở kéo dài nhiều năm, nhưng cũng có những khu vực xói lở xảy ra bất thường với tốc độ lớn. Xói lở bờ biển đã uy hiếp trực tiếp đến tính mạng và tài sản của nhân dân tại các khu ven biển, đặc biệt tại đồng bằng sông Cửu Long và dải ven biển một số tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Bình Thuận, Cà Mau là khu vực tập trung đông dân cư và nhiều hoạt động kinh tế - xã hội đang có tốc độ phát triển nhanh.
PV: Theo bà, cần có những giải pháp và quyết sách gì trong việc phát triển kinh tế biển tại Việt Nam trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đại dịch COVID-19?
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Phạm Thu Hằng: Đại dịch COVID-19 đã tạo ra tác động nghiêm trọng trên toàn thế giới và kinh tế biển cũng không phải là ngoại lệ. Đại dịch đã khiến cho nhiều nền kinh tế suy thoái một cách nghiêm trọng cũng như đã gây ra những khó khăn cho việc chuyển đổi về mô hình sản xuất và tiêu dùng trên toàn thế giới. Việc đóng cửa cảng, hạn chế đi lại và gián đoạn chuỗi cung ứng đã làm gián đoạn các ngành, lĩnh vực kinh tế biển như vận tải biển, du lịch biển và nghề cá.
Bên cạnh đó, Đại dịch COVID-19 đã và đang làm chậm cuộc chiến chống rác thải nhựa của các quốc gia trên toàn thế giới. Việt Nam là một trong số nhiều quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng của đại dịch. Ngoài lĩnh vực y tế và kinh tế bị ảnh hưởng trực tiếp thì lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng chịu ảnh hưởng không hề nhỏ, trong đó có nhiều nguyên nhân liên quan đến hành vi sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng 01 lần và gia tăng lượng chất thải nhựa y tế.
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 không chỉ là thách thức, mà cũng là cơ hội để chuyển đổi hiệu quả sang kinh tế biển xanh và việc chuyển đổi này sẽ giúp chúng ta chịu được các cú sốc tương tự trong tương lai.
Thời gian tới, để triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 36-NQ/TW của Đảng và Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ trong bối cảnh hậu đại dịch COVID-19, khi tốc độ phục hồi kinh tế, thị trường toàn cầu còn chậm, thì việc đầu tư phát triển kinh tế biển xanh cần có trọng tâm, trọng điểm. Giai đoạn 2022 – 2025, chúng ta cần ưu tiên vào các lĩnh vực ít bị tác động bởi COVID-19 và tránh làm gián đoạn chuỗi cung ứng nhằm tạo nền tảng hướng đến năm 2030 như:
Nghiên cứu thành lập Quỹ (hoặc Chương trình) kinh tế biển xanh để ưu tiên đầu tư phục hồi các ngành, nghề và khu vực kinh tế biển; Ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ven biển, tăng sức chống chịu với các tác động của BĐKH và tạo cơ sở, động lực phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, hệ sinh thái biển.
Về phía các bộ, ngành, ngành du lịch phối hợp với ngành y tế nghiên cứu đón khách du lịch quốc tế và trong nước an toàn. Về khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản, cần có sự hỗ trợ có mục tiêu nhằm đảm bảo không làm gián đoạn chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế./.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!