OCB tung gói vay ưu đãi lãi suất từ 7,5%
Gói vay áp dụng cho khách hàng có nhu cầu sản xuất kinh doanh ngắn hạn, mua nhà đất và ô tô với hạn mức 5.000 tỷ đồng.
Theo đó, từ tháng 8, những khách hàng cá nhân vay với mục đích sản xuất kinh doanh sẽ được áp dụng lãi suất ưu đãi từ 7,5%. Khách hàng mua nhà để ở được hưởng lãi suất 8,5% một năm.
Đại diện OCB cho biết, gói vay mua nhà Khởi đầu an cư dành riêng cho khách hàng trẻ, là công nhân viên chức với lãi suất từ 8,5% một năm đang nhận được sự quan tâm lớn từ thị trường. Chỉ cần có nguồn thu nhập chuyển khoản từ lương tối thiểu 10 triệu đồng cố định mỗi tháng, khách hàng có thể tham gia gói vay để sớm sở hữu căn nhà mơ ước. Thời gian vay lên đến 30 năm, miễn phí trả nợ trước hạn sau 5 năm, ân hạn nợ gốc tối đa 60 tháng. Khách hàng có thể vay tối đa 100% nhu cầu vốn và đến 80% giá trị tài sản. Ngoài ra, gói vay được phê duyệt hồ sơ trong vòng 4 giờ, giúp tiết kiệm thời gian.
Trước đó, từ tháng 6, ngân hàng đã tung hai gói lãi suất ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân với tổng hạn mức lên đến 12.000 tỷ đồng.
Từ đầu năm đến nay, OCB điều chỉnh 13 lần lãi suất huy động, với mức giảm 1,8% bình quân tính với kỳ hạn 12 tháng. Trong tháng 7, ngân hàng cũng giảm lãi suất vay hơn 1% cho tất cả các mục đích vay. Lãi suất vay thông thường hiện trong mức 9,5% với ngắn hạn và 10,7% với trung dài hạn.
“Hoạt động giảm lãi suất huy động đi cùng với giảm lãi suất cho vay nhận được sự hưởng ứng lớn từ thị trường bởi không chỉ doanh nghiệp, mà khách hàng của doanh nghiệp là người dân cũng được hưởng lợi do lãi vay giảm, kích thích tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh”, đại diện ngân hàng chia sẻ.
Cũng theo đại diện OCB, lãi suất quay đầu giảm là lúc bất động sản dần tăng giá, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản nhà ở vì nhu cầu của người dân lớn, lực cầu cao. Khi được tiếp sức bởi lãi suất hạ, dòng tiền được khơi thông, nhiều chương trình ưu đãi từ các ngân hàng và loạt nút thắt pháp lý được tháo gỡ, dòng bất động sản sẽ quay lại.
OCB cũng đang chuyển dịch dần cơ cấu cho vay sang các sản phẩm sản xuất kinh doanh ngắn hạn, đảm bảo chỉ số thanh khoản theo đúng định hướng của Ngân hàng Nhà nước. 6 tháng đầu năm, tổng doanh số giải ngân sản xuất kinh doanh của ngân hàng xấp xỉ 140% kế hoạch lũy kế, số dư sản xuất kinh doanh tăng 67% so với cùng kỳ 2022.
Kim Ngân