A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nguyên nhân nào khiến thị trường cà phê biến động?

Phiên giao dịch ngày hôm qua chứng kiến biến động nhẹ của thị trường cà phê. Thị trường tiếp tục dành nhiều sự quan tâm đến điều kiện thời tiết tại Brazil.

Theo thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), phiên giao dịch ngày hôm qua chứng kiến biến động nhẹ của thị trường cà phê. Mặt hàng cà phê Arabica ghi nhận mức tăng 0,7% lên 5.512 USD/tấn, giá cà phê Robusta cũng nhích nhẹ 0,2% lên mức 4.865 USD/tấn.

Theo dự báo, mưa đang lan rộng từ Nam đến Đông Nam Brazil, vùng trọng điểm sản xuất cà phê, tuy nhiên, lượng mưa hiện vẫn còn thấp. Dự báo trong 10 ngày tới, lượng mưa sẽ tăng dần và bao phủ hầu hết các khu vực sản xuất chính, với khu vực Đông Nam ghi nhận lượng mưa từ 25-75 mm cao hơn bình thường, cao hơn mức bình thường, một số nơi ở phía Nam thậm chí có thể ghi nhận lượng mưa lên tới 120 mm. Điều này làm dấy lên hy vọng về triển vọng nguồn cung vụ 2025-2026 tại Brazil.

Hoạt động xuất khẩu cà phê toàn cầu cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực. Colombia cho biết xuất khẩu 987.000 bao cà phê Arabica chế biến ướt trong tháng 9, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Tổ chức Cà phê thế giới (ICO), xuất khẩu cà phê toàn cầu tháng 8 đạt 9,91 triệu bao, tăng 8,8% so với cùng kỳ 2023. Lũy kế từ đầu niên vụ 2023-2024 đến hết tháng 8/2024, con số này đạt 113,8 triệu bao, tăng 10,5% so với cùng kỳ vụ trước.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, niên vụ 2024-2025, Việt Nam có thể chứng kiến sản lượng cà phê thấp nhất trong 13 năm qua, việc này sẽ tạo ra không ít thách thức đối với thị trường cà phê toàn cầu.

Nguyên nhân nào khiến thị trường cà phê biến động?
Niên vụ 2024-2025, Việt Nam có thể chứng kiến sản lượng cà phê thấp nhất trong 13 năm qua. Ảnh: TL

Trước mắt, có thể thấy nguồn cung giảm mạnh, trong khi nhu cầu tăng, đồng thời thị trường vẫn chịu nhiều ảnh hưởng bởi tác động của biến đổi khí hậu sẽ tạo ra áp lực gia tăng giá. Ngành cà phê Việt Nam cần điều chỉnh sản xuất, tìm các giải pháp thay thế cũng như quản lý nguồn cung để ứng phó với những thay đổi phức tạp của thị trường.

Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), giá cà phê Robusta đang tiến gần hơn với giá cà phê Arabica, điều trước đây ít khi xảy ra, trong khi xuất khẩu cà phê tại thị trường lớn trên thế giới liên tục tăng vọt lên các mức kỷ lục.

Giá cà phê toàn cầu tháng 9/2024 trung bình đạt 258,9 US cent/pound, tăng 8,4% so với tháng trước và tăng 69,1% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, giá của cà phê Arabica Colombia và nhóm cà phê Arabica khác tăng 5,9% và 6,5% so với tháng trước, đạt lần lượt 279,3 US cent/pound và 278,5 US cent/pound. Giá cà phê Arabica Brazil cũng tăng 6,2% lên 257,2 US cent/pound.

Đáng chú ý, cà phê Robusta ghi nhận mức tăng lên tới 12,8% so với tháng trước, đạt bình quân 242,08 US cent/pound.

Báo cáo từ Mordor Intelligence dự đoán, thị trường cà phê toàn cầu sẽ tăng trưởng từ 132,13 tỷ USD năm 2024 lên 166,39 tỷ USD năm 2029, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt 4,72%.

Thói quen tiêu thụ cà phê của giới trẻ ngày càng tăng, cùng với mức thu nhập khả dụng cao hơn và quá trình đô thị hóa, là những động lực chính thúc đẩy nhu cầu sử dụng cà phê trên toàn thế giới.

Số liệu được Tổng cục Hải quan Việt Nam công bố cho thấy, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 9 đạt 51.369 tấn, trị giá 286,9 triệu USD, giảm 32,6% về lượng và 28,7% về trị giá so với tháng trước, nhưng so với cùng kỳ năm ngoái tăng 0,8% về lượng và 70,1% về trị giá.

Tính chung 9 tháng đầu năm, lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam đạt 1,1 triệu tấn, giảm 11,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, do giá tăng cao nên kim ngạch xuất khẩu thu về đã thiết lập kỷ lục mới 4,3 tỷ USD, tăng 37,8% so với cùng kỳ 2023.

Như vậy, Việt Nam có cơ hội lớn trong việc gia tăng giá trị xuất khẩu cà phê, nhưng cũng cần nỗ lực trong việc áp dụng các phương pháp canh tác bền vững, nhằm đảm bảo duy trì đà tăng trưởng trong dài hạn.

Việt Nam là một trong những nước sản xuất cà phê hàng đầu thế giới. Khi vụ thu hoạch bắt đầu, lượng cà phê mới được đưa vào thị trường tăng lên, cung cấp một lượng lớn nguyên liệu cho các nhà rang xay và các thương hiệu cà phê. Dẫn đến một sự giảm giá tạm thời do sự cân bằng giữa cung và cầu.

Tại thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay (10/10), giá cà phê tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ tiếp tục tăng nhẹ so với cùng thời điểm hôm qua, dao động trong khoảng 112.800 - 113.500 đồng/kg.


Tác giả: Ngọc Ngân
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...