Quảng Ninh: Tăng cường thanh tra, kiểm tra, quyết liệt chống khai thác IUU
Quảng Ninh là tỉnh ven biển có tiềm năng thủy sản lớn, đóng vai trò quan trọng trong sinh kế của hàng chục nghìn ngư dân. Để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, song song với việc tái tạo, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm được tỉnh đẩy mạnh, thể hiện tính răn đe rõ rệt. Trong 3 tháng đầu năm 2025, lực lượng chức năng trong tỉnh đã xử lý 80 trường hợp vi phạm, phạt hơn 783 triệu đồng.
Đồn Biên phòng Trà Cổ (TP Móng Cái) tuyên truyền cho ngư dân thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế trong khai thác thủy sản. Ảnh: Lê Nam
Ngay từ đầu năm 2025, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch số 20/KH-UBND về quy hoạch, quản lý bảo tồn và khai thác nguồn lợi thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Kế hoạch này đặt mục tiêu mở rộng diện tích các khu bảo tồn biển và vùng ven biển, phù hợp với mục tiêu đạt 6% diện tích tự nhiên vùng biển Việt Nam như đề án quốc gia đề ra trong Quyết định số 1539/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền pháp luật thủy sản được đẩy mạnh với hàng chục cuộc gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với ngư dân, giúp ngư dân nắm vững quy định chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Đồng thời, tỉnh cũng tăng cường quản lý tàu cá với tỷ lệ cấp giấy phép đạt 90,8% đối với tàu từ 6-12m và 99,47% đối với tàu trên 12m.
Một trong những điểm nhấn quan trọng là việc thành lập Khu bảo tồn biển Cô Tô - Đảo Trần, nơi có hệ sinh thái san hô và thủy sinh vật đặc hữu cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Ngoài ra, tỉnh đã tổ chức các hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản với quy mô lớn, như thả 162.000 con cá giống tại hồ Yên Lập và 280.000 con cá giống biển tại cảng Ghềnh Võ. Những hoạt động này không chỉ giúp phục hồi nguồn lợi thủy sản mà còn góp phần duy trì sự cân bằng sinh thái, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các loài thủy sản quý hiếm.
Song song với việc tái tạo, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm cũng được tỉnh đẩy mạnh và thể hiện tính răn đe rõ rệt. Trong quý I/2025, lực lượng chức năng đã xử lý 80 trường hợp vi phạm, phạt hơn 783 triệu đồng. Riêng Sở Nông nghiệp và Môi trường trong tháng 3/2025 đã xử lý 34 vụ, thu phạt 783 triệu đồng; lực lượng biên phòng phát hiện 7 vụ, xử phạt 51 triệu đồng…
Đáng lưu ý, hoạt động tiếp nhận và phản hồi qua đường dây nóng bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản cũng được duy trì hiệu quả. Trong quý I/2023, có 22 tin báo được tiếp nhận, trong đó 4 trường hợp có vi phạm đã được xác minh và xử lý nghiêm minh, giúp tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền và người dân trong phát hiện hành vi đánh bắt trái phép.
Đồng thời, hệ thống điện tử eCDT được tỉnh triển khai để kiểm soát sản lượng thủy sản cập cảng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc minh bạch theo yêu cầu của thị trường quốc tế…
Ngoài các biện pháp bảo tồn và kiểm soát khai thác, tỉnh Quảng Ninh cũng chú trọng đến việc hỗ trợ ngư dân chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng bền vững. Các chương trình đào tạo, tập huấn về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản hiện đại, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường biển đã được triển khai rộng rãi. Tỉnh cũng khuyến khích ngư dân tham gia vào các mô hình hợp tác xã, liên kết sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế và đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm thủy sản.
Bên cạnh đó, Quảng Ninh đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại vào ngành thủy sản. Các mô hình nuôi biển công nghiệp đang được thử nghiệm nhằm giảm áp lực khai thác tự nhiên, đồng thời nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Tỉnh cũng đang nghiên cứu phát triển các khu nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, kết hợp với bảo vệ môi trường biển để đảm bảo sự phát triển bền vững.
Một trong những dự án đáng chú ý là việc xây dựng cảng cá tại đảo Cô Tô, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025. Dự án này không chỉ giúp bảo đảm an toàn cho tàu cá và ngư dân khi có bão mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện đảo Cô Tô và tỉnh Quảng Ninh.
Ngoài ra, tỉnh cũng đang triển khai các biện pháp giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác thủy sản, đảm bảo các tàu cá hoạt động đúng vùng và nghề được cấp phép, ngăn chặn các hành vi khai thác trái phép…
Với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ với ngư dân, Quảng Ninh đang từng bước xây dựng một văn hóa nghề cá có trách nhiệm, nơi ngư dân không chỉ khai thác mà còn bảo vệ nguồn lợi biển cho tương lai. Những nỗ lực này không chỉ giúp duy trì nguồn lợi thủy sản mà còn góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường biển, hướng đến một ngành thủy sản phát triển bền vững và hiệu quả hơn trong tương lai.