Giá tăng kỷ lục, cà phê xuất khẩu chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai
Cà phê có giá tăng cao kỷ lục đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cà phê tăng trưởng mạnh, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai.
Sáng 9/10, trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Binh - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai cho biết, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tháng 9 ước đạt 50 triệu USD, lũy kế 9 tháng ước đạt 700 triệu USD, đạt 93,33% kế hoạch, tăng 26,13% so với cùng kỳ.
Cà phê xuất khẩu chiếm 80% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. |
Trong đó, giá cà phê tăng cao kỷ lục trong 5 năm gần đây mang lại giá trị kim ngạch lớn. Cà phê xuất khẩu đạt sản lượng 193.000 tấn, tương ứng kim ngạch xuất khẩu 552 triệu USD (tăng 28,37% về giá trị), chiếm 80% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Một số các mặt hàng khác cũng có mức tăng như: Mủ cao su 764 tấn/1,03 triệu USD, tăng 22,12% về giá trị; sản phẩm gỗ 1,6 triệu USD; hàng khác đạt 145,3 triệu USD, tăng 17,7% giá trị.
Các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê ở Gia Lai chú trọng đầu tư đổi mới để đáp ứng yêu cầu của những thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản. |
Cùng với đó, kim ngạch nhập khẩu tháng 9 ước đạt 03 triệu USD, lũy kế 9 tháng ước đạt 113 triệu USD, đạt 98,26% kế hoạch, tăng 13% so với cùng kỳ. Các mặt hàng chủ yếu như: Sắn lát 53.650 tấn/7,62 triệu USD; hạt điều 39.500 tấn/ 45,54 triệu USD; cao su tự nhiên 1.900 tấn/2,3 triệu USD và một số mặt hàng khác 62,14 triệu USD (vật tư, phân bón, đường, chuối, xoài, dứa, ngô hạt, đậu tương...).
Giá cà phê tăng đã giúp người dân thu lời cao. |
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua biên giới 9 tháng đạt 153 triệu USD, tăng 48% so với cùng kỳ. Xuất khẩu ước đạt 33 triệu USD, giảm 25% so với cùng kỳ. Nhập khẩu ước đạt 120 triệu USD, tăng 103% so với cùng kỳ.
Cà phê là cây trồng chủ lực của tỉnh Gia Lai với diện tích hơn 100.000 ha, trong đó, diện tích cà phê kinh doanh hơn 87.000 ha, tổng sản lượng đạt khoảng 260.000 tấn.
Một số doanh nghiệp xuất khẩu cà phê có uy tín trên thị trường quốc tế tại địa bàn tỉnh Gia Lai phải kể đến như: Vĩnh Hiệp, Hoa Trang, Tín Thành Đạt, Louis Dreyfu Company Việt Nam (doanh nghiệp FDI).
Các doanh nghiệp này đều có nhà máy chế biến quy mô lớn, hệ thống kho chứa được đầu tư nâng cấp mở rộng; đồng thời, chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, chế biến, từ đó tạo ra nguồn hàng chất lượng, đáp ứng yêu cầu của những thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản.
Cùng với đó, tác động của các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định EVFTA, RCEP đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường, nâng cao năng lực xuất khẩu.