A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nón lá Huế trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế

Đồng chí Phan Ngọc Thọ - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đề nghị tiếp tục kiện toàn, phát triển tổ chức để Hội Nón lá Huế thực sự là cầu nối huy động, phát huy tiềm năng, trí tuệ của các cá nhân, tập thể nhằm đóng góp hiệu quả, chất lượng cho việc bảo tồn và phát huy giá trị nón lá Huế trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

Ngày 29/4, tại hội trường Đại học Huế  (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã diễn ra Hội nghị quốc tế “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá nón lá Huế trong thời kỳ hội nhập kinh tế” do Hội Nón lá Huế phối hợp với Viện Friedrich Naumann Foundation, Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam phối hợp tổ chức.

 Quang cảnh Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ; đại liện lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn tỉnh; đại diện các đối tác, các doanh nghiệp, tiểu thương, các nhà nghiên cứu, Hội viên Hội Nón lá Huế…

Chương trình nằm trong chuỗi sự kiện hoạt động Festival Nghề truyền thống Huế lần thứ 9 năm 2023 với chủ đề “Tinh hoa Nghề Việt” từ ngày 28/4 -05/5/2023 nhằm tôn vinh quảng bá những giá trị đặc sắc của văn hóa Huế và văn hóa Việt Nam.

Nón Huế rất được giới trẻ yêu chuộng. 

Hội nghị bao gồm 03 phiên, xoay quanh các chủ đề như: Lịch sử hình thành và phát triển Nón lá và Áo dài Huế; cơ hội, thách thức và các giải pháp để thúc đẩy nghề làm Nón lá Huế và một số giải pháp nhằm bảo tồn và phát triển nghề làm Nón lá Huế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Tại hội nghị, các hội viên làm Nón lá Huế đã trao đổi, trực tiếp chia sẻ kinh nghiệm cũng như giải đáp những thắc mắc giữa khách mời với diễn giả, doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, tiểu thương, đánh giá ý kiến của khách hàng đối với sản phẩm Nón lá Huế…

Cần đẩy mạnh phối hợp tuyên truyền, quảng bá, khẳng định thương hiệu nón lá Huế.

Ban tổ chức Hội nghị sẽ tổ chức cuộc thi sáng tạo “Thiết kế trên Nón Huế” và trưng bày các sản phẩm Nón Huế tại Festival nghề truyền thống Huế 2023 nhằm giới thiệu các sản phẩm Nón lá Huế, quy trình làm Nón lá Huế, ứng dụng Nón lá Huế trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế và sự kết hợp hài hòa, tinh tế giữa Áo dài và Nón lá…

Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế - Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh cần đẩy mạnh phối hợp tuyên truyền, quảng bá, khẳng định thương hiệu nón lá Huế, đồng thời gắn phát triển Nón lá Huế với Áo dài Huế và khai thác các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống để hình thành chuỗi sản phẩm, hoạt động văn hóa thu hút khách du lịch; thúc đẩy các hoạt động đào tạo nghề nón lá, lồng ghép các kỹ năng mềm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường để thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát triển giá trị nón lá Huế. Bên cạnh đó, tích cực phối hợp thực hiện các khảo sát, đánh giá thực trạng nghề, làng nghề, trên cơ sở đó, đề xuất lựa chọn mô hình nón lá gắn với làng nghề, kết hợp với phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương. Đồng thời, chú trọng công tác số hóa dữ liệu về lịch sử hình thành, phát triển của nón lá Huế.

Đồng chí Phan Ngọc Thọ đề nghị, phải tiếp tục kiện toàn, phát triển tổ chức Hội để Hội Nón lá Huế thực sự là cầu nối huy động, phát huy tiềm năng, trí tuệ của các cá nhân, tập thể nhằm đóng góp hiệu quả, chất lượng cho việc bảo tồn và phát huy giá trị nón lá Huế trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

Với nhiều nội dung quan trọng, Hội nghị sẽ góp phần mang đến những giải pháp hiệu quả và thiết thực cho chính quyền, doanh nghiệp, tiểu thương, hội viên Hội Nón lá Huế, nhằm cung cấp sản phẩm du lịch, hướng đến phát triển kinh tế- xã hội, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống gắn liền với các thế mạnh và tiềm lực của địa phương. Đặc biệt, góp phần gia tăng sự trải nghiệm thực tế của du khách, người dân đam mê, tìm hiểu và sử dụng Nón lá Huế phù hợp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế./.

Tin, ảnh: Hoàng Oanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết